Sán lá gan nhỏ là bệnh phổ biến ở nước ta và thường xuất hiện nhiều ở những địa phương có thói quen ăn gỏi. Nếu không điều trị sán lá gan nhỏ kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như xơ hóa gan, cổ trướng, ung thư đường mật.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ là bệnh do lý sinh trùng sán xâm nhập vào cơ thể con người và động vật, gây ra các tổn thương ở một số bộ phận trong cơ thể như gan, mật, đường ruột…
Tại nơi ký sinh, sán lá gan nhỏ có thể gây tắc đường mật, viêm đường dẫn mật. Bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Song nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng, gan có thể bị xơ hóa hoặc dẫn tới cổ trướng, ung thư đường mật.
Sán lá gan nhỏ là bệnh phổ biến ở nước ta. Ở một số địa phương tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng này chiếm tới 30% dân số.
Theo thống kê của Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW, sán lá gan nhỏ xuất hiện ít nhất 32 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, một số tỉnh như Nam Định, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên… có tỷ lệ mắc cao hơn cả. Đặc điểm chung của những địa phương này là có tập quán ăn gỏi cá. Nhóm tuổi mắc sán lá gan nhỏ cao nhất là từ 30 – 50 tuổi, chiếm khoảng 50 – 52% và tỷ lệ nhiễm bệnh của nam giới cao gấp 3 lần nữ giới.
2. Triệu chứng nhiễm sán lá gan nhỏ bạn cần biết
Thông thường, những người mắc bệnh sán lá gan nhỏ sẽ có các triệu chứng như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng gan, bụng ậm ạch khó tiêu, toàn thân phát ban, nổi mẩn. Một số trường hợp có thể bị vàng da, sạm da kèm theo thiếu máu.
Khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ sẽ phát hiện trứng sán trong dịch dạ dày hoặc trong phân của người bệnh. Siêu âm có hình ảnh gan to, gan tăng sáng hoặc xơ gan tùy vào mức độ bệnh, thành ống mật và thành túi mật dày, ống mật bị giãn.
Loài ký sinh trùng này tác động trực tiếp tới sức khỏe người bệnh và gây ra các tình trạng như:
– Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, viêm đường mật, áp-xe đường mật
– Tổ chức gan tăng sinh, xơ hóa lan tỏa ở các khoảng cửa, thoái hóa mỡ gan, áp-xe gan và thậm chí có thể bị cổ trướng
– Có thể gây sỏi mật hoặc ung thư đường mật cholangiocarcinom
3. Nguyên nhân nào gây bệnh sán lá gan nhỏ?
Sán Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini là 2 loài gây nên bệnh sán lá gan nhỏ. Sở dĩ, gọi là sán lá gan nhỏ vì chiều dài của chúng khi trưởng thành chỉ giao động trong khoảng 10 -12mm, chiều rộng 2 – 4mm. So với sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ có kích thước nhỏ hơn rất nhiều.
Loài ký sinh trùng này có chu kỳ sinh trưởng khá phức tạp. Ở cơ thể người, sán trưởng thành thường sống ở đường mật và đẻ trứng tại đây. Sau khi đẻ trứng, trứng sán tiếp tục đi theo đường mật tới ruột và ra ngoài theo phân thông qua hoạt động bài tiết.
Nếu phân rơi xuống môi trường nước, trứng sán sẽ phát triển thành ấu trùng lông, di chuyển trong nước và cư trú trong ốc. Tiếp đến, ấu trùng lông sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi và rời cơ thể ốc để tìm nơi cư trú mới trong cơ thể các loài cá nước ngọt. Khi xâm nhập vào cơ thể cá, chúng sẽ phát triển thành nang ấu trùng trong cá.
Những người từng/ có thói quen ăn gỏi, các món cá chưa được nấu chín hoặc sinh sống ở nơi thường xuyên ăn gỏi cá… rất dễ mắc sán. Sau khi con người ăn những món có ấu trùng sán lá gan nhỏ, những ấu trùng này rất nhanh sẽ di chuyển tới dạ dày, tá tràng rồi men theo đường mật lên tới gan. Chúng phát triển thành sán trưởng thành và ký sinh, gây bệnh ngay tại đường mật.
Quá trình xâm nhập phát triển và gây bệnh của sán lá gan nhỏ khoảng 3 – 4 tuần.
4. Điều trị sán lá gan nhỏ được tiến hành như thế nào?
4.1. Nguyên tắc trong việc điều trị sán lá gan nhỏ
Nguyên tắc điều trị sán lá gan nhỏ như sau:
– Điều trị bằng thuốc đặc hiệu nhằm mục đích diệt sán lá gan nhỏ.
– Điều trị các triệu chứng bệnh bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin… Sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi mật trước và sau khi điều trị bằng thuốc đặc hiệu.
– Kết hợp theo dõi điều trị với những người có bệnh nền kèm theo.
– Nâng cao thể trạng
– Bệnh nhân thực hiện tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả của việc điều trị.
– Trường hợp người bệnh vẫn còn nhiễm sán lá gan nhỏ thì tiếp tục điều trị và nhắc lại liệu trình điều trị.
4.2. Điều trị sán lá gan nhỏ bằng thuốc đặc hiệu
Khi xuất hiện triệu chứng sán lá gan nhỏ, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện bệnh. Việc điều trị bệnh sớm thường có nhiều thuận lợi và bệnh thường đáp ứng tốt với thuốc.
Loại thuốc được chỉ định dùng để diệt sán lá gan nhỏ là Praziquantel. Đây là thuốc kháng sán phổ rộng, có thể chống lại sán lá gan và một số loại sán khác như sán dây, sán máng.
Sau khi được hấp thu vào cơ thể, thuốc Praziquantel thấm nhanh vào màng tế bào sán, làm mất can-xi nội bào, gây liệt và co cứng hệ cơ của sán. Khi tiếp xúc với thuốc, vùng da cổ của sán trưởng thành sẽ xuất hiện mụn nước, sau đó chúng bị vỡ tung và phân hủy hoàn toàn.
Liều dùng thuốc Praziquantel ở người lớn và trẻ em là 75mg/kg/ngày, chia làm 3 lần, 2 lần uống liên tiếp cách nhau 4 – 6 giờ. Trường hợp nhiễm sán nặng, người bệnh có cần điều trị từ 1 – 2 ngày và phải được theo dõi tại cơ sở điều trị. Nếu bệnh nhân nhiễm sán ở mức độ nhẹ và trung bình, có thể dùng Praziquantel 40mg/kg/24 giờ, uống liều duy nhất.
4.3. Khuyến cáo từ bác sĩ
Trong thời gian điều trị người bệnh cần chú ý những điều sau:
– Sử dụng thuốc sau khi ăn no.
– Không sử dụng rượu bia và chất kích thích trong thời gian điều trị.
– Trường hợp phụ nữ cho con bú, tuyệt đối không cho con bú sau 72 giờ dùng thuốc.
– Người bệnh cần nghỉ ngơi, không tự đi xa, không làm công việc nặng sau dùng thuốc. Bởi thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ.
– Cần cẩn trọng với bệnh nhân có tiền sử co giật.
Như vậy, khi bị nhiễm sán lá gan nhỏ, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn điều trị và chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, theo dõi thay đổi bất thường của cơ thể quá trình sử dụng thuốc và báo lại cho bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.