Những dấu hiệu chửa ngoài dạ con và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Chửa ngoài dạ con là hiện tượng không hề hiếm gặp đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận biết được những dấu hiệu chửa ngoài dạ con để có cách điều trị kịp thời và phù hợp nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các mẹ thông tin về vấn đề thai ngoài tử cung và các phương pháp điều trị.

1. Hiện tượng chửa ngoài dạ con: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

1.1 Hiện tượng chửa ngoài dạ con là gì?

Chửa ngoài dạ con hay còn gọi là thai ngoài tử cung là hiện tượng bào thai không làm tổ đúng vị trí trong buồng tử cung mà ở những khu vực xung quanh như ổ bụng, vòi trứng hoặc ở cổ tử cung. Hiện tượng này thường gặp ở những phụ nữ có ống dẫn trứng bị hẹp hoặc mang dị tật bẩm sinh, hoặc vòi trứng đã từng qua phẫu thuật.

Hiện tượng thai ngoài tử cung không hiếm gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở vị trí khác buồng tử cung

1.2 Tại sao lại có hiện tượng chửa ngoài dạ con ở phụ nữ?

Theo một vài nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chửa ngoài dạ con có thể do cấu trúc bẩm sinh của vòi trứng và cổ tử cung của mỗi mẹ, bên cạnh đó còn có một vài nguyên nhân sau đây:

– Ống dẫn trứng bị dị tật: Một số dị tật phổ biến ở vòi trứng như vòi trứng quá dài có thể khiến cho việc thụ thai gặp khó khăn, do quãng đường di chuyển dài dẫn đến việc mang thai ngoài tử cung.

– Viêm nhiễm đường sinh dục: viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt là nhiễm Chlamydia trachomatis sinh dục sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý ống dẫn trứng và chửa ngoài tử cung.

– Kích thước ống dẫn trứng hẹp hoặc ống dẫn trứng bị u chèn ép khiến cho phôi thai không thể di chuyển vào buồng tử cung để làm tổ.

1.3 Những dấu hiệu chửa ngoài dạ con

Sau khi trứng và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi thai sẽ di chuyển tới buồng tử cung để làm tổ. Tuy nhiên sau khoảng từ 1 – 2 tuần nếu cơ thể có dấu hiệu mang thai nhưng trên hình ảnh siêu âm lại không thấy có túi thai và buồng ối trong buồng tử cung thì rất có khả năng bạn đã mang thai ngoài tử cung. Sau đây là những dấu hiệu chửa ngoài dạ con thường thấy:

– Chu kỳ kinh bị kéo dài: Đối với những trường hợp chửa ngoài tử cung thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ đến chậm hơn so với dự kiến. Cũng có trường hợp chu kỳ kinh không bị ảnh hưởng nhưng rất ít. Trong trường hợp có thai ngoài tử cung, máu kinh sẽ có màu đen thẫm, khó đông, lượng máu cũng rất ít chứ không nhiều như kinh nguyệt bình thường.

Chu kỳ kinh nguyệt bị chậm là một trong những dấu hiệu chửa ngoài dạ con

Chu kỳ kinh nguyệt bị chậm là một trong những dấu hiệu chửa ngoài dạ con

– Xuất hiện các cơn đau bụng: Những cơn đau bụng kéo dài với cường độ khác nhau, lúc đau dữ dội, lúc đau âm ỉ hoặc cũng có lúc đột ngột xuất hiện cũng là dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng chửa ngoài dạ con.

Âm đạo bị xuất huyết: Hiện tượng xuất huyết âm đạo thường bị nhầm lẫn giữa kinh nguyệt. Đây là hiện tượng âm đạo bị chảy máu ngay sau khi kết thúc kì kinh. Tình trạng xuất huyết có thể kéo dài kèm theo đó là những cơn đau quặn thắt ở vùng bụng dưới hoặc đau ở vùng hố chậu. Nếu hiện tượng xuất huyết âm đạo kéo dài trong vòng nhiều ngày sẽ gây thiếu máu, tụt huyết áp, cơ thể mệt mỏi xuống sức.

– Kiểm tra chỉ số HCG không tương ứng với tuổi thai: Khi phụ nữ mang thai thì nồng độ HCG sẽ tăng dần đều theo thời kỳ phát triển của thai nhi. Nếu xét nghiệm cho kết quả chỉ số HCG không tương xứng thì có thể là một trong những dấu hiệu chửa ngoài dạ con.

2. Hiện tượng thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI cho biết tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến cả mẹ và thai nhi.

2.1 Thai ngoài tử cung gây xuất huyết ổ bụng

Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung đều là phôi thai làm tổ ở khu vực vòi trứng, mà vòi trứng thường có cấu trúc rất mỏng, nên khi thai nhi nằm sai vị trí sẽ gây ra hiện tượng rong huyết. Đồng thời, bào thai khi không làm tổ đúng chỗ có thể bị vỡ bất kì lúc nào, phôi thai bị vỡ sẽ làm chảy máu liên tục và ồ ạt, bụng đau thắt, thậm chí thai phụ có thể bị ngất do mất máu quá nhiều. Nếu không được cầm máu, người mẹ có thể tử vong bất kì lúc nào.

2.2 Thai ngoài tử cung làm tăng nguy cơ gây vô sinh

Khi thai được xác định nằm ngoài buồng tử cung thì sẽ được xử lý để lấy bào thai ra. Do quá trình nội soi để lấy bào thai sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên vòi trứng và hình thành sẹo, từ đó gây ảnh hưởng đến đường đi gặp trứng của tinh trùng cũng như tỉ lệ đậu thai.

2.3 Thai lưu làm đe dọa đến tính mạng của sản phụ

Bào thai bị chết lưu nếu không được phát hiện sớm để xử lý sẽ tự phân hủy trong cơ thể của mẹ khiến cho hàng loạt vi trùng có cơ hội sản sinh và phát triển. Cơ quan sinh dục sẽ bị nhiễm trùng, nếu kéo dài lâu ngày những vi khuẩn này sẽ dần xâm nhập vào máu khiến mẹ bị nhiễm trùng máu, gây nguy hiểm đến tính mạng.

3. Các phương thức điều trị sản phụ bị chửa ngoài dạ con

Với hiện tượng mang thai ngoài tử cung, hiện có 2 phương thức điều trị chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa:

– Điều trị chửa ngoài dạ con bằng thuốc

Điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc là phương thức đầu tiên được sử dụng nhằm ức chế, ngăn chặn sự phát triển của phôi thai, làm tiêu hủy phôi thai sau đó cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài. Thuốc được sử dụng thông thường trong điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate, thuốc sẽ không ảnh hưởng đến ống dẫn trứng nhưng mẹ cần lưu ý, trong vòng vài tháng sau khi sử dụng thuốc, khả năng thụ thai sẽ kém hơn.

– Điều trị thai ngoài tử cung bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở

Phẫu thuật nội soi được chỉ định khi bào thai có kích thước tương đối lớn và chưa bị vỡ. Có 2 hình thức phẫu thuật nội soi là phẫu thuật thông ống dẫn trứng và phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn ống dẫn trứng.

Ảnh: Phẫu thuật nội soi thông ống dẫn trứng tại Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI

Phẫu thuật nội soi thông ống dẫn trứng tại Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI

Đối với phẫu thuật thông ống dẫn trứng, vòi trứng vẫn sẽ được giữ nguyên, còn đối với phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng thì vòi trứng sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên phụ nữ vẫn có cơ hội mang thai kể cả khi đã cắt bỏ ống dẫn trứng. Nếu cả hai ống dẫn trứng đều bị loại bỏ thì các mẹ có thể nhờ vào phương pháp thụ tinh ống nghiệm để mang thai và có con.

Phẫu thuật mổ mở được chỉ định trong trường hợp thai ngoài tử cung phát triển với kích thước lớn và bị vỡ, làm xuất huyết ổ bụng nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp mổ mở đều sẽ loại bỏ hoàn toàn ống dẫn trứng.

Mang thai ngoài dạ con là tình trạng không hề hiếm gặp và để lại nhiều di chứng nguy hiểm đối với người mẹ. Vì vậy ngay khi bắt gặp những dấu hiệu trên, mẹ cần đến ngay các trung tâm y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và có phác đồ điều trị sớm nhất.
Mọi thắc mắc về mang thai ngoài tử cung xin liên hệ tổng đài của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được giải đáp và tư vấn chi tiết!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital