Ngoài rượu, các loại virus viêm gan, thuốc men… còn có nhiều “kẻ thù” khác có thể gây hại cho tế bào gan và gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Đường
Quá nhiều đường không chỉ có hại cho răng mà còn ảnh hưởng xấu tới gan. Các cơ quan trong cơ thể sử dụng một loại đường gọi là fructose, để tạo ra chất béo. Tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện và siro bắp cao phân tử (chất làm ngọt nhân tạo có nguồn gốc từ tinh bột ngô), sẽ gây ra tình trạng tích tụ chất béo có thể dẫn tới sự phát triển của các bệnh lý về gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường gây tổn hại cho gan tương đương rượu. Chính vì thế để bảo vệ lá gan, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có lượng đường cao như bánh kẹo, soda.
2. Mì chính (bột ngọt)
Mì chính hay bột ngọt, có tên hóa học là monosodium glumate (MSG). Bột ngọt được sử dụng trong rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau nhất là các loại chế biến sẵn như giò chả, đồ hộp,… Đây là loại gia vị gần như không thể thiếu trong bất cứ bếp ăn nào ở Việt Nam, từ gia đình cho đến nhà hàng. Tuy nhiên một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng mì chính có thể gây tích tụ chất béo ở gan hoặc làm viêm gan, dẫn tới sự hình thành bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn và ung thư gan. Các nhà khoa học cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định xem liệu mì chính có ảnh hưởng tới con người như với động vật hay không.
3. Comfrey
Comfrey (cây hoa chuông) là một loại cây bụi được tìm thấy nhiều ở châu Âu và châu Á. Lá của loại cây này có chứa một chất hóa học giúp giảm sưng và giữ cho da luôn khỏe mạnh, vì vậy được ứng dụng rất nhiều trong một số loại kem giảm đau. Tuy nhiên comfrey cũng có những chất gây hại cho gan. Không sử dụng sản phẩm có chứa comfrey trong hơn 10 ngày hoặc hơn 6 tuần trong một năm. Chỉ nên bôi một lượng rất nhỏ lên da và tuyệt đối không bôi lên vết thương hở.
4. Béo phì
Những người béo phì, thừa cân, trong độ tuổi trung niên hoặc bị tiểu đường có nguy cơ cao phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Hiện tại chưa có thuốc điều trị triệt để gan nhiễm mỡ không do rượu nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với luyện tập thể dục thường xuyên có thể đảo ngược được tình trạng này.
5. Quá nhiều vitamin A
Vitamin A có nhiều trong trứng, sữa cũng như các loại trái cây và rau quả tươi có màu đỏ, cam và vàng. Nhiều chất bổ sung cũng có vitamin A vì nó giúp cải thiện thị lực, giữ cho xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây độc hại cho gan. Để đảm bảo an toàn, không nên tiêu thụ vượt quá mức 10.000 IU mỗi ngày.
6. Nước ngọt
Các nhà khoa học đã nghiên cứu chế độ ăn của một nhóm người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, có bao gồm các yếu tố như trọng lượng cơ thể, lượng chất béo trong máu và người tham gia nghiên cứu có bị tiểu đường hay không. Một điều nổi bật trong nghiên cứu là 80% những người này uống 2 lon nước ngọt hoặc nhiều hơn mỗi ngày, không kể nước ngọt bình thường hay loại không có calo (calorie-free). Mặc dù không có bằng chứng xác thực nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các chất làm ngọt nhân tạo có thể là nguyên nhân.
7. Thuốc chống trầm cảm
Dù rất hiếm nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây tổn hại cho lá gan, ngay cả khi chỉ dùng trong thời gian ngắn. Thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn tới chết người. Người lớn tuổi và những người thường xuyên phải uống thuốc có nguy cơ cao hơn vì gan của họ có thể đã bị tổn thương từ trước. Cần biết mốt số triệu chứng về gan để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu gan bị ảnh hưởng.
8. Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa là một chất béo nhân tạo phổ biến trong các thực phẩm chế biến sẵn. Một chế độ ăn có chứa chất béo chuyển hóa không chỉ làm tăng cân mà còn khiến cho bệnh gan trở nên nghiêm trọng hơn. Trong một nghiên cứu, những con chuột ăn một chế độ ăn thức ăn nhanh giàu chất béo chuyển hóa có tổn thương gan sau 4 tháng.