Nấc cụt là một tình trạng thường gặp và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tuy nhiên gây không ít phiền toái cho người bệnh. Tìm hiểu về nấc cụt qua một số thông tin trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
Nấc cụt là gì?
Hiện tượng nấc cụt xảy ra do sự co thắt không tự chủ, ngắt quãng của cơ hoành và cơ liên sườn, tiếp đến là sự đóng đột ngột của thanh môn. Nó thường xảy ra với tần số từ 4 – 60 lần/phút.
Nguyên nhân nào gây ra nấc cụt?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới nấc cụt, bên cạnh đó vẫn có những trường hợp không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng:
- Ăn quá nhiều và quá nhanh
- Uống quá nhiều rượu
- Nuốt quá nhiều không khí
- Hút thuốc
- Thay đổi đột ngột nhiệt độ bên trong dạ dày, chẳng hạn như uống nước nóng và chuyển sang uống nước lạnh liền ngay sau đó.
- Căng thẳng hoặc hưng phấn.
Nấc cụt thường kéo dài trong bao lâu?
Nấc cụt thường dừng lại trong vòng một vài phút đến vài giờ. Nấc kéo dài hơn 48 giờ được gọi là nấc dai dẳng. Nấc kéo dài hơn một tháng là nấc cụt khó chữa. Mặc dù rất hiếm khi xảy ra, nấc cụt khó chữa có thể gây mệt mỏi, thiếu ngủ và giảm cân. Cả nấc dai dẳng và nấc khó chữa đều có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn và cần được kiểm tra bởi bác sĩ.
Nấc cụt dai dẳng và nấc cụt khó chữa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Vấn đề hệ thống thần kinh trung ương, chẳng hạn như ung thư, nhiễm trùng, đột quỵ hoặc chấn thương.
- Vấn đề với quá trình trao đổi chất, chẳng hạn như suy giảm chức năng thận hoặc tăng thông khí.
- Một số bệnh thuộc hệ thống tiêu hoá như viêm thực quản cấp hoặc mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, các bệnh thuộc dạ dày – tá tràng như viêm dạ dày, viêm tá tràng, viêm loét dạ dày – tá tràng (viêm hang vị, viêm bờ cong lớn hoặc nhỏ); loét môn vị, loét tiền môn vị, loét bờ cong (lớn, nhỏ), loét tâm vị hoặc ung thư dạ dày…
- Tình trạng kích thích các dây thần kinh ở đầu, cổ và ngực (phế vị hoặc thần kinh cơ hoành).
- Ảnh hưởng của việc gây mê hoặc phẫu thuật.
- Vấn đề sức khỏe tâm thần.
- Ảnh hưởng của một số loại thuốc nhất định như kháng sinh thuộc nhóm macrolid (erythromycin, roxythromycin…) hoặc nhóm kháng sinh fluoroquinolon (ciprofloxacin, ciprobay, ofloxacin, norfloxacin…)
Nấc cụt được điều trị như thế nào?
Hầu hết những cơn nấc tự biến mất trong vòng vài phút đến vài giờ và không đòi hỏi bất kỳ điều trị nào.
Ban đầu nấc cụt chưa cần phải dùng thuốc mà có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản, dễ thực hiện giúp dừng cơn nấc nhanh chóng như:
- Giữ hơi thở và đếm thầm đến 10: thở sâu và giữ càng lâu càng tốt. Điều này sẽ làm căng cơ hoành và ngăn không cho nó co lại. Co cơ hoành gây nấc và khi các cơn co ngừng lại, nấc cũng sẽ tự động ngừng. Lặp lại động tác này một vài lần.
- Nhanh chóng uống một ly nước lạnh.
- Ăn một thìa cà phê đường hoặc mật ong.
- Áp dụng các biện pháp tâm lý như tập trung vào một vấn đề gì đó phức tạp hoặc lý thú như xem bóng đá, đấm bốc…
Việc điều trị nấc dai dẳng và nấc khó chữa tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể từ sử dụng thuốc cho tới châm cứu hoặc thôi miên. Cần lưu ý khi sử dụng thuốc Tây cũng có nhiều phác đồ điều trị hiệu quả nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn cũng như nhiều tương tác với thuốc khác hoặc chống chỉ định. Vì vậy người bệnh dứt khoát không được tự mua thuốc để điều trị bệnh nấc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp nấc cụt tăng lên cả về cường độ lẫn tần suất và kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung thì phẫu thuật cắt dây thần kinh cơ hoành là biện pháp cuối cùng.