Nhận biết triệu chứng của ung thư dạ dày qua từng giai đoạn

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến trên thế giới. Theo ghi nhận của Tổ chức IARC có khoảng 870.000 người mắc mới ung thư dạ dày mỗi năm và có tới hơn 650.000 người chết bởi căn bệnh ác tính này. Vậy làm sao để nhận biết sớm ung thư dạ dày. Cùng tìm hiểu một số triệu chứng của ung thư dạ dày qua bài viết dưới đây!

1. Tổng quan về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là tình trạng những tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát và xâm lấn cục bộ sang các mô ở gần hoặc di căn ra xa thông qua hệ thống bạch huyết. Đây là bệnh lý ác tính đe dọa tính mạng của người mắc phải.

Theo số liệu thống kê của WHO năm 2018 thì ung thư dạ dày ở nước ta đang xếp thứ 3 (chiếm 10%) chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi với hơn 17.500 ca mắc mới trong đó có tới hơn 15.000 ca tử vong (chiếm tới 86%). Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày lên tới 90% và đều phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Ung thư dạ dày gồm có các giai đoạn sau:

– Giai đoạn 0 (đây là giai đoạn sớm): Lúc này tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc của dạ dày.

– Giai đoạn 1: Tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn và lớp thứ 2 của dạ dày nhưng chưa xâm lấn hoặc lây lan ra những cơ quan khác. Giai đoạn này người bệnh vẫn chưa xuất hiện nhiều các triệu chứng bệnh ung thư dạ dày. Nếu có thì cũng rất khó để phát hiện.

– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu di chuyển vào lớp niêm mạc của dạ dày và bắt đầu xuất hiện những triệu chứng rõ rệt. Người bệnh có thể cảm nhận thấy buồn nôn, đau bụng,…

– Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã bắt đầu lan ra hạch bạch huyết và một số cơ quan khác của cơ thể.

– Giai đoạn cuối: Tế bào ung thư di căn ra khắp cơ thể, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Biểu hiện của ung thư dạ dày

Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày lên tới 90% và đều phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn

2. Những triệu chứng của ung thư dạ dày bạn nên biết

2.1. Triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm (triệu chứng cơ năng)

Mặc dù các triệu chứng ở giai đoạn sớm khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và khá khó để phát hiện. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện sau:

– Xuất hiện triệu chứng đầy bụng sau khi ăn.

– Khó tiêu.

– Ăn uống không ngon miệng, ban đầu chán ăn thịt mỡ sau đó sẽ chán ăn bất kỳ một loại thức ăn nào.

– Buồn nôn sau khi ăn và tần suất ngày càng tăng. Lúc đầu chỉ nôn ít, sau đó nôn nhiều hơn và có thể nôn khi ăn bất kỳ loại thực phẩm nào.

– Cơn đau thay đổi đặc tính: Đau vùng thượng vị nhiều hơn, kéo dài hơn và không giảm khi dùng thuốc.

– Thiếu máu, hoa mắt, ù tai, phân rỉ đen.

– Cảm nhận suy nhược cơ thể và xuất hiện tình trạng sút cân không rõ nguyên nhân.

Dấu hiệu của ung thư dạ dày

Buồn nôn sau khi ăn và tần suất ngày càng tăng là biểu hiện của ung thư dạ dày

2.2. Triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn muộn (triệu chứng thực thể)

Ở giai đoạn muộn, người bệnh mắc ung thư dạ dày sẽ xuất hiện một số triệu chứng thực thể bao gồm:

– Khám thấy vùng thượng vị xuất hiện u, thường nằm ở ngang hoặc trên rốn (trường hợp người bệnh bị dạ dày sa thì có thể thấy ở dưới rốn). U khá rắn chắc, nổi rõ sau các bữa ăn, di động theo nhịp thở lên xuống và sang trái.

– Hẹp môn vị.

– Thủng dạ dày, bụng co cứng, mất vùng đục trước gan, nôn ra máu, choáng và ỉa ra phân đen.

Ngoài ra, ở giai đoạn này người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng ngoài đường tiêu hóa như:

– Đột nhiên sốt kéo dài, viêm tắc tĩnh mạch tái phát và chân bị phù.

– Gan to và đau, mặt gan lổn nhổn.

– Di căn phúc mạc, có dịch ở ổ bụng.

– Chú ý sẽ thấy có hạch thượng đòn trái.

– Vàng da.

– Thiếu máu.

Triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn muộn

Vàng da có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày giai đoạn muộn

3. Cách phòng tránh ung thư dạ dày

Đề phòng tránh ung thư dạ dày bạn nên thực hiện những biện pháp sau:

– Tuân thủ chế độ ăn uống giàu chất xơ, vitamin, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Hạn chế sử dụng những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn và nhiều muối. Thay thế thịt đỏ bằng một số đậu, cá hoặc thịt gia cầm.

– Không uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích.

– Không hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng giúp nâng cao sức khỏe.

– Điều trị triệt để các bệnh lý liên quan đến dạ dày.

Ngoài ra, thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư hệ tiêu hóa định kỳ là biện pháp vàng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh lý ung thư dạ dày. Đặc biệt là đối với những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày hay có người trong gia đình mắc bệnh ung thư tiêu hóa. Do đó, hãy chủ động thăm khám và tầm soát ung thư hàng năm để bảo vệ sức khỏe của bản thân bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital