Sa tử cung là một trong những biến chứng hậu sản khiến các mẹ sau sinh phải kiêng dè. Thực tế cho thấy, phụ nữ sinh thường dễ bị sa tử cung hơn, đặc biệt là những sản phụ đã sinh nở nhiều lần. Vậy đẻ mổ có bị sa tử cung không?
Menu xem nhanh:
1. Những điều sản phụ cần biết về tình trạng sa tử cung
Sa tử cung còn được biết đến với một vài tên gọi khác như sa sinh dục, sa dạ con, sa thành âm đạo (thành tử cung tụt xuống và lọt vào ống âm đạo, thậm chí có thể thấy từ bên ngoài âm đạo). Sa tử cung là biến chứng hậu sản thường gặp ở phụ nữ sau sinh.
Tình trạng này, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này trong trường hợp nặng. Vì thế, chị em cần phát hiện và điều trị sớm, tránh để tình trạng này kéo dài gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn, ảnh hưởng đến sinh nở sau này.
1.1. Các cấp độ của tình trạng sa tử cung sau sinh
Tình trạng sa tử cung sau sinh cũng được phân ra thành các cấp độ khác nhau để sản phụ dễ theo dõi và nắm bắt tình trạng sức khỏe của bản thân.
– Sa tử cung cấp độ 1: Giai đoạn này tử cung bị sa xuống, tuy nhiên chưa lộ ra ngoài ống âm đạo. Đây được coi là mức độ nhẹ nhất và hoàn toàn có thể cải thiện nhanh chóng, phục hồi tốt nếu phát hiện.
– Sa tử cung cấp độ 2: Sa tử cung ở cấp độ này đã nghiêm trọng hơn nhiều so với cấp độ 1. Tử cung lúc này đã có thể tụt xuống cửa âm đạo, nhất là khi sản phụ phải vận động quá nhiều hoặc làm việc quá sức.
– Sa tử cung cấp độ 3: Đây là mức độ sa tử cung nghiêm trọng nhất. Toàn bộ phần tử cung đã bị tụt xuống âm đạo. Lúc này, sản phụ hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường. Phần tử cung lộ ra sẽ có màu hồng, kích thước như một quả trứng gà. Nếu sản phụ không có hướng xử lý kịp thời, tử cung rất dễ bị viêm nhiễm và không thể tự co lên được.
1.2. Những đối tượng sản phụ dễ bị sa tử cung
Bệnh sa tử cung có thể gặp ở mọi đối tượng phụ nữ nhưng với các trường hợp sau, nguy cơ sẽ cao hơn:
– Phụ nữ đã sinh nở, đặc biệt là sản phụ đẻ thường.
– Trong quá trình mang thai, thai phụ gặp tình trạng thai to, mang đa thai hoặc thời gian chuyển dạ kéo dài, tăng nguy cơ sa tử cung sau sinh.
– Sản phụ không thực hiện kiêng cữ sau sinh mà thường xuyên vận động mạnh, làm việc nặng khiến phần đáy bụng liên tục co bóp nhiều và làm cho tử cung bị tổn thương.
– Phụ nữ đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ ở tuổi trung niên.
– Phụ nữ đã trải qua quá trình mang thai, sinh nở nhiều lần và mỗi lần sinh nở đều cách nhau một khoảng thời gian ngắn.
– Bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật tử cung.
1.3. Triệu chứng cho mẹ biết bản thân bị sa tử cung
Khi bị sa tử cung ở cấp độ 1, cảm giác đau tức, nặng vùng bụng, đặc biệt tại vùng bụng dưới, là triệu chứng mà người bệnh có thể nhận thấy rõ nhất. Ngoài ra, một vài trường hợp có thể cảm thấy âm đạo bị căng phồng, đau lưng do các dây chằng treo tử cung bị căng quá mức. Tuy nhiên, khi mức độ sa tử cung nghiêm trọng hơn, tử cung bị tụt, trượt ra khỏi vị trí xa hơn, có thể khiến các cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột,… chịu áp lực, gây ra các triệu chứng vô cùng rõ rệt:
– Các triệu chứng tại âm đạo: Nhiều khí hư; âm đạo xuất huyết bất thường; nặng vùng chậu; nhìn hoặc cảm nhận thấy khối phồng ở âm đạo; cổ tử cung tụt ra ngoài lỗ âm đạo; đau nhiều tại khung chậu, lưng hoặc bụng dưới.
– Các triệu chứng đường tiết niệu: Nhiễm trùng bàng quang; đại tiện, tiểu tiện khó khăn, són tiểu, tiểu gấp.
– Triệu chứng tại đường ruột: Thường xuyên bị đầy hơi; táo bón; cần tác động xung quanh vùng đáy chậu hoặc âm đạo để đại tiện dễ dàng hơn.
– Các triệu chứng ảnh hưởng tới quan hệ tình dục: Đau, giao hợp khó khăn; giảm ham muốn.
Khi chị em đứng hoặc đi lại nhiều, các triệu chứng này có thể còn diễn biến tồi tệ hơn do trọng lực tạo thêm nhiều áp lực nặng nề lên các cơ tại vùng chậu.
1.4. Nguyên nhân khiến mẹ gặp tình trạng sa tử cung
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sa tử cung chủ yếu là do quá trình sinh nở và sau sinh, sản phụ không được chăm sóc đúng cách. Bên cạnh đó, vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến cho biến chứng hậu sản này dễ xảy ra:
– Do thai phụ gặp một vài chấn thương tại vùng chậu hoặc các mô nâng đỡ phần tử cung, tổn thương tại cổ tử cung.
– Do thai phụ vận động mạnh, lao động quá sức sau khi sinh, dây đỡ tử cung chưa phục hồi, tử cung chưa co lại và phục hồi như ban đầu.
– Do bị dị tật bẩm sinh tại tử cung.
– Do trước và trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên bị táo bón.
1.5. Sa tử cung sau sinh liệu có ảnh hưởng hay nguy hiểm không?
Tình trạng sa tử cung có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều sản phụ quan tâm. Như đã chia sẻ, nến biến chứng hậu sản này được phát hiện sớm, xử lý nhanh chóng ở các cấp độ nhẹ, hiệu quả điều trị sẽ rất cao. Tuy nhiên, vì chủ quan, rất nhiều sản phụ đã bỏ qua giai đoạn “vàng” để điều trị, từ đó có nguy cơ đối diện với nhiều biến chứng nặng nề như:
– Loét âm đạo: Tình trạng này dễ xảy ra khi tử cung sa xuống, qua âm đạo và lộ ra ngoài khá nhiều (gồm cả thân và cổ tử cung). Từ đây, một phần lớp lót âm đạo sẽ bị đẩy ra ngoài, cọ sát với quần, tiếp xúc với môi trường bên ngoài và dễ bị lở loét, nhiễm trùng.
– Một vài cơ quan vùng chậu cũng bị sa xuống: Tử cung sa xuống nhiều cũng khiến một vài cơ quan tại vùng chậu như trực tràng, bàng quang cũng bị tụt ra ngoài. Khi đó, hệ bài tiết của sản phụ sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn và đặc biệt, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu lúc này cũng rất cao.
2. Thai phụ sinh mổ có bị sa tử cung không?
Đa phần trường hợp mẹ bầu sinh thường sẽ có nguy cơ sa tử cung cao hơn sinh mổ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các mẹ đẻ mổ có thể chủ quan.
2.1. Đẻ mổ có bị sa tử cung không? Khả năng sản phụ bị sa tử cung ở trường hợp sinh thường và sinh mổ như thế nào?
Như đã biết, sa tử cung là biến chứng hậu sản do các cơ, dây chằng, các mô phụ trợ vào quá trình nâng đỡ tử cung còn yếu. Vì vậy, khả năng nâng đỡ tử cung sau cuộc sinh còn hạn chế. Tử cung vẫn cần thời gian để tiếp tục co hồi và phục hồi trạng thái hoàn toàn. Tình trạng sa tử cung hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Nếu mẹ sinh thường qua ngả âm đạo, thời gian tử cung phục hồi sẽ nhanh hơn, giai đoạn hậu sản kéo dài khoảng 6 tuần. Mặt khác, các trường hợp đẻ mổ lại cần thời gian lâu hơn để có thể dần bình phục sau cuộc sinh. Tử cung của sản phụ đẻ mổ cũng dễ bị tổn thương nhiều hơn, cần thời gian lâu hơn để phục hồi lại.
Thế nhưng, phương pháp sinh thường lại đòi hỏi tử cung co bóp nhiều hơn trong quá trình sinh. Vùng chậu, âm đạo cũng chịu áp lực nhiều hơn, dễ bị tổn thương hơn so với việc sinh mổ. Đây đều là những yếu tố dễ dẫn đến tình trạng sa tử cung. Bởi vậy, phụ nữ sinh thường dễ bị sa tử cung hơn phụ nữ sinh mổ.
2.2. Thai phụ đẻ mổ có bị sa tử cung không?
Phụ nữ sau sinh đều có thể gặp tình trạng sa tử cung. Tuy nhiên, những trường hợp sinh mổ có xác suất thấp hơn do âm đạo, vùng kín không bị tổn thương quá nhiều như sinh thường.
Tuy nhiên, chị em đẻ mổ không nên quá chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe sau sinh. Nguy cơ dây chằng co giãn mạnh khi nâng đỡ tử cung ở những trường hợp đẻ mổ là vẫn có. Hơn nữa, nếu sản phụ không chịu kiêng cữ cẩn thận, không giữ gìn sức khỏe tốt, vận động mạnh quá sớm, làm việc quá sức, có thói quen ngồi xổm hay chế độ ăn uống chưa khoa học, phù hợp, dẫn đến táo bón,… đều sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ cao mắc sa tử cung.
3. Làm thế nào để phòng và điều trị sa tử cung sau sinh
Sa tử cung sau sinh có thể điều trị được. Với những trường hợp sa tử cung cấp độ nặng, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng và nhu cầu của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị thường được ứng dụng có thể kể đến như:
– Phẫu thuật: Sản phụ có thể được cắt tử cung, loại bỏ sa cổ tử cung. Đây là giải pháp cho những trường hợp sa tử cung nặng nhất. Tùy vào nhu cầu chị em cũng như mức độ biến chứng, bác sĩ có thể tiến hành cắt toàn phần hoặc bán phần tử cung, sao cho phù hợp với tình trạng của bạn. Bên cạnh đó, nếu có biến chứng đi kèm, các phần tại âm đạo, bàng quang, trực tràng, niệu đạo đều có thể phẫu thuật cùng lúc.
– Treo tử cung: Đây là phẫu thuật thực hiện treo tử cung, phục hồi cấu trúc sàn chậu và khả năng nâng đỡ tử cung cho sản phụ. Phương pháp này có thể được thực hiện theo hướng nội soi, mổ mở thành bụng hoặc đi qua ngả âm đạo.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng sa tử cung ở mức độ nhẹ, chưa có khả năng tiến triển thành biến chứng, sản phụ không có nhu cầu cắt tử cung, bác sĩ có thể hướng dẫn lựa chọn những cách điều trị đơn giản như:
– Thực hiện bài tập hỗ trợ cơ sàn chậu Kegel.
– Đi lại nhẹ nhàng, vận động thường xuyên giúp ngăn ngừa táo bón, cải thiện tuần hoàn máu nuôi dưỡng tử cung phục hồi, đồng thời tránh áp lực lên vùng chậu.
– Cân bằng lại khẩu phần ăn. Mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là trái cây, rau xanh, chất xơ để nâng cao, hỗ trợ hệ tiêu hóa.
– Uống nhiều nước mỗi ngày.
– Giữ ấm, hạn chế ho sẽ gây áp lực lên vùng chậu và dẫn đến sa tử cung sau sinh.
– Sử dụng liệu pháp thay thế estrogen nhằm làm chậm sự thoái hóa của các cơ vùng chậu và mô liên kết hỗ trợ nâng đỡ tử cung. Sản phụ cần tái khám trong thời gian 03 – 06 tháng nếu sử dụng phương pháp này.
Trên đây là những thông tin cần thiết để trả lời cho câu hỏi: “Đẻ mổ có bị sa tử cung không?”. Từ đó, các mẹ bỉm sữa có thể chủ động hơn trong việc nắm bắt tình trạng sức khỏe hậu sản, các biến chứng dễ gặp, đồng thời thấy được tầm quan trọng của việc tái khám sau sinh. Tốt nhất, chị em nên tái khám sau 3 tuần kể từ khi sinh để đảm bảo an toàn, tránh những tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra.