Nguyên nhân rối loạn nhịp tim và cách điều trị 

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% các trường hợp đột tử hiện nay. Do vậy, việc phát hiện và xác định nguyên nhân rối loạn nhịp tim là vô cùng quan trọng đối với việc điều trị. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim và cách điều trị qua bài viết dưới đây.

1. Các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim thường gặp nhất

Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường của tần số hoặc nhịp tim, có thể tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc thất thường… Thông thường, nhịp tim dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh khi tần số tim nhanh hơn 100 nhịp/phút. Nhịp tim chậm có nghĩa là tần số tim chậm hơn, dưới 60 nhịp/phút. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các rối loạn nhịp, bao gồm:

1.1 Các bệnh lý – Nguyên nhân rối loạn nhịp tim chủ yếu

Các bệnh lý tim mạch có thể biến chứng gây rối loạn nhịp như:

– Bệnh mạch vành

– Bệnh lý của van tim

– Tăng huyết áp

– Thoái hóa tim mạch do tuổi tác

– Bệnh cơ tim

– Bất thường liên quan đến dẫn truyền xung điện bẩm sinh

– Phẫu thuật tim

Nhồi máu cơ tim, đau tim

Một số bệnh lý ngoài tim có thể gây rối loạn nhịp:

– Các bệnh về tuyến giáp

– Tiểu đường

– Rối loạn mỡ máu

– Bệnh phổi mạn tính, viêm phổi, viêm phế quản cấp

– Thiếu máu

– Rối loạn cân bằng điện giải, kiềm – toan

Các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nhịp tim

Các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nhịp tim.

1.2 Căng thẳng hoặc lo lắng

Căng thẳng về tinh thần, bao gồm những cảm xúc lo lắng, tức giận, đau đớn hoặc tình huống bất ngờ đều có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Vì những tình trạng này khiến tim làm việc nhiều hơn bình thường, gây tăng huyết áp và giải phóng các hormone căng thẳng. Ở người bệnh suy tim, các hoạt động thể chất nặng cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim do dư thừa hormone adrenaline.

Một số trường hợp hiếm gặp, nôn mửa hoặc ho cũng có thể khiến nhịp tim rối loạn.

1.3 Mất cân bằng các chất trong máu

Các chất điện giải trong máu như kali, natri, canxi, magiê,… là yếu tố giúp kích hoạt và dẫn truyền các xung điện trong tim. Khi các chất này dư thừa hoặc thiếu hụt, hoạt động truyền tín hiệu của tim có thể thay đổi và làm nhịp tim trở nên rối loạn. Cụ thể:

– Sau một cơn nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật trên tim, cơ thể có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng điện giải. Khi đó, nồng độ kali, magiê hoặc canxi trong máu có thể giảm, gây ra rối loạn nhịp tim. 

– Sự dư thừa hormone tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân khiến tim đập nhanh hơn, dẫn đến các cơn loạn nhịp. Ngược lại, thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể làm chậm nhịp tim.

– Mất nước có thể là yếu tố khiến tim đập nhanh và mạnh.

– Đường máu quá thấp do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc sử dụng liều insulin quá cao ở người mắc bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân dẫn đến nhịp tim chậm hoặc nhanh bất thường.

– Rối loạn tín hiệu điện điều khiển khiến nhịp tim bị trì hoãn hoặc chặn lại. Tình trạng này thường xảy ra khi các tế bào thần kinh tạo ra các tín hiệu điện không hoạt động hoặc khi các tín hiệu điện không đi qua tim hoặc đi qua tim một cách không bình thường. Bên cạnh đó, tim có thể tạo ra các tín hiệu điện bất thường gây gián đoạn nhịp tim.

1.4 Sử dụng một số loại thuốc là nguyên nhân rối loạn nhịp tim

Một số các loại thuốc điều trị bệnh lý như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm được sử dụng không đúng cách có thể là nguyên nhân rối loạn nhịp tim. Các loại thuốc khác như thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc cảm lạnh, thuốc dị ứng không kê đơn cũng có thể gây bệnh này.

Nguyên nhân rối loạn nhịp tim do dùng thuốc

Một số thuốc điều trị có thể làm rối loạn nhịp tim tạm thời hoặc lâu dài.

1.5 Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

– Tuổi tác: Người lớn tuổi sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh rối loạn nhịp tim do ảnh hưởng của quá trình lão hóa.

– Giới tính: Bệnh thường xảy ra ở nam giới hơn, tỷ lệ lên tới 70%. Một số nghiên cứu cũng cho rằng nam giới dễ bị rung nhĩ hơn phụ nữ. Trong một số trường hợp, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn, đó là trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai…

– Môi trường: Tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp tim trong thời gian rất ngắn.

– Di truyền: Nếu người thân trong gia đình từng bị rối loạn nhịp tim hoặc mắc một số bệnh lý tim di truyền thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh.

– Lối sống kém lành mạnh: Uống rượu, hút thuốc nhiều, lạm dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine,… là những thói quen xấu có thể liên quan đến những bất ổn về nhịp tim, thậm chí gây đột tử do rung thất.

Điều trị rối loạn nhịp tim từ nguyên nhân

Tùy vào nguyên nhân và mức độ rối loạn nhịp, sẽ có phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

2. Rối loạn nhịp tim được điều trị như thế nào?

Mỗi loại rối loạn nhịp tim có một phương pháp điều trị riêng biệt, bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị cả các nguyên nhân nền. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim bao gồm:

– Sử dụng thuốc: Tùy loại rối loạn nhịp và tình trạng thực tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Các loại thuốc được kê bởi các chuyên gia tim mạch sau quá tình thăm khám kỹ lưỡng, bệnh nhân cần tuân thủ đơn thuốc tuyệt đối để trị bệnh hiệu quả.

– Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Bao gồm máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung tim… để cân bằng nhịp tim.

– Phẫu thuật: Trong những trường hợp bệnh tim trở nặng hoặc nguyên nhân gây bệnh liên quan đến bất thường cấu trúc tim, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp, phẫu thuật bằng một số phương pháp. 

Bên cạnh đó, thay đổi lối sống là rất quan trọng trong cả điều trị và phòng ngừa bệnh rối loạn nhịp tim, bao gồm các biện pháp:

– Ăn uống theo một chế độ lành mạnh, cân bằng và có lợi cho tim mạch

– Duy trì hoạt động rèn luyện thể lực thường xuyên

– Duy trì cân nặng hợp lý, nhờ chế độ ăn uống và tập luyện

– Không hút thuốc lá

– Hạn chế các chất chứa caffeine và rượu

– Học cách cân bằng cảm xúc, tránh căng thẳng quá mức

– Tham khảo ý kiến trước khi dùng và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kể cả những loại thuốc không kê đơn

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital