Nhau tiền đạo là gì? Nhau tiền đạo có nguy hiểm không? Tại sao phụ nữ mang thai lại bị nhau tiền đạo? Nhau tiền đạo xử trí như thế nào?… Đó là thắc mắc của rất nhiều bà bầu. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề nhau tiền đạo.
-Chào bác sĩ! Thời gian qua, tôi thấy báo chí đưa tin nhiều về các vụ sản phụ tử vong do nhau tiền đạo. Xin hỏi bác sĩ, nhau tiền đạo là gì mà lại nguy hiểm thế? Cảm ơn bác sĩ! (Phương Nhung – Bắc Ninh)
Nhau tiền đạo có nguy hiểm không
Nhau thai là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Thông thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau đáy tử cung. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhau thai nằm thấp một cách bất thường, bánh nhau che một phần hoặc che kín toàn bộ cổ tử cung. Những trường hợp này được gọi là nhau tiền đạo.
-Nguyên nhân gây nhau tiền đạo là gì, thưa bác sĩ? (Hồng Hạnh – Hà Nội)
Không có một nguyên nhân rõ ràng trong các trường hợp hình thành nhau tiền đạo, nhưng khả năng xuất hiện nhau tiền đạo sẽ cao hơn nếu mẹ bầu nằm trong những trường hợp sau: Đã từng xuất hiện nhau tiền đạo trong lần mang thai trước; đã từng sinh mổ; đã thực hiện một số phẫu thuật khác như loại bỏ u xơ, u nang tử cung, nạo phá thai…; đã mang song thai hoặc đa thai; có tiền sử hút thuốc lá; thai phụ càng lớn tuổi…
-Xin bác sĩ cho biết, các dấu hiệu của nhau tiền đạo là gì? (Minh Hòa – Hà Nội)
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ đột ngột bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng. Triệu chứng ra huyết âm đạo có thể lập lại nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước. Huyết ra nhiều hơn khi thai phụ đi lại, làm việc nặng, giao hợp.
-Cách chẩn đoán chính xác nhau tiền đạo sớm? (Phương Nguyễn – Thái Nguyên)
Hiện nay phương pháp an toàn và được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là siêu âm. Theo đó, có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm.
-Bác sĩ ơi! Nhau tiền đạo có nguy hiểm không? (Thu Hằng – Hưng Yên)
Nhau tiền đạo có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Ra huyết âm đạo gây thiếu máu. Nếu ra huyết nhiều có khi gây tử vong cho mẹ. Do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai. Và trong những trường hợp mẹ bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ nên bác sĩ phải mổ lấy thai sớm không kể đến thai đủ tháng hay chưa. Khi đó khả năng thai non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp vì non tháng và tử vong. Vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang…
-Bạn em đang mang thai tuần 30 và được chẩn đoán bị nhau tiền đạo. Xin hỏi bác sĩ, bị chẩn đoán nhau tiền đạo, thai phụ cần làm gì? (Ái Ngọc – Hà Nội)
Thai phụ được chẩn đoán nhau tiền đạo cần thực hiện theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
-Xin bác sĩ cho biết, có phải tất cả các trường hợp nhau tiền đạo đều phải mổ lấy thai không ạ? (Kim Oanh – Thanh Oai, Hà Nội)
Không phải mổ lấy thai cho tất cả các trường hợp nhau tiền đạo. Chỉ cần mổ lấy thai cho những trường hợp: Nhau tiền đạo ra huyết nhiều bất kể tuổi thai; nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành (có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung); nhau tiền đạo bám trung tâm.
Còn những trường hợp nhau bám thấp hay bám mép có thể sanh ngã âm đạo được nếu không kèm một bất thường nào khác.
-Xin bác sĩ cho biết, cách dự phòng nhau tiền đạo? (Thanh Thảo – Hà Nội)
Có thể phòng ngừa nhau tiền đạo bằng cách không sinh đẻ nhiều, không nạo hút thai, không hút thuốc lá và thăm khám thai định kỳ.