Lợi ích của tiêm vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Tiêm vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh là vấn đề quan trọng các cặp bố mẹ cần đặc biệt quan tâm để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con yêu. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu lợi ích và lịch tiêm phòng vaxcin đúng đắn đối với trẻ sơ sinh.

1. Lợi ích của vacxin phòng lao đối với trẻ sơ sinh

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, lây lan sang xương, hệ thần kinh, tim, màng não và các cơ quan khác. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu ớt, dễ nhiễm bệnh lao và tỷ lệ tử vong cao nếu như mắc lao và không được chữa trị kịp thời.

Vacxin phòng lao, hay còn gọi là vacxin BCG (bacille Calmette-Guérin), là loại vacxin sống giảm độc lực được sử dụng để phòng ngừa bệnh lao. Trong vacxin BCG, có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm yếu đi, vi khuẩn này không gây bệnh lao cho người khỏe mạnh, mà giúp cơ thể hình thành sự bảo vệ trước bệnh này.

Vacxin phòng lao, hay còn gọi là vacxin BCG (bacille Calmette-Guérin)

Vacxin phòng lao, hay còn gọi là vacxin BCG (bacille Calmette-Guérin)

Vacxin phòng lao giúp trẻ sơ sinh phát triển hệ miễn dịch mạnh mẽ, nhanh chóng nhận diện và đánh bại vi khuẩn lao nếu tiếp xúc. Nhờ vacxin, trẻ có khả năng chống lại các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ cao lên tới 70% và các hình thái lao khác như viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, tổn thương tim, các cơ quan khác,….

Nhờ tiêm vacxin, trẻ em sẽ không bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự học hỏi và trưởng thành.

Việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ không chỉ bảo vệ riêng trẻ mà còn đóng góp vào việc bảo vệ cộng đồng xung quanh. Khi số lượng người được tiêm chủng đạt mức an toàn, sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng sẽ giảm, giúp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Vacxin phòng lao chỉ cần tiêm một mũi duy nhất đã có thể tạo ra kháng thể bảo vệ trẻ lâu dài.

2. Lịch tiêm vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh

Lịch tiêm vacxin phòng lao ở trẻ sơ sinh được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các Tổ chức y tế quốc tế. Dưới đây là lịch tiêm phòng vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh thông thường:

– Tuổi tiêm: Trẻ sơ sinh được tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày đầu sau khi chào đời.

– Liều dùng: 0,1ml/1 liều

– Đường dùng: Tiêm trong da

– Địa điểm tiêm: Tại các cơ sở y tế, phòng tiêm chủng, bệnh viện có đủ điều kiện và được quy định.

Tiêm vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh nên được thực hiện tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tiêm chủng

Tiêm vacxin phòng lao cho trẻ sơ sinh nên được thực hiện tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tiêm chủng

Lưu ý việc tiêm vacxin phòng lao BCG nên được thực hiện cho trẻ sơ sinh có đủ điều kiện sức khỏe. Trẻ sơ sinh sinh non, có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt nên đợi đến khi trẻ có tình trạng tốt hơn thì tiến hành tiêm phòng lao càng sớm càng tốt.

Một số trường hợp nên hoãn việc tiêm vacxin lao là:

– Trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp tính hoặc sốt cao, việc tiêm vacxin lao nên được hoãn cho đến khi trẻ bình phục hoàn toàn.

– Trẻ đang điều trị bằng corticoid hoặc globulin miễn dịch vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của vacxin lao. Tiêm vacxin cần hoãn cho đến khi điều trị hoàn tất.

– Trẻ có cân nặng dưới 2.000g được hoãn tiêm vacxin lao cho đến khi đạt cân nặng an toàn.

– Trẻ sinh non khi có tuổi thai nhỏ hơn 34 tuần, cần được hoãn tiêm và thực hiện tiêm phòng lao khi trẻ đủ 34 tuần tuổi tính cả tuổi thai

– Các trường hợp trẻ sơ sinh có vấn đề về sức khỏe cần được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiêm vacxin lao.

Quyết định tiêm chủng/hoãn tiêm chủng vacxin lao cần được thảo luận và đưa ra bởi các bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ sơ sinh.

3. Giải đáp những câu hỏi thường gặp khi tiêm phòng lao cho trẻ

3.1. Làm sao để đảm bảo an toàn khi tiêm vacxin lao cho trẻ?

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vacxin lao cho trẻ, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Chắc chắn trẻ không có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc nhiễm trùng nào trước khi tiêm.

– Trẻ sơ sinh nên hoãn tiêm vacxin lao nếu đang bị ốm, sốt cao hoặc nhiễm trùng cấp tính. Khi trẻ bình phục hoàn toàn và không còn triệu chứng ốm, mới nên tiêm vacxin.

– Đưa trẻ đến các cơ sở tiem chủng chính thống, được đảm bảo an toàn tiêm chủng.

– Trẻ được ăn uống bình thường trước khi tiêm và nằm chỗ thoáng sau tiêm.

– Theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau khi tiêm để phát hiện sớm bất thường.

3.2. Trẻ sơ sinh bị nổi hạch sau tiêm là điều bình thường không?

Có, trẻ sơ sinh sau khi tiêm vacxin lao có thể nổi hạch tại vùng như nách, thượng đòn, sau vai,… Hạch này thường tự thoái triển sau vài tuần mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu hạch to và có dấu hiệu viêm nhiễm, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.

3.3. Phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm phòng lao là gì?

Một số phản ứng phụ thông thường có thể gặp khi tiêm phòng lao cho trẻ bao gồm:

– Nốt đỏ và sưng nhẹ tại vị trí tiêm: Thường xuất hiện ngay sau tiêm và biến mất sau một thời gian ngắn, thường là từ 30 phút đến 1 giờ.

– Nổi hạch ở nách hoặc cổ: Hạch này thường không gây nguy hiểm và có thể tự giảm dần.

– Sốt: Một số trẻ có thể gặp sốt sau tiêm. Để giảm sốt, cha mẹ có thể dùng nước ấm lau người cho trẻ và hỏi ý kiến bác sĩ nếu sốt cao để được hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp.

Hỏi ý kiến bác sĩ lầ cần thiết nếu con gặp các phản ứng phụ sau tiêm chủng

Hỏi ý kiến bác sĩ lầ cần thiết nếu con gặp các phản ứng phụ sau tiêm chủng

– Vùng tiêm trở nên đỏ, hình thành mủ và tự vỡ ra: Điều này thường xảy ra sau 2 tuần tới 2 tháng, hoặc có thể kéo dài hơn. Sau khi lành, vết loét sẽ hình thành sẹo, hơi lõm xuống. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã tạo miễn dịch chống lại vi khuẩn lao.

Mặc dù tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vacxin là rất hiếm, nhưng cha mẹ vẫn cần chú ý và quan sát sức khỏe của trẻ sau tiêm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ hay phản ứng nặng nề, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Việc tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bố mẹ hãy đưa con đến các trung tâm tiêm chủng uy tín để được tư vấn về tiêm phòng bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital