Thông liên nhĩ hiện nay đang chiếm từ 6-10% bệnh tim bẩm sinh. Đa số các trường hợp thông liên nhĩ đều là lành tính. Do đó, nếu được phát hiện và điều trị từ sớm thì sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tình trạng sức khỏe sau này. Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra là: bệnh lý này có nguy hại gì tới tim không? Điều trị thông liên nhĩ thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ hay còn được gọi là dị tật vách ngăn tâm nhĩ. Đây là tình trạng có xuất hiện một lỗ thông bất thường tại vách ngăn hai buồng tâm nhĩ. Lỗ thông này có thể nằm tại nhiều vị trí khác nhau trên vách liên nhĩ. Bình thường, nếu lỗ thông này nhỏ thì nó sẽ có khả năng tự đóng. Tuy nhiên, nếu là lỗ lớn thì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Dựa vào phôi thai học, thông liên nhĩ được phân chia thành 4 loại sau:
– Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (thông liên nhĩ nguyên phát): có thể xuất hiện đơn độc. Tuy nhiên, thường loại này xảy ra trong tình trạng bệnh tim bẩm sinh khá phức tạp và có vị trí nằm thấp, sát với van nhĩ thất.
– Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (thông liên nhĩ lỗ thứ phát) là trường hợp khá phổ biến (chiếm đến 70%). Loại này nằm ở vùng trung tâm vách liên nhĩ. Lỗ thông liên nhĩ thứ phát có kích thước thường rơi vào khoảng 10-30mm.
– Thông liên nhĩ xoang tĩnh mạch: tình trạng này khá ít gặp phải. Nó bao gồm hai loại là: tĩnh mạch chủ trên (thường đi kèm hồi lưu tĩnh mạch phổi bất thường) và tĩnh mạch chủ dưới (thể vô cùng hiếm gặp).
– Thông liên nhĩ xoang vành: do bị mất trần xoang vành (cũng rất ít gặp).
2. Mức độ nguy hiểm của bệnh thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ gây ra mức độ nguy hiểm thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kích thước của lỗ thông trên vách ngăn tâm nhĩ. Với một lỗ thông có kích thước nhỏ (khoảng 5mm) cũng không quá đáng lo. Thường thường các lỗ như này sẽ đóng khi trẻ còn đang trong bào thai hay khi mới sinh ra. Nếu trong trường hợp nó tồn tại tới khi lớn, thì người đó cũng hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh với một lỗ thông nhỏ này.
Nhưng nếu lỗ thông vách ngăn quá lớn (10-30mm) làm lượng máu được bơm vào động mạch phổi quá mức. Điều này sẽ làm cho tim và phổi bắt buộc phải làm việc nhiều hơn. Từ đó khiến các động mạch phổi có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Nếu không được điều trị kịp thời, thông liên nhĩ sẽ gây ra rất nhiều vấn đề hết sức nguy hiểm.
Đặc biệt với các lỗ thông có kích thước trên 20mm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm như:
– Suy tim phải: do thất phải phì đại (phải làm việc quá sức kéo dài).
– Gây rối loạn nhịp tim: rung nhĩ hay cuồng nhĩ. Tình trạng này xuất hiện và gây ảnh hưởng từ 50-60% người mắc thông liên nhĩ (ngoài 40 tuổi).
– Dẫn đến tăng huyết áp động mạch phổi: vì khiến áp suất dòng máu cao bên trong động mạch cung cấp máu đến phổi. Từ đó gây các tổn thương vĩnh viễn cho phổi.
– Hở van hai lá và hở van ba lá vì suy tim, bên cạnh đó còn gây dãn vòng van.
– Nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não và đột quỵ. Do có máu đông xuất hiện và di chuyển trong tuần hoàn, chúng sẽ đi qua lỗ thông liên nhĩ vào động mạch và gây tắc nghẽn các động mạch (động mạch vành và động mạch não).
– Đột tử: do tim bị dừng đột ngột (chủ yếu do rối loạn nhịp).
Người có một lỗ thông sẽ gặp phải ít nguy hiểm hơn so với người có nhiều lỗ thông liên nhĩ. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý chỉ có thể xác định thông qua kiểm tra chuyên sâu về tim mạch.
3. Phương pháp điều trị bệnh thông liên nhĩ
Những phương pháp được áp dụng nhiều nhất trong điều trị với bệnh thông liên nhĩ hiện nay có thể kể tới như:
3.1. Điều trị thông liên nhĩ – nội khoa
– Mục đích của phương pháp điều trị nội khoa là: dùng thuốc giúp ổn định để chờ tới khi phẫu thuật. Ngoài ra còn giúp: hạn chế bội nhiễm, nâng cao thể trạng bệnh nhân và tránh tổn thương.
Đối với các trường hợp có hiện tượng hồi hộp (do rối loạn nhịp tim) ở tầm 20-30 tuổi: nên sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp (chẹn kênh calci hoặc chẹn beta).
Trường hợp thông liên nhĩ nếu phát hiện muộn sẽ phải điều trị bằng thuốc giãn mạch, thuốc tăng co bóp cho tim, lợi tiểu.
3.2. Điều trị thông liên nhĩ – ngoại khoa
Trong điều trị ngoại khoa, nên thực hiện sớm khi trẻ từ 2-4 tuổi (Qp/Qs>1.5/1). Với trẻ dưới 2 tuổi mà xuất hiện những biểu hiện như: bội nhiễm, hô hấp, suy tim, suy dinh dưỡng,… thì cũng nên phẫu thuật sớm.
Một vài biến chứng không đáng kể có thể xuất hiện khi phẫu thuật:
– Tràn dịch màng tim (chiếm khoảng 3%).
– Rối loạn nhịp tim (chiếm khoảng 9,3%).
Phương pháp sẽ khâu nối hoặc là đóng bằng miếng vá màng ngoài tim cùng đường mổ giữa xuyên ức. Hiện nay đã có thêm cả can thiệp bằng đường mổ bên ngực (tính thẩm mỹ cao hơn).
4. Phòng ngừa thông liên nhĩ
Đa phần các trường hợp của thông liên nhĩ đều không có cách nào ngăn ngừa được. Vì vậy ngay khi bạn có nhu cầu sinh con, hãy chủ động lên lịch thăm khám với bác sĩ để được chuẩn đoán trước khi mang thai:
– Đánh giá về khả năng miễn dịch với rubella. Trong trường hợp cơ thể chưa có kháng thể, cần cân nhắc tiêm sớm để phòng bệnh. Vì vaccine sống giảm động lực nên phải tiêm sớm từ trước mang thai tối thiểu 3 tháng.
– Trao đổi với bác sĩ cụ thể về tình trạng và những loại thuốc đang dùng. Bên cạnh đó cũng nên theo dõi sức khỏe mẹ và bé định kỳ theo yêu cầu. Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn về một số loại thuốc nên sử dụng trước khi mang thai.
– Đặc biệt với các trường hợp có người thân từng bị mắc bệnh hay có các rối loạn di truyền. Cần lắng nghe các tư vấn cần thiết về nguy cơ di truyền có thể xảy ra.
Thông liên nhĩ được xem là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp. Bệnh lý này có thể chữa khỏi nếu được chú ý và phát hiện sớm. Ngoài ra, với trẻ bị thông liên nhĩ dù đã phẫu thuật hay chưa cũng cần được theo dõi thường xuyên.