Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn uống thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ Cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII

Nguyễn Quang Tuấn

Bác sĩ Nội Khoa

Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ thường xuất phát từ chế độ ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt không điều độ. Vì vậy khi điều trị bệnh lý này, việc thay đổi lối sống là vô cùng cần thiết. Vậy người bị gan nhiễm mỡ nên ăn uống như thế nào để cải thiện tình trạng bệnh?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều ở gan, vượt quá chỉ số cho phép. Một lá gan khỏe mạnh thường có lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2-4% tổng trọng lượng của gan. Khi mỡ chiếm từ 5% trọng lượng của gan trở lên thì người đó đã bị gan nhiễm mỡ. Chức năng của gan sẽ bị ảnh hưởng khi gan chứa quá nhiều mỡ. Gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới thay cho các tế bào cũ bị tổn thương. Tuy nhiên khi các tác nhân có hại liên tục xâm nhập gan thì sẽ gây ra bệnh xơ gan. Do đó việc ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ.

1. Người bị gan nhiễm mỡ nên xây dựng thực đơn như thế nào?

1.1. Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì – rau củ quả tươi

Rau củ quả là nhóm thực phẩm lý tưởng dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người đang điều trị gan nhiễm mỡ. Vì các nhóm thực phẩm này có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan hiệu quả. Một người nên ăn ít nhất 300g rau xanh và 200g hoa quả tươi mỗi ngày để tốt cho cơ thể và lá gan.

Các loại rau củ được khuyên dùng cho người bệnh gan nhiễm mỡ gồm:
– Rau cần: giàu vitamin, có công dụng làm mát gan và giải độc.
– Ngô: giàu acid béo không no, thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo để không bị tích tụ ở gan.
– Nấm hương: nhiều dưỡng chất giúp giảm cholesterol trong máu và gan.
– Các loại rau như rau cải xanh, diếp cá, rau ngót … có công dụng thanh nhiệt, làm mát gan.
– Bơ: là loại quả chứa nhiều chất béo lành mạnh, giàu chất xơ, hỗ trợ tốt quá trình giảm cân.
– Các loại hạt như hạt óc chó, hạt hạnh nhân … rất phù hợp với bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên phải ăn theo lượng được khuyến cáo phù hợp.
– Các loại củ quả như cà chua, ớt chuông, mướp đắng, dưa chuột, cam, quýt, bưởi … cũng là thực phẩm tốt cho gan.

Người bị gan nhiễm mỡ nên tăng cường ăn rau củ quả

Tăng cường rau củ quả là liều thuốc hữu hiệu cho người có lượng mỡ trong gan cao

1.2. Dầu thực vật

Người bệnh gan nhiễm mỡ cần hạn chế chất béo nhưng cũng cần bổ sung khoảng 1g lipid/ 1kg trọng lượng để cung cấp đầy đủ chất cho cơ thể. Những người có hàm lượng mỡ trong gan cao nên giảm sử dụng mỡ động vật thay vào đó sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương, dầu oliu … Những loại dầu này giàu acid béo không no, vitamin E giúp hạ cholesterol trong máu và gan, chống oxy hóa và đồng thời kiểm soát cân nặng.

Dầu thực vật rất phù hợp với người bị gan nhiễm mỡ

Dầu thực vật rất phù hợp với người bệnh gan nhiễm mỡ, tuy nhiên chỉ duy trì liều lượng phù hợp

1.3. Người bị gan nhiễm mỡ nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu chất đạm

Người bị gan nhiễm mỡ nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt nhiều chất đạm ít béo như thịt gà hay các loại cá. Các loại cá như cá ngừ, cá hồi giàu axit béo omega-3 có thể cải thiện mức độ mỡ trong gan. Sữa đặc biệt loại sữa có hàm lượng whey protein cao, ít béo cũng phù hợp với người bệnh gan nhiễm mỡ.

2. Các loại nước tốt cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ

– Trà lá sen: đây là loại đồ uống rất tốt trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Trà lá sen có công dụng hỗ trợ giảm béo, giảm tích tụ mỡ trong gan.
– Nước ép táo: táo được coi là loại quả có nhiều công dụng cho sức khỏe vì táo có nhiều pectin. Loại chất này có công dụng đào thải kim loại nặng, cải thiện chức năng gan. Người bệnh gan nhiễm mỡ nên uống 1 ly nước ép táo mỗi ngày để hỗ trợ hiệu quả điều trị bệnh.
– Nước ép bưởi: bưởi chứa nhiều vitamin giúp thanh lọc và đào thải độc tố. Uống nước ép bưởi còn có công dụng thúc đẩy quá trình tái tạo gan.
– Trà Atiso có công dụng thanh nhiệt, giải độc cho gan vì trong thành phần của Atiso có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giải độc, phục hồi gan tổn thương.

3. Biến chứng của gan nhiễm mỡ

Nhiều bệnh nhân gan nhiễm mỡ cho rằng bệnh ít có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đi khám sức khỏe và xét nghiệm mới phát hiện ra bệnh. Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:
– Đau bụng, ấm ách ở vùng bụng trên bên phải
– Khám lâm sàng sờ thấy gan hơi to hơn bình thường
– Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, sụt cân, đau bụng, mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến
– Vàng da, nước tiểu vàng hoặc sậm màu
– Cổ trướng, lách to kèm phù nề ở chân
– Giãn mạch dưới da, lòng bàn tay đỏ, ngứa da đặc biệt ở vùng bụng
– Khi đi vệ sinh nặng có lẫn máu

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể đối mặt với một số biến chứng như sau:

– Viêm gan: mỡ bao phủ tế bào gan tăng lên đồng nghĩa với chức năng của gan suy giảm. Lâu dần gan dễ bị các virus viêm gan tấn công. Những người nghiện rượu bia càng dễ gặp biến chứng này.

– Xơ gan: tổn thương gan sau khi phục hồi sẽ tạo thành vùng sẹo, vùng sẹo này xơ hóa khi quá trình viêm gan phát triển.

Ung thư gan: đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh lý gan nhiễm mỡ, khi gan nhiễm mỡ kéo dài sẽ tiến triển thành viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư.

Chán ăn, sụt cân trong khoảng thời gian ngắn là biểu hiện phổ biến của gan nhiễm mỡ

Chán ăn, sụt cân trong khoảng thời gian ngắn là biểu hiện phổ biến của gan nhiễm mỡ

4. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

4.1. Phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ là gì?

– Lâm sàng: gan nhiễm mỡ có thể phát hiện qua thăm khám lâm sàng. Người bệnh nên nói rõ các biểu hiện đang gặp phải cùng với tiền sử sử dụng rượu bia và các loại thuốc.
– Xét nghiệm máu
– Siêu âm
– Sinh thiết

4.2. Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ hiện nay

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị dành cho bệnh gan nhiễm mỡ. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm giảm triệu chứng cũng như ngăn cho bệnh không tiến triển nặng. Do đó bên cạnh thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, người bệnh cần xây dựng lối sống khoa học bằng cách:
– Tập thể dục đều đặn với môn thể thao yêu thích, thời gian lý tưởng từ 30-45 phút mỗi ngày

– Những bệnh nhân gan nhiễm mỡ dù ở cấp độ nhẹ cũng phải kiêng rượu, bia tuyệt đối.

– Giảm cân, duy trì cân nặng phù hợp để có một cơ thể khỏe mạnh.

– Kiểm soát tốt các bệnh lý khác để không làm ảnh hưởng chức năng gan.

Ngoài ra nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường để kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital