Mẹo chuẩn bị tâm lý trước khi chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ có thể gây sợ hãi, lo lắng cho trẻ em hoặc những người sợ không gian kín. Bởi vậy, cha mẹ cần giúp con bớt lo trước khi vào chụp, tránh hoảng loạn, la khóc, không hợp tác để quá trình khám diễn ra suôn sẻ.

1. Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em (MRI) là gì?

MRI là thủ thuật dùng nam chấm lớn, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô trong cơ thể. Phương pháp này được dùng để chẩn đoán các vấn đề ở nhiều vùng trên cơ thể.

Trẻ em có thể chụp MRI vì nhiều lý do: tìm các vấn đề nội tạng, xương, thương tích, nhiễm trùng, sự phát triển.

2. Cần làm gì trước khi cho trẻ chụp cộng hưởng từ?

2.1. Giúp con chuẩn bị tâm lý để không sợ hãi

Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em thường khó khăn hơn người lớn do các bé có tâm lý sợ hãi khi được đưa vào bên trong chiếc máy kín, không có sự xuất hiện của cha mẹ. Để khắc phục tình trạng này, trẻ thường sẽ được tiêm thuốc gây mê để quá trình chụp diễn ra thuận lợi.

chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

Máy MRI có không gian kín, có thể khiến trẻ em lo lắng.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể giúp con chuẩn bị tâm lý thông qua các mẹo sau đây:

– Dùng từ ngữ ngắn gọn, dễ hiểu để mô tả quá trình chụp cộng hưởng từ cho con và giải thích tại sao con cần được thăm khám. Hãy nói chuyện với con ngay trước khi con vào phòng chụp để không quên điều cha mẹ dặn.

– Nói cho con biết những gì sẽ xảy ra trong quá trình chụp. Ví dụ, bạn có thể cho con biết ai sẽ chụp, khám cho con và phòng khám trông như thế nào.

– Cho con biết con sẽ được chụp cộng hưởng từ bộ phận nào trên cơ thể.

– Nếu có thể, hãy mô tả cho con cảm giác của việc chụp cộng hưởng từ. Máy quét MRI không gây đau. Nếu con không được tiêm thuốc gây mê, con có thể cảm thấy khó chịu hoặc áp lực. Hãy trấn an con rằng sự khó chịu này sẽ không kéo dài.

– Cho con đặt câu hỏi và trả lời một cách trung thực. Con có thể cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thậm chí khó. Hãy cho con biết rằng bạn sẽ ở gần đó trong suốt quá trình con chụp cộng hưởng từ.

chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

Cho con chơi đồ chơi, đọc truyện trước khi khám cũng là cách giúp con thư giãn tâm lý.

2.2. Một vài lưu ý quan trọng

Ngừng cho con uống một số loại thuốc hoặc hoặc chất bổ sung trước ngày chụp, nếu có chỉ dẫn của bác sĩ.

Làm theo tất cả hướng dẫn của bệnh viện.

Nếu sử dụng thuốc cản quang, con cần được nhịn ăn uống vài tiếng trước khi chụp.

Tháo bỏ tất cả các vật dụng kim loại như đồ trang sức, kẹp tóc, quần áo có khóa kéo… Những thứ này có thể gây nhiễu từ trường của máy quét MRI.

Thông báo với bác sĩ, kỹ thuật viên nếu con bạn:

– Đã từng chẩn đoán hình ảnh MRI hoặc CT với thuốc cản quang.

– Dị ứng thuốc cản quang, i-ốt hoặc bất kỳ loại thuốc nào.

– Có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

– Có thiết bị kim loại được cấy ghép trong cơ thể.

3. Điều gì xảy ra khi chụp cộng hưởng từ cho trẻ em?

Buổi chụp MRI diễn ra trong khoảng 30 – 60 phút. Bạn có thể ở cùng con trong phòng chụp cộng hưởng từ nếu được bác sĩ, kỹ thuật viên cho phép.

Chụp MRI được thực hiện bởi kỹ thuật viên Xquang. Khi có vấn đề xảy ra, bác sĩ sẽ được gọi tới. Bác sĩ đó được đào tạo để sử dụng MRI hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra và điều trị cho bệnh nhân.

chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

Trẻ lớn thường dễ hợp tác hơn trong quá trình chụp.

3.1. Trong quá trình chụp

– Con nằm trên một chiếc bàn hẹp để đưa vào máy quét.

– Con cần nằm im trong khi chụp. Chuyển động sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kết quả, thậm chí sẽ phải chụp lại. Con có thể được tiêm thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch.

– Kỹ thuật viên sẽ ở ngay phòng sát bên và quan sát thông qua cửa kính. Nếu con còn thức, con có thể nói và nghe kỹ thuật viên hướng dẫn.

– Máy quét MRI tạo ra tiếng ồn lớn. Con sẽ được đeo tai nghe để bảo vệ tai khỏi tiếng ồn và nghe hướng dẫn của kỹ thuật viên. Khi không có hướng dẫn, tai nghe có thể phát nhạc.

– Thuốc cản quang có thể được dùng để cải thiện kết quả hình ảnh. Thuốc được đưa vào cơ thể thông qua đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Nếu thuốc được tiêm qua đường tĩnh mạch, trẻ có thể thấy cảm giác nóng khi tiêm và thấy có vị kim loại. Nếu dùng qua đường uống, thuốc cản quang có thể được trộn với nước trái cây để bớt mùi vị.

– Kỹ thuật viên có thể sẽ đặt một cuộn dây trên phần cơ thể được chụp. Cuộn dây gửi và nhận sóng vô tuyến và cũng giúp cải thiện kết quả hình ảnh.

3.2. Sau khi chụp

Khi quá trình chụp kết thúc, nếu con được tiêm thuốc gây mê, trẻ sẽ được theo dõi cho đến khi thuốc hết tác dụng và tỉnh lại. Nếu không dùng thuốc an thần, gây mê, trẻ có thể trở lại sinh hoạt và ăn uống ngay lập tức, trừ khi bác sĩ có thêm yêu cầu khác. Thuốc cản quang sẽ ra khỏi cơ thể trong vòng 24h. Trong thời gian này, con có thể sẽ cần phải uống nhiều nước hơn.

Bác sĩ sẽ trao đổi với phụ huynh về kết quả chụp MRI và cho biết nếu cần thêm các xét nghiệm khác.

Bên cạnh những lời khuyên trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ và kỹ thuật viên để việc chụp cộng hưởng từ cho trẻ em diễn ra thuận lợi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital