Những dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Thường phụ nữ sẽ bắt đầu chuyển dạ từ tuần 38 đến 40, nhưng đôi khi khi cũng có thai phụ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 – đây được gọi là hiện tượng chuyển dạ sớm. Vậy để giúp mẹ biết được những biểu hiện ở tuần 37 báo hiệu mình sắp sinh mà không nhầm lẫn với hiện tượng khác, chúng tôi sẽ chia sẻ thông qua bài viết dưới đây.

1. Những điều mẹ cần biết trong thai kỳ tuần 37

1.1 Thai nhi 37 tuần tuổi sẽ phát triển như thế nào?

Thai nhi khi được 37 tuần tuổi sẽ có kích thước trung bình dài khoảng 48cm tính từ đầu bé đến gót chân, cân nặng trung bình sẽ là khoảng 2,9kg. Đến tuần 37, bé đã phát triển với đầy đủ các bộ phận, đặc biệt thời điểm này bé khá nhạy cảm với ánh sáng, khi nhận biết ánh sáng tác động bé sẽ quay mặt vào trong. Thời điểm này tuy hơi sớm nhưng bé đã có thể hoàn toàn thích ứng với một cuộc sống độc lập bên ngoài bụng mẹ rồi.

Đối với các mô, dây thần kinh sẽ tiếp tục phát triển trong suốt những năm tháng đầu đời của bé. Khi mang thai, để con có thể phát triển toàn diện hơn bố mẹ hãy thử đọc truyện, bật nhạc cho bé nghe. Hiện nay, với thời đại phát triển mẹ có thể tham khảo một số bài tập thai giáo kích thích phát triển thông minh, tình cảm ở trẻ nhỏ. Nếu có sự đồng hành của bố trong những bài tập này thì thật tuyệt, điều này sẽ càng gắn kết tình cảm cha con nhiều hơn.

thai phụ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 - đây được gọi là hiện tượng chuyển dạ sớm

Thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 – đây được gọi là hiện tượng chuyển dạ sớm

1.2 Những thay đổi của mẹ trong tuần thai 37

Khi mang thai ở tuần 37 mẹ đã có phần chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón bé rồi. Đa phần các mẹ khi mang thai đến tuần 37 sẽ không muốn đi xa, đi khỏi nơi ở của mình nhiều mà muốn ở nhà, hay còn được nhiều bố mẹ thường gọi với tên dân gian là “làm ổ”. Mẹ tuy đã được chuẩn bị sẵn nhưng cũng sẽ có nhiều lo lắng không biết liệu đi sinh sẽ đau như thế nào, nhất là những mẹ sinh lần đầu tiên. Liệu bản thân mẹ có quên điều gì hay không, đã chuẩn bị đầy đủ để đi viện hay chưa, chăm sóc tại viện thì cần ai. Những lo lắng ấy tuy đã được chuẩn bị nhưng vẫn sẽ xuất hiện.

– Thời điểm khi thai được 37 tuần thì vẫn sớm nhưng mẹ sẽ nhạy cảm hơn với những dấu hiệu của cơ thể, như đau bụng, đau lưng, chân tay hay bị chuột rút,… nghi ngờ mình sắp sinh. Càng những tuần về cuối thì có lẽ tần suất mẹ ra vào viện sẽ nhiều hơn

– Bong nút nhầy cổ tử cung khi mang thai tuần 37 là một trong những hiện tượng đặc trưng mẹ bầu nào cũng có thể gặp. Hiện tượng xuất hiện khi cổ tử cung bắt đầu mềm ra để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa em bé chào đời, các lớp nhầy ở cổ tử cung khi ấy sẽ bong và ra khỏi cơ thể theo đường âm đạo. Khi ấy, thai phụ sẽ thấy âm đạo có tiết ra dịch nhầy có màu vàng, đôi khi có lẫn với máu.

– Những cử động của em bé thời gian này cũng sẽ giảm đi phần nào so với thời gian trước nhất là những ngày gần sinh tuy nhiên, không nên chủ quan nếu như nhận thấy bất thường mẹ nên kiểm tra ngay nhé.

Những dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 thường gặp

Bong nút nhầy cổ tử cung khi mang thai tuần 37 là một trong những hiện tượng đặc trưng báo hiệu mẹ sắp chuyển dạ

1.3 Mẹ bầu mang thai 37 tuần thường sẽ có những triệu chứng gì?

Khi mang thai tuần 37 mẹ sẽ thường phải đối mặt với những thay đổi của cơ thể, có thể khó chịu một chút, chẳng hạn như:

– Hiện tượng phù, phù cả tay và chân khiến mẹ khó chịu

– Cảm giác buồn nôn

– Thường xuyên mất ngủ, khó ngủ

– Gặp hiện tượng co thắt Braxton-Hicks. Càng gần ngày sinh thì hiện tượng này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, giúp quá trình chuyển dạ của mẹ được thuận lợi hơn, bào thai cũng được đưa ra ngoài dễ dàng hơn

– Cảm giác mệt mỏi

– Hay bị chóng mặt và đau đầu

– Không thể đứng lâu, cơ thể nặng nề chân tay đau nhức

– Thường xuyên cảm giác đau bụng, trằn bụng

2. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 mẹ cần biết

– Sa bụng: Bụng bầu có dấu hiệu sa xuống báo hiệu mẹ sắp chuyển dạ và sẵn sàng để sinh con. Khi ấy mẹ có thể cảm nhận được thai nhi trong bụng mình đang dần dịch chuyển xuống khu vực xương chậu và muốn ra ngoài. Với những mẹ sinh con từ lần hai trở nên sẽ khó có thể nhận biết hơn. Mẹ sẽ cảm thấy bụng mình cũng như cơ thể vô cùng nặng nề và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Những dấu hiệu chuyển dạ tuần 37

Càng gần thai kỳ mẹ càng cần theo dõi và kiểm tra từ bác sĩ để đảm bảo không có gì nguy hiểm xảy ra

– Cổ tử cung mở: Cổ tử cung mở chỉ có thể phát hiện khi thăm khám, nhưng đây chính là dấu hiệu báo cho mẹ chuẩn bị đón con yêu chào đời. Trước khi cổ tử cung mở sẽ có hiện tượng máu báo hồng, phụ nữ mang thai cần lưu ý để đến viện sớm để kiểm tra. Tuỳ vào tình trạng của mỗi người mà độ mở tử cung sẽ khác nhau.

– Mệt mỏi: Càng gần đến ngày sinh bé, thai phụ sẽ ngày càng thấy mệt mỏi và khó chịu. Mẹ sẽ cảm thấy khó ngủ hơn, vì khó ngủ nên sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn bình thường.

– Chuột rút: Phụ nữ khi sắp sinh sẽ thường bị chuột rút hoặc là những cơn đau ở hai bên háng, ai lần đầu làm mẹ sẽ thấy cảm giác này rõ ràng hơn bao giờ hết.

– Xuất hiện cơn co thắt: Những cơn co thắt là dấu hiệu rõ ràng nhất khi mẹ sắp lâm bồn. Khác với những cơn co cơ hay đau bình thường trong thai kỳ, những cơn co thắt chuyển dạ thường rất mạnh mẽ và rõ ràng. Mẹ sẽ cảm thấy rất đau và rất khó chịu. Cơn co thắt này cũng không biến mất hay thuyên giảm khi mẹ thay đổi tư thế ngồi, nằm.

Hy vọng với những thông tin trên chị em phụ nữ đã biết hơn về dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 rồi. Để có một thai kỳ an toàn, việc thăm khám định kỳ, quan sát những thay đổi của cơ thể là điều vô cùng quan trọng. Vì thế mẹ bầu đừng quên mỗi mốc thăm khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital