Nhận diện sức khỏe qua hiện tượng hôi miệng hơi thở có mùi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Hôi miệng hơi thở có mùi do nhiều nguyên nhân và có thể báo động nhiều vấn đề về sức khỏe. Có thể bạn không biết, có nhiều kiểu mùi hôi miệng. Mỗi dạng mùi này cũng được phân loại cảnh báo tình trạng bệnh lý ở các cơ quan hoặc các vấn đề sức khỏe khác nhau.

1. Miệng có mùi hôi xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Một số thực phẩm khi ăn có thể khiến hơi thở của chúng ta có mùi. Việc vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân khá cơ bản khi miệng có mùi hôi. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh lý răng miệng, phản ứng của cơ thể và các bệnh lý toàn thân cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi khó chịu.

Hôi miệng hơi thở có mùi gây khó chịu

Hôi miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân

1.1. Mùi từ thức ăn hoặc những gì chúng ta đưa vào miệng

Trong quá trình ăn uống, thức ăn được nghiền nhỏ trước khi được nuốt xuống dạ dày. Trong khi đó, một phần thức ăn bị giữ lại ở các kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mùi. Bên cạnh đó, rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn vào kết hợp với nước bọt sẽ tạo ra những mùi khó chịu tức thì.

Không chỉ thức ăn mà nhiều loại nước uống, thuốc lá, xì gà,… đều có thể để lại mùi hôi khoang miệng. Một số có thể hết mùi sau vài giờ, còn một số khác (như thuốc lá) dần hình thành mùi hôi đặc trưng của hơi thở.

1.2. Mùi hôi miệng do vệ sinh kém

Thức ăn trong kẽ răng, các mảng bám răng miệng không, lưỡi không được chải sạch sẽ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, hình thành các bệnh lý răng miệng và gây mùi hơi thở hôi, khó chịu cho bản thân cũng như những người xung quanh.

1.3. Hôi miệng do tác dụng phụ từ việc dùng thuốc

Việc sử dụng các thuốc như kháng histamin H1, thuốc lợi tiểu, thuốc chữa trầm cảm, … thường kèm theo chứng giảm tiết nước bọt, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mùi hôi khoang miệng.

1.4. Bệnh hô hấp

Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm amidan,… với hệ quả là vi khuẩn xâm nhập khoang miệng đều là những nguyên nhân rất phổ biến khiến hơi thở có mùi.

1.5. Bệnh răng miệng

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất trong vấn đề hơi thở có mùi. Cao răng nhiều, răng lợi bị viêm sâu, viêm lợi, viêm nha chu, nang, áp xe răng,… Tất cả những điều này đều khiến hơi thở có mùi khó chịu.

Hôi miệng hơi thở có mùi là gì?

Bệnh lý răng miệng là nguyên nhân phổ biến gây mùi hơi thở

1.6. Trào ngược dạ dày

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản khiến axit ở dạ dày bị đẩy lên thực quản, thận chí là khoang miệng. Điều này khiến những người bị trào ngược dạ dày thực quản thường hay ợ chua và hơi thở hôi. Hội chứng này cũng thường kéo theo biến chứng bệnh hô hấp do hình thành viêm nhiễm từ vi khuẩn.

1.7. Các bệnh lý toàn thân

Nhiều bệnh lý như xuất huyết giảm tiểu cầu, tiểu đường, ung thư máu, … cũng đều có thể là nguyên nhân cho tình trạng hơi thở có mùi. Do đó, không thể không đề phòng và kiểm tra sức khỏe khi tình trạng hôi miệng không thể cải thiện bằng vấn đề vệ sinh răng miệng.

2. Kiểu mùi hôi của hơi thở có thể nhận diện nguồn gốc bệnh

Có nhiều kiểu mùi khó chịu từ cơ thể, và mỗi dạng mùi này có thể báo động sức khỏe ở những bộ phận và vị trí khác nhau:

– Miệng có mùi phô mai cảnh báo bệnh ở mũi

– Miệng có mùi trái cây cảnh báo bệnh tiểu đường

– Miệng có mùi tanh cảnh báo vấn đề về thận

– Miệng có mùi axit cảnh báo bệnh xơ nang, hen suyễn

– Miệng thở ra có mùi thối như amoniac cần xem xét vấn đề thận hoặc tình trạng tắc ruột

– Mùi hôi mốc từ miệng có thể liên quan đến xơ gan

Mùi hơi thở sẽ tiết lộ vấn đề đang diễn ra trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào vấn đề chẩn đoán này cũng đúng.

3. Cách xác định nguyên nhân gây tình trạng mùi hơi thở

Tìm đúng nguyên nhân là cách cần thiết để dẹp bỏ tình trạng hôi miệng của người bệnh. Để xác định nguyên nhân gây hôi miệng, các bác sĩ sẽ dựa vào nhiều căn cứ:

– Kiểm tra răng nướu: Sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi, các bệnh về răng lợi đều có thể gây mùi hôi miệng. Do đó, đây là nhóm kiểm tra đầu tiên mà các bác sĩ quan tâm.

– Kiểm tra hơi thở: Bác sĩ sẽ đánh giá mùi trên thang điểm, hoặc cạo vùng trắng gốc lưỡi để xét nghiệm xác định vi khuẩn, nấm,…

– Tiền sử bệnh: Khai thác vấn đề tiền sử bệnh răng miệng, tiền sử dùng thuốc, tiền sử bệnh lý,… là những căn cứ quan trọng để xác định nguyên nhân gây bệnh.

– Một số kiểm tra thực thể khác: Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra yếu tố thực thể khác để xác định hoặc loại trừ các bệnh lý nguyên nhân như viêm đường hô hấp, một số bệnh lý toàn thân,… để xác định chính xác và triệt để nguyên nhân mùi hôi hơi thở.

4. Cần gặp bác sĩ để chữa hôi miệng trong nhiều trường hợp

Nhiều trường hợp hôi miệng cần được các bác sĩ răng hàm mặt thăm khám, chẩn đoán sớm để tránh những nguy cơ biến chứng lâu dài. Đó là:

– Bệnh nhân vệ sinh răng miệng tốt, đúng cách nhưng mùi hôi miệng không thể hết.

– Bệnh nhân có tình trạng răng nướu lợi chảy máu, răng lợi nhạy cảm với nhiệt độ.

– Tình trạng kèm triệu chứng đau răng, tụt nướu, răng yếu, răng giả sứt mẻ hoặc vỡ,…

– Hôi miệng kèm các triệu chứng như: ợ chua, khô miệng, đau rát cổ họng,…

– Tình trạng hôi miệng diễn ra dai dẳng trong thời gian dài

Hôi miệng hơi thở có mùi

Thăm khám để xác định đúng nguyên nhân hơi thở có mùi

5. Phòng tránh hôi miệng

Với các vấn đề bệnh lý toàn thân, phòng tránh và xử lý hôi miệng đi liền với vấn đề điều trị bệnh. Bên cạnh đó, một số phương pháp hạn chế và tránh tình trạng hôi miệng cần được áp dụng cho mọi đối tượng, đó là:

– Đảm bảo vấn đề vệ sinh răng miệng: đánh răng đúng kỹ thuật, đủ thời gian, thực hiện 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng phù hợp. Cầm vệ sinh lưỡi khi vệ sinh răng miệng. Nên dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn khoang miệng thường xuyên.

– Chế độ ăn: tránh các đố ăn quá nóng, quá lạnh hay quá kích thích để đảm bảo an toàn cho nướu, răng, lợi. Đồng thời, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường vitamin và chất chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

– Uống nhiều nước để đảm bảo nước bọt và độ ẩm cho khoang miệng, hạn chế tình trạng vi khuẩn có cơ hội phát triển.

– Bỏ thuốc để tránh các bệnh răng miệng và mùi hôi từ thuốc.

– Khám răng định kỳ để nắm bắt vấn đề tổn thương răng miệng đúng lúc, điều trị kịp thời.

– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện nguy cơ cũng như các bệnh lý tiềm ẩn gây hôi miệng.

Như vậy, hôi miệng hơi thở có mùi có thể được kiểm soát nếu bạn vệ sinh răng miệng đúng cách và phòng ngừa phù hợp. Tuy nhiên, cũng không thể không chú ý rằng, bệnh lý gây hôi miệng khá đa dạng. Vì thế, khi có hiện tượng này, bạn cần theo dõi và đi khám nha sĩ đúng lúc, kịp thời, để để tình trạng các bệnh lý nguyên nhân nặng, điều trị khó khăn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital