Thoát vị bẹn là tình trạng nhô ra của phúc mạc, mạc nối và ruột ra ngoài ổ bụng qua chỗ mở ra bất thường của cơ trên thành bụng. Tuỳ vị trí người ta phân loại thoát vị bẹn, thoát vị đùi, thoát vị rốn. Thoát vị bẹn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam giới mắc nhiều gấp 7-8 lần nữ giới. Phương pháp điều trị chính là mổ thoát vị bẹn.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nam giới hay mắc thoát vị bẹn
Nguyên nhân nam giới hay mắc thoát vị bẹn vì vùng bẹn là điểm có một khe nhỏ trước kia là đường để hột tinh hoàn tụt xuống nơi ở cố định là túi bìu. Thông thường, đường này chỉ còn có các mạch máu đi qua để nuôi dưỡng tinh hoàn. Nhưng nếu lỗ bao quanh động mạch không kín hoặc quá yếu, một đoạn ruột có thể lọt vào và thoát ra ngoài ổ bụng xuống bìu gọi là thoát vị bẹn.
Thoát vị bẹn có thể xảy ra với người trẻ và thường ở một bên, hiếm khi bị cả hai bên, vì khi làm việc nặng thường bên nào bị kéo căng rồi không co lại thì bên đó sẽ bị thoát vị.
Khi bị thoát vị bẹn, ban đầu người bệnh cảm thấy tức vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên, không đau và tình trạng này thường diễn ra không liên tục. Khi người bệnh hạn chế vận động, nằm nghỉ thì không còn cảm giác tức vùng bẹn và khối bìu nhỏ lại hoặc mất hẳn. Ðiều này thường khiến cho người bệnh chủ quan và khi bệnh nặng gây đau đớn do ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng thì bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
2. Phương pháp mổ thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm và không ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản. Hiện nay phương pháp điều trị thoát vị bẹn chủ yếu là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ “vá” lỗ hổng ở thành bụng hoặc mổ đặt mảnh ghép nhân tạo vào diện yếu của vị trí thoát vị.
Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị muộn, thoát vị bẹn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột. Khoảng 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bị ở trẻ nhỏ và khoảng 60% số bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau đẻ.
Ngoài ra, bệnh còn gây một số biến chứng khác như rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ, bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.
Nếu không can thiệp phẫu thuật mổ thoát vị bẹn kịp thời thì ruột và mạc treo ruột sẽ bị hoại tử. Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất.
Ngoài ra, còn gặp biến chứng thoát vị kẹt, do tạng thoát vị chui xuống nhưng không đẩy lên được do dính vào túi thoát vị hoặc do tạng trong túi dính với nhau.
Để cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, người bệnh cần được mổ thoát vị bẹn sớm. Cần tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.