Làm thế nào để thu thập mẫu xét nghiệm phân tại nhà?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Xét nghiệm phân tại nhà là quy trình đơn giản có thể dễ dàng tự thực hiện nhưng vẫn có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo cho kết quả chính xác. Dịch vụ này phù hợp với những người ốm yếu không thể đến bệnh viện hoặc không có thời gian.

1. Xét nghiệm phân tại nhà cho biết điều gì?

Phân là chất thải được cơ thể loại bỏ ra ngoài. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể cung cấp thông tin quý giá cho chúng ta về tình trạng cơ thể. Thông qua đó, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có gặp vấn đề ở dạ dày, ruột hoặc các bộ phận của hệ tiêu hóa hay không. 

Các tình trạng bệnh có thể nhận biết qua xét nghiệm mẫu phân tại nhà gồm:

– Dị ứng hoặc viêm trong cơ thể.

– Nhiễm trùng do một số vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào hệ tiêu hóa.

– Các vấn đề về tiêu hóa như kém hấp thu một số loại đường, chất béo hoặc chất dinh dưỡng. 

– Chảy máu trong đường tiêu hóa.

xét nghiệm phân tại nhà

Xét nghiệm phân tại nhà có thể áp dụng với mọi độ tuổi.

Lý do phổ biến nhất khi xét nghiệm phân là để xác định có vi khuẩn hay ký sinh trùng đang lây nhiễm qua đường ruột hay không. Cơ thể người tồn tại những sinh vật cực nhỏ ở đường ruột. Sự có mặt của chúng là cần thiết, giúp ích cho quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ruột bị vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có hại xâm nhập, chúng có thể gây ra các vấn đề như tiêu chảy ra máu. Lúc này, xét nghiệm phân sẽ tìm ra nguyên nhân.

Ngoài ra, xét nghiệm phân còn có thể phân tích bên trong chúng chứa gì. Ví dụ như kiểm tra hàm lượng chất béo. Thông thường, chất béo được hấp thụ hoàn toàn từ ruột. Phân hầu như không chứa chất béo. Nhưng trong một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, chất béo không được hấp thụ hoàn toàn và lẫn trong phân.

2. Những lưu ý và quy trình thực hiện

2.1. Những lưu ý khi xét nghiệm phân tại nhà

Xét nghiệm mẫu phân tại nhà mà không cần đến bệnh viện, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu sau:

  • Nên gom mẫu vào lọ nhựa sạch, khô, có nắp đậy. Đừng quá lo lắng vì khi đăng ký xét nghiệm, cơ sở y tế sẽ cung cấp cho bạn hộp đựng. Để có kết quả chính xác nhất, mẫu xét nghiệm cần được mang đến bệnh viện, phòng thì nghiệm ngay lập tức.
  • Nếu không thể gửi đến phòng thí nghiệm ngay lập tức thì mẫu phân cần được bảo quản lạnh. Sau đó đưa đến phòng thí nghiệm để được nuôi cấy càng sớm càng tốt. Khi đến phòng thí nghiệm, mẫu sẽ lập tức được nuôi cấy hoặc được bảo quản để giữ lại những vi khuẩn, ký sinh trùng.
  • Không lấy phân có chứa lẫn nước tiểu.
  • Thông thường, bác sĩ có thể xác định vi khuẩn gây bệnh ngay từ lần lấy phân đầu tiên. Nhưng trong một số trường hợp, phải lấy mẫu từ các lần đi đại tiện khác nhau. Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn nếu trường hợp này xảy ra.
xét nghiệm sức khỏe tổng quát tại nhà

Hãy nhớ đeo găng tay khi làm xét nghiệm phân tại nhà.

2.2. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm phân tại nhà

Bước 1: Cơ sở y tế sẽ cấp cho bạn một bộ dụng cụ xét nghiệm để thu thập mẫu phân. Khi đã lấy được mẫu, hãy cất ngay vào trong lọ sạch.

Bước 2: Gửi mẫu phân cần xét nghiệm đến phòng thí nghiệm.

Bước 3: Đối với dịch vụ xét nghiệm mẫu phân tại nhà, khách hàng có thể nhận kết quả thông qua hình thức gọi điện, tin nhắn.

3. Một số mẹo thu thập mẫu phân

Đối với các xét nghiệm khác, việc lấy mẫu cần được thực hiện bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế vì yêu cầu có trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên đối với hình thức xét nghiệm này, bệnh nhân có thể tự thực hiện lấy mẫu.

Việc thu thập mẫu phân có thể sẽ hơi “bừa bộn”, nên bạn nhớ đeo găng tay suốt quá trình thực hiện nhé! Sau khi hoàn tất, nhớ vệ sinh tay sạch sẽ nằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay.

Đối với trẻ nhỏ, đôi khi khó xác định thời điểm nào bé sẽ đi vệ sinh. Bạn có thể bọc túi nilon vào miệng bồn cầu để lấy mẫu sau khi con “giải quyết”.

quy trình xét nghiệm tại nhà

Đối với trẻ nhỏ, tránh lấy mẫu xét nghiệm từ bỉm vì dễ bị dính nước tiểu.

4. Khi nào cần xét nghiệm phân?

Nếu có các triệu chứng sau đây, bạn cần được xét nghiệm: bị tiêu chảy, bụng căng phình, buồn nôn, giảm cân không rõ lý do, mất nước, sốt, phân lẫn máu, phân dính mỡ hoặc chất nhầy… Bởi khi có các triệu chứng trên, có thể bạn đã bị nhiễm ký sinh tùng.

Bạn có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ:

– Chạm vào đất bị nhiễm ký sinh trùng

– Ăn thịt sống hoặc thịt nấu chưa chin, có giun.

– Bơi ở sông, hồ bị ô nhiễm

– Chạm vào đồ vật mà người có ký sinh trùng đã chạm vào.

Các triệu chứng nêu trên có thể giống với nhiều bệnh khác. Để xác định rõ có cần làm xét nghiệm phân tại nhà hay không, bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ từ cơ sở y tế đáng tin cậy!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital