Các chuyên gia y tế đánh giá ung thư đại tràng là bệnh lý ung thư phổ biến, có tỷ lệ gây tử vong cao chỉ xếp sau ung thư dạ dày, ung thư gan và phổi. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư đại tràng có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị thành công bệnh lý này. Hiện nay, nội soi đại tràng được đánh giá là phương pháp chính để tầm soát và hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có cả ung thư đại tràng.
Menu xem nhanh:
1. Ý nghĩa của phương pháp nội soi trong tầm soát ung thư đại tràng
Nội soi đại tràng là phương pháp giúp bác sĩ quan sát bên trong đại tràng hiệu quả nhất để sàng lọc ung thư đại tràng và phát hiện các polyp đại tràng.
Khi nội soi, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi dây mềm đưa vào bên trong đại tràng từ hậu môn. Ở đầu ống soi có gắn một camera nhỏ để quan sát rõ ràng bên trong niêm mạc đại tràng. Nhờ camera này mà bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương bất thường như viêm đại tràng, polyp, khối u…
Khi phát hiện những bất thường này, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ/ sinh thiết ngay trong lúc nội soi, sau đó tiến hành xét nghiệm nhằm xác định bản chất của tổn thương (xác định tế bào có ác tính hay không).
2. Điểm danh các phương pháp nội soi đại tràng phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 2 phương pháp nội soi để tầm soát ung thư đại tràng là nội soi truyền thống (không gây mê) và nội soi có gây mê.
2.1. Nội soi đại tràng truyền thống
Ưu điểm
– Chi phí thấp do không có chi phí gây mê, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện.
Nhược điểm
– Do người bệnh hoàn toàn tỉnh táo nên sẽ cảm thấy khó chịu, nôn ói, kích thích đường ruột khi thực hiện nội soi. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình nội soi.
2.2. Nội soi đại tràng gây mê
Ưu điểm
– Do được gây mê nên người bệnh sẽ không có cảm giác khó chịu, nôn ói, kích thích đường ruột. Vì vậy, bác sĩ sẽ dễ dàng thực hiện quá trình nội soi và đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, nhanh chóng hơn.
– Giảm cảm giác lo sợ cho người được thực hiện, từ đó tránh các biến chứng trong quá trình nội soi do người bệnh hoảng loạn.
Nhược điểm
– Sau khi nội soi, người bệnh vẫn phải ở lại trong phòng hồi phục để bác sĩ kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe sau gây mê.
– Một số trường hợp người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ do thuốc gây mê. Tuy nhiên đa phần những tác dụng phụ này sẽ tự biến mất sau thời gian ngắn. Không những vậy, trước khi gây mê, bệnh nhân cũng được bác sĩ gây mê khám để đảm bảo giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm.
3. Khi nào cần sớm thực hiện nội soi để tầm soát ung thư đại tràng?
3.1. Cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư đại tràng
Mọi người nên sớm thực hiện nội soi để tầm soát ung thư đại tràng khi có các triệu chứng sau:
– Cảm giác đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn trong thời gian dài tại vùng bụng dưới rốn.
– Xuất hiện những rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, phân có màu sẫm, lẫn máu hoặc chất nhầy.
– Cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn dì kèm triệu chứng khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn.
– Sụt cân nhanh chóng và thiếu máu không rõ nguyên nhân.
– Cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo căn bệnh ung thư đại tràng nguy hiểm. Lúc này, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
3.2. Nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng
Đối với những nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhóm đối tượng này nên tầm soát ung thư càng sớm càng tốt để phòng bệnh hiệu quả. Cụ thể bao gồm:
– Nhòm người có tiền sử bệnh tật liên quan đến đại tràng (viêm đại tràng, polyp đại tràng, bệnh Crohn,…) hoặc có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em) đã từng mắc ung thư đại tràng.
– Nhóm người mắc các hội chứng di truyền, trong đó hai hội chứng phổ biến nhất là hội chứng Lynch (ung thư đại tràng di truyền không phát sinh polyp) và đa polyp gia đình (FAP)
– Người có lối sống không lành mạnh như chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia
– Nhóm người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên.
Dù vậy, đối với người khỏe mạnh, chưa có dấu hiệu bệnh cụ thể, từ 30 tuổi trở lên cũng nên thực hiện nội soi để kiểm soát và phát hiện ung thư đại tràng từ sớm.
4. Những điều cần nhớ trước khi thực hiện nội soi
Trước khi nội soi, mọi người nên lưu ý một số điều sau để đảm bảo có được kết quả có độ chính xác cao và quá trình nội soi suôn sẻ nhất.
– Nên ăn thức ăn nhẹ, ít chất xơ, dễ tiêu hóa trong khoảng 4 ngày trước khi nội soi để giúp đại tràng sạch và dễ quan sát hơn.
– Nên uống nhiều nước và tránh xa các loại nước có màu khoảng 1 ngày trước khi nội soi.
– Cần dùng thuốc nhuận tràng mạnh để làm sạch đường tiêu hóa vào đêm trước khi nội soi. Từ lúc uống thuốc cho đến khi thực hiện nội soi, bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn.
– Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngưng một số loại thuốc đang điều trị (thuốc sắt, thuốc chống đông máu, thuốc trị tiểu đường,…) trước và trong ngày nội soi
Có thể thấy, nội soi đại tràng có vai trò quan trọng trong việc tầm soát ung thư đại tràng từ sớm. Vì vậy, ngay cả khi không có triệu chứng cảnh báo, mọi người cũng nên chủ động tầm soát ung thư đại tràng định kỳ để có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của bản thân, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để điều trị bệnh hiệu quả.