U xơ tử cung và thai nghén là vấn đề mà chị em gặp phải đặc biệt quan tâm. U xơ tử cung có ảnh hưởng như thế nào tới việc mang thai? Mẹ bầu bị u xơ cần phải làm gì? Bài viết sẽ cung cấp tới chị em một số kiến thức cơ bản về vấn đề trên.
Menu xem nhanh:
1. U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung bản chất là sự tăng sinh bất thường của các tế bào cơ trơn. Các u xơ này có thể hình thành ở các vị trí khác nhau trong tử cung như:
– U xơ thành tử cung (nhân xơ kẽ).
– U xơ dưới niêm mạc.
– U xơ tại eo cổ tử cung.
– U xơ trong lòng tử cung.
– U xơ vùng phúc mạc tử cung.
Tùy kích thước các u xơ và từng vị trí của các u xơ mà mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau. U xơ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như: rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng dưới, đau bụng vùng chậu, tiểu khó, khí hư bất thường,…. Chính vì thế, cách tốt nhất để phát hiện bệnh là thăm khám phụ khoa.
2. U xơ tử cung và thai nghén
U xơ tử cung lành tính không gây hại tới sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên khi các u xơ có dấu hiệu tăng trưởng về kích thước sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe sinh sản như:
2.1. Ảnh hưởng tới khả năng mang thai
Khi các u xơ phát triển quá nhiều hoặc gia tăng kích thước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan sinh sản. Các nguy cơ có thể xảy ra gồm:
– Cổ tử cung có thể bị dị dạng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ thai như cản trở di chuyển của tinh trùng để gặp trứng.
– Ống dẫn trứng bị tắc do bị chặn bởi các nhân xơ.
– Độ dày niêm mạc tử cung bị tác động.
– Theo thống kê, có khoảng từ 2 – 5% các trường hợp vô sinh ở chị em do u xơ tử cung gây nên.
Chính vì thế, việc làm cần thiết trước khi mang thai là khám sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp phát hiện các u xơ tử cung, chị em sẽ được thăm khám chi tiết và đánh giá mức độ của u xơ:
– Nếu khối u xơ nhỏ hơn 50mm và không có biến chứng: Trong trường hợp này, chị em hoàn toàn có thể mang thai. Tuy nhiên trong suốt thai kỳ chị em cần được bác sĩ theo dõi nghiêm ngặt. Khối u sẽ được xử lý sau khi sinh.
– Nếu khối u xơ trên 50mm hoặc nhỏ hơn 50mm nhưng có nguy cơ biến chứng: Các khối u này sẽ được loại bỏ trước khi mang thai. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi tùy tình trạng sức khỏe và bệnh lý. Tuy nhiên, chị em không được mang thai sớm để tránh nguy cơ sảy thai. Chị em phải đi thăm khám sau phẫu thuật để chắc chắn vết thương sau mổ đã lành hẳn.
2.2. Ảnh hưởng trong thời kỳ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, u xơ tử cung là vấn đề nghiêm trọng vì nó gây ra:
– Nguy cơ sảy thai:
Trong thai kỳ, các khối nhân xơ thường sẽ gia tăng kích thước cùng thai nhi. Chính vì thế các u xơ trong buồng tử cung có thể gây chiễm chỗ của thai nhi. Tử cung dễ bị kích thích tạo nên những cơn co đẩy thai nhi ra ngoài. Mẹ bầu có thể bị sảy thai sớm trong ba tháng đầu. Tuy nhiên có mẹ bầu bị sảy thai muộn ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai. Vì vậy mẹ bầu cần hết sức chú ý chăm sóc sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế nguy cơ đáng tiếc xảy ra.
– Nguy cơ sinh non
Tình trạng sinh non do u xơ thường xuất hiện từ tháng thứ 7 thai kỳ. Khi thai và u xơ cùng tăng kích thước sẽ khiến tử cung căng cứng, kích thích sinh non. Chính vì thế khi có những cơn gò bất thường nào mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ.
– Xoắn cuống u xơ tử cung
Nếu mẹ bầu bị u xơ phúc mạc, có thể u xơ sẽ bị xoắn trong quá trình mang thai. Đây là trường hợp khẩn, mẹ bầu cần nhập viện theo dõi và nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu.
2.3. Ảnh hưởng trong thời kỳ chuyển dạ
Với quá trình chuyển dạ, u xơ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Gây rối loạn cơn gò chuyển dạ
Các u xơ tử cung có thể gây sự ngăn cản dẫn truyền của các cơn co dẫn đến quá trình chuyển dạ kéo dài. Chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nhiều trường hợp chị em phải chuyển mổ cấp cứu để tránh suy thai và biến chứng chuyển dạ. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể sót rau trong quá trình sinh hoặc bị đờ tử cung gây chảy máu.
– U tiền đạo
U xơ tại eo tử cung hay các u xơ có cuống rơi xuống khu vực này sẽ tạo nên các u tiền đạo. Trong quá trình chuyển dạ, thai nhi khó đổi ngôi gây nên tình trạng ngôi ngang, ngôi ngược. Phần lớn trong trường hợp này mẹ bầu cần sinh mổ để con an toàn.
– Nguy cơ nhiễm khuẩn
Quá trình mang thai cũng gây ra tác động ngược tới u xơ này. Trong thời kỳ mang thai, hormone progesteron từ nhau thai tiết ra có thể khiến u mềm ra và bị hoại tử. Gây nguy cơ nhiễm trùng cao. Ngoài ra, ở kỳ hậu sản, mẹ bầu có các u xơ dưới niêm mạc cần cẩn trọng nguy cơ nhiễm khuẩn..
3. Điều trị u xơ tử cung khi mang thai
Điều trị u xơ tử cung khi thai nghén phụ thuộc vào mức độ và tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.
3.1. Khi thai nhi chưa đủ tuần sinh
Mẹ bầu được theo dõi và điều trị theo chỉ định. Trong trường hợp bị hoại tử vô khuẩn, mẹ bầu được kê thuốc kháng sinh và cần nghỉ ngơi. Trong trường hợp bị xoắn cuống nhân xơ hoặc hoại tử vô khuẩn điều trị bằng thuốc không tiến triển sẽ phải mổ cấp cứu và dùng thuốc giảm co tử cung để tránh tác động đến thai nhi.
3.2. Khi thai nhi từ 36 tuần tuổi
Khi thai nhi từ 36 tuần tuổi, trong trường hợp khẩn cấp sẽ mổ bắt thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Trong quá trình mổ, bác sĩ có thể kết hợp bóc u xơ nếu sức khỏe của mẹ cho phép.
3.3. Thời kỳ hậu sản
Phần lớn chị em bị u xơ tử cung sau sinh cần kiểm soát tử cung để chống chảy máu, nhiễm khuẩn và nguy cơ rối loạn đông máu.
Trên đây là một số những thông tin liên quan u xơ tử cung và thai nghén. U xơ tử cung có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm tới thai kỳ. Vì vậy lời khuyên tốt nhất cho chị em là nên điều trị u xơ trước khi mang thai. Trong trường hợp bị u xơ trong thai kỳ cần đặc biệt chú ý theo dõi. Mẹ bầu không nên bỏ qua các mốc thăm khám định kỳ., ngược lại cần theo dõi cẩn thận và chi tiết theo từng chỉ định của bác sĩ.
Mang thai và sinh con là quãng thời gian ý nghĩa của người mẹ. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân để có một thai kỳ khỏe mạnh chị em nhé!