Gan nhiễm mỡ và tiểu đường là 2 bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên 2 căn bệnh này lại có mối liên hệ với nhau. Mối liên hệ đó là gì và làm sao để hạn chế tác động của các căn bệnh này, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh tiểu đường
Gan nhiễm mỡ là gì? Thông thường trong gan luôn dự trữ một lượng mỡ nhất định. Lượng mỡ trong gan thường chiếm khoảng 2 – 4% trọng lượng lá gan. Khi lượng mỡ này chiếm từ 5% trọng lượng gan trở lên thì bạn đã mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu với các cấp độ từ 1 đến 3. Ở mỗi cấp độ bệnh, các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến bệnh nhân sẽ khác nhau.
Tiểu đường là gì? Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu thường xuyên tăng cao. Có 2 loại tiểu đường là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Nguyên nhân có thể do giảm khả năng sản xuất insulin hoặc đề kháng insulin. Tình trạng đường huyết luôn ở mức cao nếu không được kiểm soát có thể gây nhiều biến chứng lên tim, thận, mắt, hệ thần kinh… khiến người bệnh đối mặt với nguy hiểm.
2. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và gan nhiễm mỡ
Để tìm hiểu mối liên hệ này, trước hết cần hiểu rõ về insulin. Đây là hormone do tuyến tụy tiết ra với vai trò chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể, chuyển hóa ở các mô mỡ và gan thành loại năng lượng ATP để cung cấp cho hoạt động của cơ thể.
Cụ thể, khi chúng ta nạp vào cơ thể một lượng tinh bột khá lớn (sau bữa ăn), tế bào beta ở đảo tụy có thể bị kích thích tiết ra insulin. Chất này sẽ tác động vào các quá trình giữ và dự trữ glucose trong cơ thể, đặc biệt là gan và mô mỡ.
Khi nồng độ glucose trong máu tăng cao, glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và được dự trữ trong gan. Khi bạn đói, lượng glucose trong máu giảm, lúc này glycogen sẽ được biến đổi trở lại thành glucose, đi vào máu để đảm bảo lượng đường trong máu.
Khi mắc bệnh tiểu đường và gan nhiễm mỡ, các quá trình chuyển hóa này gặp rối loạn, tạo thành vòng xoắn bệnh lý. Cụ thể, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và ngược lại đái tháo đường cũng có thể gây nên bệnh cảnh gan nhiễm mỡ. Khi hai bệnh lý này cùng xuất hiện cùng lúc, những biến chứng như xơ gan và ung thư gan cũng dễ xuất hiện hơn.
2.1 Mối liên hệ giữa gan nhiễm mỡ và tiểu đường: Gan nhiễm mỡ là một nguyên nhân quan trọng gây tiểu đường
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, tỉ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu bị đái tháo đường là 55,5%, tỉ lệ người mắc bệnh viêm gan thoái hóa mỡ do rượu là 37,2%.
Bệnh nhân bị NAFLD có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn người bình thường.
Khi lượng mỡ trong gan tích trữ nhiều (tăng LDL cholesterol, giảm các HDL cholesterol) có thể gây đề kháng insulin. Lúc này, quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể sẽ bị rối loạn, gây nên bệnh đái tháo đường hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
2.2. Mối liên hệ giữa gan nhiễm mỡ và tiểu đường: Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Khi bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, lượng đường ở trong máu tăng cao. Các phân tử đường bao phủ lên các thụ thể trong gan vốn đảm nhận chức năng loại bỏ cholesterol xấu như LDL, VLDL. Đây là nguyên nhân gây suy giảm chức năng chuyển hóa cholesterol của tế bào gan, khiến mỡ tích tụ trong gan và gây nên bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Đối với các bệnh nhân đã có tiền sử gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh đái tháo đường cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, làm tăng nguy cơ diễn tiến thành viêm gan thoái hóa mỡ, xơ gan và ung thư gan.
Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu khi đang bị đái tháo đường thường sẽ có diễn tiến nặng hơn so với người chỉ mắc đái tháo đường. Sinh thiết gan ở những bệnh nhân này, người ta nhận thấy có đến 17% đã bị xơ hóa.
3. Làm thế nào để phòng tránh và hạn chế những ảnh hưởng của 2 căn bệnh này?
Trước những ảnh hưởng lẫn nhau giữa bệnh gan nhiễm mỡ và bệnh tiểu đường cũng như những ảnh hưởng của đến sức khỏe người bệnh từ 2 căn bệnh này được phân tích ở trên, việc phòng tránh và kiểm soát bệnh là vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa, mỗi chúng ta cần loại bỏ thói quen lười vận động, lối sống tĩnh tại. Các chuyên gia khuyên rằng nên vận động thể lực từ 30 – 60 phút/ngày để giảm lượng mỡ trong gan và ổn định đường huyết. Nên kiêng những thực phẩm giàu chất béo và nhiều đường, hạn chế rượu bia để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nếu đã mắc bệnh, hãy điều trị sớm nhất có thể và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe và giảm các biến chứng.
Một số nhóm thuốc điều trị 2 căn bệnh này có thể kể đến như Pioglitazone, vitamin E, Metformin… Người bệnh bị đái tháo đường hay gan nhiễm mỡ cũng nên đi thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và điều chỉnh phác đồ phù hợp.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về mối liên hệ giữa bệnh gan nhiễm mỡ và tiểu đường cũng như cách phòng tránh, kiểm soát hiệu quả. Người đang mắc một trong hai loại bệnh trên nên chủ động điều trị và dự phòng biến chứng sang bệnh còn lại, từ đó hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe.