Tình trạng đau khớp gối có thể chỉ thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng, gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây đau khớp đầu gối và những triệu chứng cần lưu tâm.
Menu xem nhanh:
1. Đau khớp gối là gì?
Đau khớp gối hay đau đầu gối là tình trạng người bệnh xuất hiện những cơn đau ở gối và khu vực xung quanh. Vị trí đau và mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các triệu chứng đau đầu gối thường gặp là:
– Đau nhức ở khớp gối, đau nhiều hơn khi di chuyển, vận động
– Sưng, cứng khớp gối
– Đỏ và cảm giác nóng ấm khi chạm vào vị trí đau
– Khớp yếu hoặc không ổn định
– Thấy tiếng lách tách hoặc lạo xạo ở khớp, đặc biệt khi di chuyển
– Không duỗi thẳng hoặc uốn cong đầu gối được hoàn toàn
Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già hoặc những người thường phải lao động nặng.
2. Các nguyên nhân gây đau nhức khớp gối phổ biến
Cơn đau đầu gối có thể bắt nguồn từ những vấn đề ở chính khớp gối hoặc tổn thương các vùng quanh gối như các mô mềm, dây chằng, gân, túi hoạt dịch… Các vấn đề thường gặp gây đau khớp gối gồm:
2.1 Đau khớp gối do chấn thương đầu gối
Chấn thương ở đầu gối là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến dây chằng, gân hoặc các túi hoạt dịch quanh khớp gối, thậm chí ảnh hưởng đến xương, sụn và dây chằng hình thành nên khớp. Một số chấn thương phổ biến gây đau ở đầu gối gồm:
– Chấn thương dây chằng
Thường là rách dây chằng chéo trước và đặc biệt phổ biến ở những người chơi bóng rổ, bóng đá hoặc các môn thể thao đòi hỏi thay đổi hướng đột ngột và thường xuyên.
– Rách sụn chêm
Đây là phần sụn dẻo dai, có tác dụng giảm xóc cho xương chày và xương đùi. Khi đầu gối bị trẹo sang một bên do chịu tác động lực đột ngột, phần sụn chêm có thể bị rách hoặc kẹt trong khớp và gây đau.
– Gãy xương
Các xương đầu gối, bị gãy do ngã hoặc gặp tai nạn, chấn thương có thể gây đau. Ở những người bị loãng xương, gãy xương đầu gối đôi khi có thể bắt nguồn từ việc đi sai tư thế.
– Viêm gân bánh chè
Tình trạng viêm có thể gây kích ứng một hoặc nhiều gân, các mô sợi dày gắn cơ với xương. Viêm thường xảy ra khi có chấn thương ở gân xương bánh chè và dễ gặp ở những người thường xuyên chạy bộ, đi xe đạp và tham gia các hoạt động thể thao cần nhảy nhiều.
– Trật ở khớp chè đùi
Xương bánh chè trượt khỏi vị trí ban đầu, lệch ra bên ngoài đầu gối có thể gây đau và sưng đầu gối.
– Viêm bao hoạt dịch đầu gối
Bao hoạt dịch đầu gối là lớp đệm bên ngoài khớp gối giúp gân và dây chằng hoạt động nhẹ nhàng trên khớp. Khi đầu gối hoạt động quá mức, gặp chấn thương, bao hoạt dịch có thể bị viêm, dẫn đến sưng và đau đầu gối dữ dội.
– Bệnh Osgood-Schlatter
Đây là tình trạng phổ biến ở thanh thiếu niên, gây sưng đau bên dưới đầu gối, vị trí giữa gân xương bánh chè và ống chân. Tập thể dục quá sức có thể khiến vùng này bị đau. Cơn đau do bệnh này có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian.
2.2 Đau khớp gối do viêm
Có hơn 100 loại viem khớp gối khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là:
– Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối được đánh giá là loại viêm phổ biến nhất ở khớp gối, là nguyên nhân gây đau đầu gối chủ yếu ở người sau tuổi 50. Tình trạng sụn đầu gối mất dần theo thời gian làm cho khớp gối bị đau và sưng lên khi cử động.
– Viêm khớp dạng thấp
Đây là một tình trạng mạn tính liên quan đến rối loạn tự miễn, có thể ảnh hưởng đến khớp gối. Mức độ nghiêm trọng của bệnh khác nhau ở mỗi người, trong đó có những trường hợp có thể khỏi mà không cần điều trị.
– Bệnh gout và bệnh giả gout
Tình trạng tích tụ các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp sẽ gây ra bệnh gout và dẫn đến tình trạng đau khớp gối. Ngoài ra, bệnh giả gout (dư thừa các tinh thể chứa canxi phát triển trong dịch khớp) cũng có thể gây ra các dấu hiệu tương tự như gout. Tình trạng này cũng khiến đầu gối bị ảnh hưởng.
– Viêm khớp nhiễm trùng
Đôi khi, đau đầu gối có thể xảy ra do nhiễm trùng. Dấu hiệu đặc trưng là khớp sưng, đỏ, đau và sốt.
– Hội chứng đau xương bánh chè
Tình trạng này đặc trưng bởi cơn đau phát sinh giữa xương bánh chè và xương đùi bên dưới, phổ biến ở các vận động viên, người trẻ tuổi có xương bánh chè lệch trục, người lớn tuổi…
Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ đau đầu gối: thừa cân hoặc béo phì, cơ bắp yếu và thiếu linh hoạt, làm một số nghề nghiệp đặc thù hoặc chơi các môn thể thao yêu cầu khớp gối hoạt động liên tục và lặp đi lặp lại, chấn thương cũ…
3. Chẩn đoán đau khớp gối như thế nào?
Khi bị đau khớp gối, đặc biệt là khi đầu gối yếu, không thể chịu lực, biến dạng rõ rệt, hoặc người bệnh bị sốt, kèm theo mẩn đỏ, đau và sưng ở đầu gối, đau nghiêm trọng và sau chấn thương, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần thăm khám ngay để được chẩn đoán qua quá trình hỏi bệnh, kiểm tra tình trạng đau, phản xạ, khả năng di chuyển. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
– Chụp X – quang: Giúp phát hiện bệnh thoái hóa khớp, gãy xương.
– Chụp CT: Giúp quan sát cấu trúc, tình trạng khớp, chẩn đoán các vấn đề về xương, gãy xương, bệnh gout…
– Chụp MRI: Hữu ích trong chẩn đoán các chấn thương mô mềm như dây chằng, gân, sụn và cơ…
– Siêu âm: Phương pháp tái tạo hình ảnh của các cấu trúc mô mềm bên trong khớp và xung quanh đầu gối.
Bên cạnh đó, xét nghiệm máu hoặc phương pháp chọc hút dịch khớp gối có thể được chỉ định nếu nghi ngờ đau đầu gối là do nhiễm trùng hoặc viêm.
4. Cách giảm đau và phục hồi khớp gối
Tùy theo mức độ đau khớp gối và nguyên nhân gây đau mà bệnh nhân sẽ được điều trị khác nhau. Nếu đau đầu gối nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp tự chăm sóc như:
– Sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ
– Nghỉ ngơi để tránh tạo áp lực lên đầu gối, giúp vết thương mau lành lại, hạn chế phát sinh thêm những tổn thương mới
– Chườm lạnh hoặc chườm nóng để giảm đau và viêm
– Băng ép khớp gối ngăn tích tụ chất lỏng trong các mô bị tổn thương, tạo sự liên kết và ổn định của đầu gối
– Kê chân cao khi phải ngồi hoặc nằm
Ngược lại, có những trường hợp cần phải thực hiện phẫu thuật điều trị.
Trong mọi trường hợp, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất và thăm khám định kỳ để đánh giá mức độ điều trị và phục hồi.