Đau dạ dày không chỉ gây cho người bệnh cảm giác đau đớn khó chịu mà còn làm ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Việc hiểu biết rõ về các nguyên nhân đau dạ dày giúp chúng ta chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây đau dạ dày phổ biến
Trải qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng nguyên nhân của bệnh đau dạ dày rất đa dạng, có thể do 1 hoặc nhiều yếu tố khác cùng nhau gây nên. Cụ thể:
- Thói quen sinh hoạt: Uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, ăn không đúng giờ, để bụng quá no hoặc quá đói… là những lý do mang bệnh đau dạ dày đến gần bạn hơn.
- Nhiễm các loại nấm, vi khuẩn: Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): 80% người bị đau, viêm loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP. Nhiễm nấm và các loại ký sinh trùng (thường là loại anisakis)
- Nguyên nhân khác: Lạm dụng kháng sinh thuốc giảm đau gây viêm loét dạ dày, bào mòn dạ dày.
- Căng thẳng, stress: khiến dạ dày bị áp lực dẫn tới đau nhức
- Trào ngược dịch mật, thiếu máu ác tính, tổn thương trong dạ dày,… tạo nên các lớp viêm loét gây đau dạ dày.
Các triệu chứng gây đau dạ dày phổ biến
Đau ở thượng vị, có người thì đau bụng âm ỉ nhưng cũng có người lại đau dữ dội. Càng nặng thì càng đau thường xuyên hơn. Đau tức vùng bụng trên là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày giai đoạn đầu. Vùng bụng trên rốn thường xuất hiện những cơn đau bất thường, ngày càng dày và nặng hơn. Thời gian đầu, cơn đau thường xuất hiện khi đói quá hoặc no quá.
Cảm giác chướng hơi, đầy bụng, không tiêu hoá được. Đầy bụng trên sau khi ăn là cảm giác có thể biểu hiện bạn bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ. Nên theo dõi tình trạng cơ thể mình để phát hiện bệnh sớm, dễ chữa trị. Trong trường hợp để lâu, bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng, gây ra những biến chứng khó lường.
Ợ chua, ợ hơi hoặc có thể ợ ra chất đắng như mật, do sự vận động của dạ dày bị rối loạn làm thức ăn bị khó tiêu dẫn tới lên men và sinh ra hơi. Đây là một triệu chứng bệnh đau dạ dày thường gặp ở các bệnh nhân. Nếu tự nhiên mà bạn bị ợ và chướng bụng liên tục nên đi kiểm tra bác sỹ ngay.
Đau dạ dày nhẹ gây buồn nôn – Nôn hay buồn nôn là hiện tượng các thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua đường miệng. Đây là triệu chứng đau dạ dày nhẹ thường gặp ở đại đa số người bệnh. Khi thường xuyên buồn nôn hoặc nôn bạn cần lưu ý. Vì nôn làm thức ăn trào ngược từ dạ dày đẩy ra miệng, nguy cơ dẫn đến rách thực quản, tổn thương niêm mạc dẫn đến bệnh đau dạ dày.
Có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, do hiện tượng máu thoát ra khỏi thành mạch và chảy vào lòng ống tiêu hóa. Thường là do bệnh loét dạ dày tá tràng, hay ung thư dạ dày.
Chảy máu đường tiêu hóa: Chảy máu dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa là triệu chứng nặng của bệnh đau dạ dày. Nếu bệnh nhân rơi vào tình huống này mà không được cấp cứu ngay lập tức thì tính mạng sẽ bị đe dọa. Khi người bệnh bị chảy máu dạ dày, sẽ có các triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phân đen… Kèm theo đó là tình trạng người mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng thường xuyên do mất máu… Hiện tượng, triệu chứng đau dạ dày này chứng tỏ bạn đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc ung thư dạ dày…
Thay đổi thói quen đại tiện: Đầy hơi liên quan với đau bụng, thay đổi các thói quen đại tiện, hoặc giảm cân không giải thích được có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn nhiễm một ký sinh trùng gọi là Giardia trong đường ruột.
Và 1 số triệu chứng ít gặp hơn như giảm cân nhanh, thiếu máu, đau tức vùng bụng trên, sờ thấy u trước bụng.
Những nguyên tắc quan trọng trong điều trị viêm đau dạ dày
Điều trị dựa trên cơ chế sinh lý bệnh của bệnh loét, có thể chia thành 3 nhóm gây loét:
- Do sự tăng acid chlohydric và pepsin
- Do sự suy yếu của các yếu tố bảo vệ niêm mạc
- Do tác động gây viêm loét của vi khuẩn HP. Nguyên tắc điều trị được đặt ra là:
Làm giảm acid pepsin ở dịch vị bằng các thuốc ức chế bài tiết hoặc các thuốc trung hòa acid. Tăng cường các yếu tố bảo vệ niêm mạc bằng các thuốc tạo màng che phủ, băng bó ổ loét, kích thích sự tái sinh của tế bào niêm mạc dạ dày, kích thích bài tiết chất nhầy và prostaglandin.
Diệt trừ HP bằng các thuốc kháng sinh hoặc một số thuốc khác như metronidazol, bismuth.
Điều trị hỗ trợ, nâng đỡ sức khỏe bệnh nhân theo quan điểm điều trị viêm loét dạ dày toàn diện trong đó có chế độ ăn.
Các chức năng chính của dạ dày
Chức năng vận động: trương lực dạ dày, áp lực trong lòng dạ dày khoảng 8–10 cm H2O, có áp lực là nhờ sự co thường xuyên của lớp cơ dạ dày. Khi dạ dày đầy, trương lực giảm đi chút ít, khi dạ dày vơi trương lực tăng lên, tăng lên cao nhất khi dạ dày rỗng.
Nhu động của dạ dày: khi thức ăn vào dạ dày thì 5-10 phút sau dạ dày mới có nhu động, nhu động bắt đầu từ phần giữa của thân dạ dày, càng đến gần tâm vị nhu động càng mạnh và sâu. Cứ 10-15 giây có 1 sóng nhu động. Kết quả co bóp của dạ dày là nhào trộn thức ăn với dịch vị, nghiền nhỏ thức ăn và tống xuống ruột.
Chức năng bài tiết: mỗi ngày dạ dày bài tiết 1-1,5 lít dịch vị, protein của huyết tương (đặc biệt là albumin, globulin miễn dịch), các enzym pepsinozen và pepsin, glycoprotein, yếu tố nội sinh (glycoprotein chứa ít glucid) và axit.
Chức năng tiêu hóa: HCl có tác dụng hoạt hoá các men tiêu hoá, điều chỉnh đóng mở môn vị và kích thích bài tiết dịch tụy. Chất nhầy có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc khỏi sự tấn công của chính dịch vị. Pepsinogen với sự có mặt của HCl sẽ phân chia protein thành các polypeptid và làm đông sữa. Yếu tố nội sinh có tác dụng làm hấp thu vitamin B12. Dạ dày cũng sản xuất secretin, một nội tiết tố kích thích bài tiết dịch tụy.
Cần phải làm gì khi xét nghiệm có HP dương tính?
Khi xét nghiệm vi khuẩn HP cho kết quả dương tính, bạn không nên quá lo lắng, bởi không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe. Theo thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% số người nhiễm HP mắc các bệnh lý về dạ dày, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ địa, độc tố của vi khuẩn, tuổi tác, chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc.
Với những trường hợp sau đây bắt buộc phải tiêu diệt vi khuẩn HP để tránh bị bệnh và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Bệnh nhân có bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày đã phẫu thuật một phần.
- Người có người thân trực hệ mắc ung thư dạ dày.
- Những bệnh nhân thường xuyên phải sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, chống kết tập tiểu cầu.
- Người bị thiếu máu đã loại trừ các nguyên nhân khác.
- Người bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Những người quá lo lắng về vi khuẩn HP cũng cần phải tiêu diệt chúng.
- Những người sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao.
Với các trường hợp trên bắt buộc phải tuân thủ theo phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP bằng các loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay các phác đồ kháng sinh có hiệu quả ngày càng giảm do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng, cùng với hiện tượng lây nhiễm, tái nhiễm vi khuẩn HP kháng thuốc.
Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng là do bệnh nhân không tuân thủ đúng phác đồ, bỏ giở giữa chừng, khi đó sẽ còn lại những vi khuẩn kháng thuốc, chúng sẽ nhân lên nhanh chóng và có thể lây nhiễm sang những người khác. Chính vì vậy khi đã điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ bác sĩ đưa ra.
Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định xem có cần phải điều trị hay không, nếu điều trị thì phác đồ như thế nào. Do đó, khi xét nghiệm HP dương tính, hãy trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Để biết thêm thông tin cũng như để được tư vấn trực tiếp về nguyên nhân đau dạ dày, bạn đọc vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 1900 55 88 92 để được giải đáp.