Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai (hay lỗ thứ phát) là dạng phổ biến nhất trong các loại thông liên nhĩ, chiếm 75% các trường mắc bệnh. Vậy thực chất loại thông liên nhĩ này có đặc điểm gì và cách điều trị ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu vấn đề này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai là gì?
Thông liên nhĩ có 4 loại gồm: thông liên nhĩ lỗ tiên phát (lỗ thứ nhất), thông liên nhĩ lỗ thứ phát (lỗ thứ hai), thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch, thông liên nhĩ thể xoang vành.
Trong đó, thông liên nhĩ lỗ thứ hai là dạng phổ biến nhất, chiếm 75% các ca mắc. Tần suất đạt 7% trong các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em và lên đến 30 – 40% ở người lớn.
Lỗ thông thứ phát có đặc điểm:
– Vị trí cao, gần với lỗ bầu dục
– Kích thước lỗ thông thường từ 10 – 30mm
2. Dấu hiệu nhận biết thông liên nhĩ thứ phát
Đa số các trường hợp thông liên nhĩ nói chung và thông liên nhĩ lỗ thứ phát đều có triệu chứng rất nhẹ nhàng, thậm chí không biểu hiện gì khi bệnh nhân còn nhỏ hay còn trẻ. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đầu tiên khi bệnh nhân ở độ tuổi 30 – 40.
Điều này không giống với các bệnh tim bẩm sinh khác. Vì vậy, bệnh thường rất khó phát hiện qua các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh này.
2.1 Triệu chứng thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai ở trẻ em
– Chậm lớn, ít tăng cân, suy dinh dưỡng
– Giảm khả năng gắng sức
– Lồng ngực gồ lên
Các triệu chứng này thường xuất hiện khi lỗ thông lớn, có tăng áp lực động mạch phổi.
2.2 Triệu chứng ở người lớn
– Khó thở khi gắng sức
– Ho
– Hồi hộp, loạn nhịp tim
– Yếu, liệt
Các triệu chứng kể trên thường xảy ra khi thông liên nhĩ đã biến chứng suy tim, tăng áp phổi, loạn nhịp tim hay tai biến mạch máu não.
3. Bệnh có tự khỏi được không?
Trong số các thể thông liên nhĩ, chỉ có thông liên nhĩ lỗ thứ hai có khả năng tự đóng lại. Hầu hết các lỗ thông ở thể này với đường kính nhỏ hơn 8mm có thể tự đóng được trong 2 – 5 năm đầu. Trong khi các thể thông liên nhĩ khác không thể tự đóng được.
Khả năng chữa khỏi và phương pháp điều trị thông liên nhĩ lỗ thứ phát phụ thuộc vào kích thước của lỗ thông. Lỗ thông càng bé khả năng tự đóng càng cao. Trong khi đó, đối với các lỗ thông lớn, đặc biệt đã ảnh hưởng đến huyết động, bệnh nhân cần phải thực hiện các biện pháp điều trị nội khoa, can thiệp, phẫu thuật để giảm triệu chứng hoặc bít lỗ thông để chấm dứt các triệu chứng.
4. Chẩn đoán và điều trị thông liên nhĩ lỗ thứ phát
4.1 Chẩn đoán bệnh thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai
Vì bệnh ít biểu hiện thành triệu chứng nên để chẩn đoán chính xác, bạn cần đi khám tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở uy tín. Tại đó, các bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn và kinh nghiệm sẽ tiến hành hỏi triệu chứng (nếu có), bệnh sử, thói quen sinh hoạt của bạn, tiến hành sờ tim, nghe tim,…để phát hiện những bất thường.
Nếu kết quả khám lâm sàng cho thấy bạn có những dấu hiệu của bệnh thông liên nhĩ thì bạn sẽ được chỉ định một số xét nghiệm, chụp chiếu để xác định. Đó là:
– Siêu âm tim: xác định được vị trí lỗ thông, đánh giá kích thước lỗ thông, kiểm tra chiều shunt, áp lực động mạch phổi, đặc biệt là mối liên hệ giữa lỗ thông và các cấu trúc xung quanh. Đó là cơ sở để các bác sĩ định hướng can thiệp, phẫu thuật.
– X-quang ngực: có thể cho thấy các dấu hiệu gián tiếp như giãn nhĩ phải, giãn thất phải và động mạch phổi.
– Điện tâm đồ: kiểm tra hệ thống điện của tim, tìm kiếm các dấu hiệu tăng gánh thất phải, block nhánh phải do thông liên nhĩ gây ra.
4.2 Điều trị thông liên nhĩ lỗ thứ phát
Tùy vào từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Cụ thể:
– Đối với những trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi, lỗ thông <8mm thì có thể chờ lỗ thông tự đóng. Trong thời gian đó, cần theo dõi định kỳ 6 -12 tháng/lần.
– Đối với lỗ thông có kích thước lớn nhưng chưa biểu hiện thành triệu chứng, thường bệnh nhân cũng chỉ cần theo dõi sức khỏe.
– Trong trường hợp kích thước lỗ thông lớn, ảnh hưởng đến huyết động hoặc gây ra các biến chứng thì các phương pháp đóng lỗ thông bao gồm: can thiệp (thông tim) hoặc phẫu thuật (mổ mở để đóng lỗ thông) sẽ được chỉ định nếu bệnh nhân đảm bảo các điều kiện sức khỏe để thực hiện.
Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm riêng. Người bệnh cần thực hiện đúng hướng dẫn của các bác sĩ để hiệu quả điều trị đạt cao nhất, giúp bản thân mau chóng khỏi bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.
Hi vọng qua những thông tin trên đây, các bạn đã có thêm hiểu biết về bệnh thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai. Đây là một căn bệnh có thể chữa được nhưng đòi hỏi sự chủ động và hợp tác của người bệnh. Hãy thường xuyên đi khám, tuân thủ phác đồ điều trị và tạo cho mình lối sống tích cực, bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.