Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là một dạng của hội chứng động mạch vành cấp có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Cùng tìm hiểu nhồi máu cơ tim dạng này có đặc điểm gì và cách điều trị ra sao qua bài viết dưới đây nhé.

1. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là gì?

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (Non ST Segment Myocardial Infarction, NSTEMI) còn gọi là nhồi máu cơ tim dưới nội mạc. Đây là tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính do sự bán tắc của một nhánh động mạch vành, khiến cơ tim bị hoại tử. Dạng nhồi máu cơ tim này cùng với nhồi máu cơ tim có ST chênh lên và đau thắt ngực không ổn định là các thành tố tạo nên hội chứng mạch vành cấp tính.

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là một dạng của hội chứng mạch vành cấp.

Nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên là một dạng của hội chứng mạch vành cấp.

2. Đặc điểm của bệnh

2.1 Các dấu hiệu cận lâm sàng

Nhồi máu cơ tim không ST chênh có các đặc điểm sau:

– Các dấu hiệu men tim trong máu: nồng độ men troponin I hoặc troponin T và men CK tăng

– Không có sự chênh lên đoạn ST cấp trên điện tâm đồ

– Trên điện tâm đồ có sự thay đổi như chênh xuống đoạn ST, đảo ngược sóng T, hoặc cả hai.

2.2 Các triệu chứng lâm sàng

– Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng cơ năng của bệnh thường xuất hiện trước khi biến cố xảy ra vài ngày đến vài tuần bao gồm:

+ Đau ngực tức nặng, đau sâu sau xương ức, thường lan ra ở lưng, hàm, cánh tay trái, cánh tay phải, vai hoặc tất cả các khu vực này. Đau thường nghiêm trọng với thời gian kéo dài. Ở phụ nữ, những cơn đau ngực xuất hiện là dạng không điển hình.

+ Khó thở, đặc biệt là những người cao tuổi

+ Vã mồ hôi, da nhợt nhạt

+ Bồn chồn, sợ hãi

+ Buồn nôn và nôn, thường xảy ra với nhồi máu cơ tim thành dưới

+ Cơn đau chỉ tạm thời hoặc có thể giảm nhẹ bằng cách nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin

+ Suy nhược do suy giảm chức năng thất trái, phù phổi, sốc, loạn nhịp tim đáng kể

+ Tím trung ương hoặc ngoại vi

+ Mạch yếu, huyết áp thay đổi

+ Một số bệnh nhân có thể ngất

Khoảng 20% các trường hợp nhồi máu cơ tim là thoáng qua, thầm lặng. Bệnh nhân không có triệu chứng hoặc các triệu chứng mơ hồ. Họ thường không nhận ra bệnh hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều này thường thấy nhất ở các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Đau thắt ngực không ổn định là một trong những biểu hiện của chứng nhồi máu cơ tim này.

Đau thắt ngực không ổn định là một trong những biểu hiện của chứng nhồi máu cơ tim này.

– Các triệu chứng thực thể

Khi khám thực thể trên lâm sàng, khoảng 15% bên nhân sẽ cảm thấy đau thành ngực. Khi nghe tim thấy xuất hiện tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm tim. Điều này phản ánh rối loạn chức năng cơ nhú.

Trong lần kiểm tra ban đầu, một tiếng cọ hoặc những tiếng thổi mạnh có thể gợi ý biến chứng nặng nề hoặc chẩn đoán khác. Nếu phát hiện tiếng cọ màng tim trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng nhồi máu cơ tim thì nhiều khả năng bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim cấp tính hơn là nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, tiếng cọ màng tim thường không rõ ràng và xảy ra vào ngày thứ 2 và thứ 3 sau nhồi máu cơ tim ST chênh lên.

3. Điều trị nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên như thế nào?

3.1 Điều trị bảo tồn nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

Biện pháp điều trị bảo tồn thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

– Những bệnh nhân nguy cơ cao nhưng có nhiều bệnh phối hợp, không thể can thiệp

– Những bệnh nhân có kết quả chụp mạch vành bất lợi nhưng không đồng ý điều trị can thiệp

– Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thấp, chụp động mạch vành khi test gắng sức nguy cơ cao hoặc kết quả cho thấy bằng chứng thiếu máu tái phát

Trừ các trường hợp chống chỉ định, còn lại bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính cần được tiêm các loại thuốc dưới đây:

– Thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu : thường dùng aspirin, clopidogrel hoặc cả hai.

– Thuốc chống đông máu : heparin hoặc biivalirudin.

– Glycoprotein IIb/IIIa inhibitor: thường dùng cho một số bệnh nhân có nguy cơ cao.

– Nitroglycerin: có tác dụng giảm đau.

– Thuốc chẹn Beta (Beta-blocker): có tác dụng điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim

– Thuốc ức chế men chuyển: giúp ổn định huyết áp.

– Statinho: thuốc thường dùng cho các bệnh nhân mắc chứng NSTEMI.

Lưu ý, thuốc tiêu sợi huyết không được chỉ định cho các trường hợp NSTEMI. Nguyên nhân là bởi tính rủi ro nhiều hơn lợi ích.

Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn cần duy trì việc sử dụng thuốc để ngăn ngừa bệnh tái phát. Các loại thuốc chỉ có tính tham khảo, không có giá trị chung cho mọi bệnh nhân. Tùy từng trường hợp thực tế của người bệnh mà các loại thuốc và liều dùng được chỉ định là khác nhau. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc của bác sĩ.

Điều trị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên như thế nào?

Điều trị bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên trong các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu nhưng có nguy cơ thấp.

3.2 Điều trị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên cho bệnh nhân có nguy cơ cao

Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện với hội chứng mạch vành không ST chênh nguy cơ cao với các đặc điểm sau:

– Men tim tăng

– ST chênh xuống mới xuất hiện

– Có triệu chứng suy tim, hở van hai lá mới hoặc nặng lên, nhịp nhanh thất kéo dài

– Đau ngực không giảm, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim nặng

– Co thắt mạch vành trong vòng 6 tháng

– Bệnh nhân đã từng mổ bắc cầu trước đây

– Phân suất tống máu thất trái EF <40%

Trong các trường hợp này, các bệnh nhân sẽ được tiến hành chụp động mạch vành ngay trong vòng 24 – 48 giờ sau khi nhập viện để xác định tổn thương, từ đó quyết định phương pháp điều trị. Các bệnh nhân này thường được chỉ định điều trị bằng các biện pháp xâm lấn nhằm tái thông mạch vành. Lưu ý phương pháp này chỉ được thực hiện khi có đủ nhân lực, vật lực cần thiết và khi bệnh nhân không nằm trong một trong các chống chỉ định sau:

– Bệnh nhân NSTEMI không có biến chứng

– Tắc hoàn toàn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim không phổ biến

Hi vọng qua những thông tin trên đây, các bạn đã hiểu hơn về chứng nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Trong mọi trường hợp, các bệnh nhân có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim cần được đưa ngay đến bệnh viện thay vì tự chẩn đoán và xử trí. Tại đây, họ sẽ được chẩn đoán xác định nguy cơ và phương pháp điều trị phù hợp. Điều này giúp bảo toàn mạng sống, hạn chế những biến chứng nguy hiểm. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital