Một số thông tin cần biết về tiêm vacxin cúm

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Cúm là bệnh lý có khả năng lây nhiễm tới các đối tượng khác với tốc độ nhanh chóng, với biến chứng bệnh khó kiểm soát. Bệnh lý này có thể xảy ra ở người trẻ tuổi, người trưởng thành hay bất kỳ đối tượng nào. Để có thể phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh lý này thì tiêm vacxin cúm hiện là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

1. Tìm hiểu về hoạt động tiêm vacxin cúm

1.1. Bệnh cúm là gì?

Cúm là loại bệnh lý nhiễm virus cấp tại đường hô hấp gây ra một số biểu hiện như đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, ho… Bệnh có thể kèm theo triệu chứng tại đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn…nhưng ở mức độ nhẹ và sẽ tự khỏi sau khoảng 2 – 7 ngày.

Những đối tượng mắc các bệnh mạn tính tại phổi, thận, tim, bị suy giảm miễn dịch, trẻ em hoặc người cao tuổi… khi bị cúm sẽ có nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng gây viêm phế quản, viêm tai, viêm phổi hoặc thậm chí dẫn tới tử vong.

1.2. Lợi ích của tiêm vacxin cúm trong phòng ngừa bệnh

Tiêm vacxin cúm là biện pháp chủ yếu trong việc đề phòng và ngăn ngừa bệnh cúm. Vắc xin cúm là loại chế phẩm từ kháng nguyên của virus cúm mùa. Sau khi được tiêm vào trong cơ thể các kháng nguyên này sẽ kết hợp với hệ miễn dịch để kích thích các tế bào trong máu sản sinh ra các kháng thể, từ đó giúp cơ thể nhận diện được các loại virus lạ gây bệnh.

Hiệu quả của vắc xin phụ thuộc vào độ tuổi thực hiện tiêm phòng và sự đáp ứng miễn dịch của mỗi cơ thể. Đa số các loại vắc xin  cúm có hiệu quả bảo vệ sức khỏe lên tới 90%. Ngoài ra, tiêm vacxin cúm còn mang lại một số lợi ích cụ thể như:

– Bảo vệ cơ thể khỏi độc lực của virus cúm khi bị lây nhiễm. Hạn chế những tổn thương nguy hiểm do virus gây ra cho cơ thể như: Viêm não, viêm tim, suy thận, suy hô hấp.

– Với các đối tượng mắc các bệnh lý mạn tính, tiêm vắc xin giúp hạn chế những biến chứng của bệnh lý này, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.

– Đối với phụ nữ đang mang thai, tiêm phòng loại vắc xin phù hợp giúp bảo vệ mẹ và thai nhi khỏi sự tấn công của virus.

– Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cả xã hội. Hạn chế sự lây nhiễm những chủng loại virus nguy hiểm tới người xung quanh.

vaccine cúm

Tiêm vắc xin giúp chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân khỏi những virus dễ lây nhiễm ngoài môi trường

2. Tiêm vacxin cúm và những vấn đề cần lưu ý

2.1. Đối tượng được chỉ định/ chống chỉ định tiêm vắc xin

Đa số tất cả mọi người được khuyến khích nên thực hiện tiêm vacxin cúm, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ biến chứng như:

– Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.

– Phụ nữ đang mang thai.

– Đối tượng mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim, phổi, gan, thận.

– Đối tượng có sức đề kháng thấp, dễ bị nhiễm trùng bởi một số tình trạng như: Bệnh bạch cầu, HIV, ghép tạng, đang sử dụng hoặc điều trị bệnh bằng steroid, một số loại thuốc ung thư hoặc xạ trị…

– Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.

Tiêm vắc xin tuy là một hoạt động an toàn, ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên có một vài trường hợp chống chỉ định không nên thực hiện tiêm vắc xin như:

– Trẻ em dưới 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử sốc/ phản ứng nặng sau khi tiêm chủng, sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc có dấu hiệu não/ màng não, tím tái, khó thở.

– Người dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng ở mức độ nặng, đe dọa tới tính mạng.

– Nếu cơ thể không khỏe, nên thông báo trước tới bác sĩ về các triệu chứng trong cơ thể để được chỉ định có nên tiêm hay không.

vacxin cúm

Mọi đối tượng đều được khuyến khích tiêm vắc xin phòng cúm

2.2. Thời điểm nên thực hiện tiêm vacxin cúm

Bệnh cúm thường diễn ra quanh năm, tuy nhiên thời điểm của bệnh cúm thường rơi vào mùa xuân hoặc mùa đông. Vì vậy, khoảng thời gian thích hợp để tiêm vacxin cúm là từ 2 tuần tới 1 tháng trước khi bắt đầu vào thời gian cao điểm của bệnh cúm.

Thông thường người bệnh được khuyến khích tiêm vacxin cúm từ tháng 9 – tháng 3.

2.3. Các vấn đề cần chú ý khi thực hiện tiêm vắc xin phòng cúm

– Tiêm vacxin cúm vẫn có khả năng mắc cúm: Bản thân vắc xin cúm chỉ chứa một kháng thể không hoạt động của virus mà cơ thể nhận ra được để kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể hoạt động, phản ứng lại với virus.

– Sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng phụ tại chỗ như: Mẩn đỏ, sưng tấy tại vị trí tiêm, bầm máu… Hoặc một số phản ứng toàn thân như: Sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau cơ và khớp… Do vậy, bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ và cung cấp đủ nước cho cơ thể.

– Hạn chế sử dụng rượu, bia để tránh làm giảm tác dụng của kháng thể trong hệ miễn dịch hoặc những biến chứng nguy hiểm hơn.

– Hiệu lực bảo vệ cơ thể chỉ kéo dài khoảng 6 – 12 tháng bởi các loại virus thường mang tính chất đột biến và thay đổi cấu trúc liên tục.

– Không nên thực hiện tiêm phòng quá sớm bởi sẽ làm giảm hiệu quả và khả năng bảo vệ, chống lại sự lây nhiễm của virus bệnh cúm, đặc biệt là những người lớn tuổi.

– Một số dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ của cơ thể cần chú ý theo dõi: Sốt cao kèm hiện tượng co giật, đau bụng và buồn nôn, huyết áp tụt nhanh, ngất, hô hấp kém, khó thở hoặc thở rít, rối loạn ý thức…

tiêm phòng cúm

Cần theo dõi sức khỏe sau quá trình tiêm, nếu có những bất thường nên theo dõi và báo với bác sĩ sớm nhất

Hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin cụ thể về tiêm vacxin. Tiêm vacxin cúm là một việc làm cần thiết, giúp hình thành lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm, hạn chế biến chứng bệnh và sự lây nhiễm tới những người xung quanh. Hãy thực hiện khám định kỳ và tiêm vacxin theo khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp thì hãy liên hệ tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn ngay!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital