Thời điểm càng gần dự kiến sinh, tình trạng mất ngủ ở phụ nữ mang thai càng xảy ra nhiều hơn. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ tháng cuối thai kỳ là gì? Vậy mất ngủ nhiều có gây nguy hiểm cho mẹ và bé hay không và làm sao để điều trị ắt hẳn là câu hỏi được rất nhiều mẹ quan tâm
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân và triệu chứng mất ngủ tháng cuối thai kỳ của mẹ bầu?
1.1 Nguyên nhân mẹ bầu mất ngủ ở tháng cuối thai kỳ là gì?
Bước vào tam cá nguyệt cuối cùng của thai kì, em bé trong bụng phát triển lớn hơn rất nhiều, kèm theo đó là hàng loạt sự thay đổi trong cơ thể mẹ. Những lí do đó đã trở thành nguyên nhân khiến bà bầu tháng thứ 9 khó ngủ.
Cụ thể có thể kể đến những nguyên nhân dưới đây:
– Những cơn nhức nhối ban đêm khiến mẹ khó chịu, khó ngủ
– Chứng chuột rút, co cứng ở mẹ
– Tình trạng mẹ bầu ngáy thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ
– Đau lưng, đau chân
– Ngứa ở một số vị trí ngứa thường gặp như bụng, bầu vú, cánh tay, đùi, mông,..
– Ợ nóng
– Những va chạm của bé khi bụng bầu ngày càng to
1.2 Triệu chứng của mẹ bầu mất ngủ ở tháng cuối thai kỳ là gì?
Khó ngủ, mất ngủ là tình trạng xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ mang thai ở tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt cuối của thai kỳ. Một số trường hợp đặc biệt có thể bị mất ngủ xuyên suốt 9 tháng thai kỳ.
Bà bầu tháng cuối bị mất ngủ có thể gặp một số các triệu chứng dưới đây:
– Khó ngủ nhất là vào ban đêm, trằn trọc
– Giấc ngủ ngắn, không sâu, chập chờn và dễ bị giật mình tỉnh giấc
– Cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi, thèm ngủ dù vừa ngủ dậy
– Ban ngày thường xuyên buồn ngủ nhưng lại khó đi vào giấc ngủ
Nhìn chung, nếu mẹ bầu bị mất ngủ sẽ rất dễ nhận biết thông qua các triệu chứng nói trên. Chị em cần ghi nhớ để nắm bắt được tình trạng sức khỏe bản thân và có phương pháp cải thiện sớm tình trạng này, tránh để ảnh hưởng đến thai nhi.
2. Mẹ bầu bị mất ngủ tháng cuối thai kỳ có nguy hiểm không?
2.1 Ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
– Thai nhi có thể bị chậm phát triển trí não và thể chất. Khi mẹ thức đêm, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất hormone thùy trước tuyến yên, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sau khi sinh ra, em bé có nguy cơ cao bị nhẹ cân hơn so với các bé cùng tuổi, chậm phát triển cả về thể chất lẫn cân nặng.
– Thiếu máu: những trường hợp mẹ thường xuyên ngủ muộn sau 23 giờ có thể khiến thai nhi bị thiếu máu. Lý do bởi thời gian tốt nhất để quá trình tạo máu cho thai nhi hoạt động tốt nhất diễn ra từ 23 giờ đến 3 giờ sáng.
– Trẻ sinh ra hay quấy khóc, thức đêm, khó chịu do ảnh hưởng từ đồng hồ sinh học của người mẹ. Kji người mẹ thức khuya có thể khiến em bé bị sinh ra cũng có thói quen “ngủ ngày cày đêm”, đặc biệt, thức đêm khiến mẹ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu thì khi em bé sinh ra cũng rất hay quấy khóc, khó dỗ dành,…
2.2 Ảnh hưởng đến mẹ bầu như thế nào?
Tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng cuối kéo dài còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với mẹ:
– Sức khỏe mẹ bị giảm sút, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo
– Mẹ rơi vào tình trạng khó sinh thường, điều này dễ hiểu bởi khi thiếu ngủ, mệt mỏi, yếu ớt sẽ khiến mẹ không đủ sức để rặn đẻ bình thường
Như vậy có thể thấy, hiện tượng mất ngủ ở bà bầu tháng cuối không chỉ khiến sức khỏe mẹ bị ảnh hưởng mà còn cản trở sự phát triển của em bé trong bụng. Do vậy, phụ nữ mang thai cần cố gắng chăm lo cho giấc ngủ của bản thân thật tốt, tránh để tình trạng mất ngủ kéo dài làm ảnh hưởng
3. Phương pháp cải thiện tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng cuối hiệu quả
3.1 Thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng, khoa học
Để giảm bớt tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng cuối thai kỳ, khi thực hiện chế độ ăn uống chúng ta cần lưu ý như sau:
– Tránh ăn quá no vào buổi tối vì đây là nguyên nhân khiến bụng ấm ách, khó chịu. Thời điểm ăn tối và thời gian lên giường đi ngủ nên cách nhau khoảng 2-3 tiếng để thực ăn được tiêu hóa.
– Các mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng, chứa nhiều gia vị để giảm bớt tình trạng trào ngược dạ dày, ợ chua, ợ hơi khiến mẹ bầu bị mất ngủ.
– Tránh ăn nhiều đồ ngọt dẫn đến tăng cân quá mức, gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
– Tránh dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích gây mất ngủ như: trà, cà phê, nước tăng lực, socola,..đặc biệt là vào buổi tối.
– Không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ vì nó sẽ khiến mẹ bầu đi tiểu đêm
– Tăng cường ăn các loại thực phẩm như: các loại rau xanh, hạt sen, ngũ cốc, sữa, khoai lang, khoai tây,…giúp mang lại giấc ngủ ngon hơn cho mẹ
3.2 Sinh hoạt khoa học
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh thì việc thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học hơn cũng có vai trò rất quan trọng giúp cải thiện tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng cuối
– Lựa chọn tư thế nằm phù hợp: mẹ bầu tháng cuối nên nằm nghiêng sang trái hay nghiêng sang phải để tránh mỏi lưng, ê người. Bên cạnh đó mẹ có thể sử dụng thêm gối, chăn kê bên dưới bụng và phía sau lưng để giảm áp lực từ tử cung.
– Lập thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý như không thức quá khuya, ngủ đủ 8 tiếng/ ngày. Mỗi buổi trưa mẹ bầu nên ngủ khoảng 30-45 phút để đủ tỉnh táo làm việc buổi chiều nhưng cũng không nên ngủ quá nhiều sẽ khiến mất ngủ vào buổi tối.
– Vận động nhẹ nhàng đều đặn hàng ngày với các bài tập như yoga, đi bộ sẽ giúp mẹ bầu cải thiện sức khỏe và tâm lý tốt hơn, giảm bớt stress, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa tình trạng chuột rút,…
– Ngâm chân hoặc massage trước khi đi ngủ giúp máu lưu thông tốt hơn, giúp mang lại giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Hi vọng, bài viết này đã giúp các mẹ bầu hiểu rõ được nguyên nhân và mức độ nguy hiểm do chứng mất ngủ tháng cuối thai kỳ gây ra. Thông qua đó, Thu Cúc TCI hy vọng các mẹ bầu sẽ luôn thực hiện lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng khoa học để phòng ngừa và cải thiện tình trạng mất ngủ trong tam cá nguyệt thứ 3. Chị em còn bất kì câu hỏi nào hãy liên hệ trực tiếp với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tâm nhất nhé !