Nhận diện và phòng ngừa loãng xương ở người trẻ tuổi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Tưởng chừng loãng xương chỉ gặp ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh, thực tế căn bệnh này lại đang dần phổ biến và trẻ hóa. Loãng xương ở người trẻ gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sức khỏe và để lại nhiều biến chứng.

1. Thực trạng loãng xương ở người trẻ hiện nay

Bệnh lý loãng xương, hay còn gọi giòn xương hay xốp xương, là tình trạng mật độ và kết cấu xương bị giảm, khiến xương giòn hơn, dễ gãy và tổn thương. Những số liệu về căn bệnh này ở người trẻ thực sự đáng lo ngại.

1.1. Giòn xương – Vấn đề không chỉ ở người lớn tuổi

Hình thái của xương được tạo thành do quá trình hoạt động của các tế bào sinh và hủy xương. Khối lượng khoáng chất trong đó sẽ tăng theo từng giai đoạn của cơ thể, đạt đến ngưỡng nhất định và là thước đo đánh giá phát triển của xương.

Ngày nay, do nhiều tác nhân công việc và cuộc sống, mà quá trình chuyển hóa bị rối loạn, xương bị ảnh hưởng và tổn thương. Đã có những trường hợp loãng xương chỉ khi mới 20 – 30 tuổi.

Giòn xương - Vấn đề không chỉ ở người lớn tuổi

Bệnh loãng xương đang dần trở nên phổ biến và trẻ hóa

Theo đo lường, Việt Nam hiện có khoảng 3,2 triệu người, trong đó hơn 2,4 triệu phụ nữ đang bị loãng xương. Thêm vào đó, hơn 190.000 ca gãy xương do bệnh xốp xương gây nên, 29.000 ca gãy xương hông và 23% phụ nữ sau 50 tuổi gãy lún đốt sống. Dự báo, tới năm 2030, số ca giòn xương sẽ lên tới 4,5 triệu, trong đó 70 – 80% là nữ giới.

1.2. Nguy hiểm ngầm từ chứng loãng xương ở người trẻ tuổi

Giòn xương là bệnh lý tiến triển âm thầm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Dễ thấy đầu tiên phải kể đến những cơn đau nhức xương, mệt mỏi kéo dài. Nhất là vào ban đêm, chứng đau đầu xương, đau dọc xương dài luôn là nỗi ám ảnh. Sau đó, bệnh gây ra các rối loạn về tư thế cột sốt, chuột rút, gù lưng, cong vẹo cột sống.

Trong quá trình sinh hoạt thường nhật, người bệnh có thể bị gãy xương chỉ bởi những tác động hay vận động nhẹ. Các vị trí quan trọng như cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay rất dễ bị gãy, khó hồi phục lại. Kéo theo đó là nguy cơ tàn phế, tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bệnh nhân.

Thực trạng loãng xương ở giới trẻ hiện nay

Người loãng xương sẽ dễ gặp phải cơn đau nhức kéo dài

2. Giới trẻ nhận diện bệnh xốp xương

Làm thế nào để bạn nhận biết và phân biệt loãng xương với các bệnh lý về xương khác?

2.1. Dấu hiệu nào cảnh báo loãng xương ở người trẻ?

Dù không có biểu hiện riêng biệt, nhưng bệnh nhân vẫn có thể cảm nhận giòn xương nhờ những “cảnh báo” sau:

– Đau mỏi lưng, các khớp
– Đau nhức xương, cột sống, cổ tay, cổ chân, nhánh xương dài
– Gù lưng
– Chiều cao giảm do đốt sống bị sụt lún
– Ớn lạnh, đổ mồ hôi
– Móng chân, móng tay dễ gãy
– Tụt nướu, lợi
– Suy nhược, mệt mỏi, chán ăn

Nguy hiểm ngầm từ chứng loãng xương ở người trẻ tuổi

Gù lưng – Biểu hiện của căn bệnh giòn xương

2.2. Nguyên nhân khiến tuổi trẻ gặp các vấn đề về giòn xương

Nguyên nhân gây nên xốp xương ở người trẻ khá đa dạng, gồm cả chủ quan và khách quan.

Nồng độ estrogen thấp

Đây là loại tiết tố nữ giúp bảo vệ và duy trì khoáng chất trong xương. Nồng độ chất giảm cũng có nghĩa các thành phần trong xương dần suy yếu và gia tăng nguy cơ loãng xương.

Di truyền

Người cùng huyết thống có tiền sử loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho thế hệ sau.

Dinh dưỡng

Người trẻ thường chủ quan, tự tin vào sức khỏe của mình mà quên đi việc ăn uống khoa học, đảm bảo đủ chất cho cơ thể. Xu hướng thích đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ chế biến sẵn cùng những thực phẩm giàu chất béo, ít rau xanh khiến cơ thể mất cân bằng và giảm khả năng sinh xương. Việc thiếu hụt canxi, magie, kali làm hệ xương khớp suy yếu.

Giới trẻ nhận diện bệnh xốp xương

Đồ ăn chiên rán – Thủ phạm khiến xương khớp “bớt khỏe”

Thuốc và các bệnh lý khác

Với những người đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác như ung thư, thuốc chống co giật, thuốc ức chế bơm proton,… sẽ gây ra tác dụng phụ giảm mật độ tế bào xương và khả năng hấp thụ canxi.

Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, tim mạch,… cũng khiến loãng xương có khả năng xuất hiện.

Sinh hoạt

Sống không lành mạnh là vấn đề dễ gặp ở nhiều người trẻ hiện nay. Vì bận rộn, họ thường làm việc trong môi trường kín, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay ngồi yên một chỗ trong thời gian dài. Điều này khiến quá trình chuyển hóa bị trì trệ, hủy xương diễn ra nhanh hơn.

Ngoài ra, lười vận động, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, thuốc lá, rượu bia,… cũng là những tác nhân khiến tái tạo xương bị cản trở.

Dấu hiệu nào cảnh báo loãng xương ở người trẻ?

Ngồi yên một chỗ trong thời gian dài khiến quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn

Sau khi đã nhận diện được căn bệnh loãng xương, bạn hãy tới cơ sở y tế ngay để thăm khám và cùng bác sĩ xử lý các bất thường nếu có.

3. Phòng ngừa loãng xương ở người trẻ thế nào?

Điều trị xốp xương là một quá trình dài và liên tục. Thay vào đó, hãy chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ sớm.

Dinh dưỡng

Tiên quyết trong phòng tránh loãng xương chính là chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Không chỉ loại bỏ những thực phẩm xấu, bạn cần chú trọng bổ sung các chất cần thiết như vitamin D, canxi, magie, kẽm, protein hàng ngày. Sữa và các chế phẩm từ sữa luôn mang trong mình nguồn canxi dồi dào. Thêm vào đó là cá, tôm, hải sản, rau củ màu đậm là những thực phẩm được khuyến khích.

Vận động

Một chế độ tập luyện phù hợp và thường xuyên sẽ giúp xương khớp khỏe mạnh, bền bỉ, trụ vững trước những căn bệnh xương khớp không chỉ có loãng xương. Bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức vận động khác nhau như đi bộ, bơi lội, yoga,… Xen kẽ trong giờ làm việc cũng nên thư giãn và thể dục để cơ xương được thoải mái.

Phòng ngừa loãng xương ở người trẻ thế nào?

Tham khảo các giai đoạn loãng xương

Tắm nắng

Từ 6 – 9 giờ sáng là thời gian lý tưởng để cơ thể tổng hợp và hấp thụ vitamin D dưới ánh nắng.

Sống lành mạnh

Sống khoa học, ăn đủ bữa, tránh xa chất kích thích, rượu bia, thức ăn nhanh là điều kiện lý tưởng giúp chặn đứng nguy cơ xốp xương.

Tầm soát định kỳ

Không phải trường hợp nào bạn cũng có thể tự phát hiện các vấn đề sức khỏe. Hãy thăm khám định kỳ với bác sĩ để nắm rõ tình trạng bản thân, xử lý các bất thường kịp thời cũng như lắng nghe tư vấn từ bác sĩ để cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Tóm lại, hiểu và ngừa loãng xương ở thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết. Hãy luôn sống khỏe, phòng tránh và đối mặt với căn bệnh một cách đúng đắn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital