Làm gì khi bị u bã đậu ở mí mắt?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

U bã đậu là loại bệnh lý ngoại khoa có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Trong đó, u bã đậu ở mí mắt là một trong những tình trạng khá thường gặp. Vậy, u bã đậu trên mí mắt có nguy hiểm không và làm sao để khắc phục? Để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay thông qua bài viết này nhé!

1. U bã đậu ở mí mắt là gì?

U bã đậu là một dạng u lành tính có cấu tạo bởi một lớp vỏ bọc bên ngoài. Bên trong là các chất bã mềm có màu vàng nhạt hoặc vàng đục. U thường xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều dầu, mồ hôi và các chất bã. VD: mặt, ngực, vai, lưng, dái tai, hay đôi khi là mắt,…

Dù thường không gây cảm giác đau đớn và không có khả năng tiến triển thành ác tính, tuy nhiên, khi kích thước u tăng dần sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Đồng thời ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ trên khuôn mặt. Trong một số trường hợp, u bị viêm có thể gây ra tấy đỏ và đau nhức.

u bã đậu ở mí mắt

U bã đậu là một dạng u lành tính, bên trong có chất bã mềm có màu vàng nhạt/vàng đục

Theo các bác sĩ chuyên khoa, u bã đậu trên mí mắt có thể hình thành do một số nguyên nhân cơ bản sau:

– Tắc ống tuyến bã: Khiến các chất bã (sáp, dầu) không được bài tiết, tích tụ dần và hình thành u.
– Da mặt nhờn và không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách hàng ngày
– Da từng bị chấn thương
– Đối tượng trẻ bước vào tuổi dậy thì
– …..

Tùy vào cơ địa mà người bị u bã đậu trên mí mắt sẽ có những triệu chứng khác nhau. Trong đó, những dấu hiệu cơ bản nhất là:

– U nổi lên giống như mụn bọc, dễ khiến nhiều người lầm tưởng là mụn, nhọt. Nếu người bệnh tự ý nặn, rạch sẽ có thể khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần không hết.
– U thường nổi trên bề mặt của da, sờ mềm, không đau và di chuyển được. Nhân bên trong có tổ chức bã trắng như bã đậu.
– Phần lớn u không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu để lâu ngày dẫn tới viêm nhiễm có thể gây ra hoại tử. Lâu dần hình thành các vết viêm loét trên mí mắt, gây cảm giác đau đớn cho người bệnh.

Vậy khi bị u bã đậu trên mí mắt, người bệnh cần làm gì? Câu trả lời sẽ có ở ngay trong nội dung dưới đây.

2. Làm gì khi mắt bị u bã đậu?

U bã đậu là dạng u lành tính, không gây ra đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, kích thước u sẽ tăng dần theo thời gian và khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Nếu để vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, mí mắt sẽ trở nên tấy đỏ và đau nhức, thậm chí dẫn đến bội nhiễm.

Mặt khác, khối u xuất hiện ở vùng mí mắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến mắt. Khối u cũng đồng thời gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt, khiến người bệnh cảm thấy tự ti khi giao tiếp.

Vậy, khi phát hiện các triệu chứng u bã đậu trên mí mắt, bạn cần làm gì?

u bã đậu ở mí mắt

Tùy vào cơ địa mà người bị u bã đậu trên mí mắt sẽ có những triệu chứng khác nhau

2.1 Thăm khám kịp thời

Mí mắt là khu vực nhạy cảm và cũng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu của u bã đậu hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở mắt, bạn nên đi khám ngay. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra và giúp bạn xác định tình trạng khối u. Từ đó có phương án điều trị sớm và phù hợp nhất.

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý điều trị hoặc nặn, rạch tại nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và có khả năng ảnh hưởng đến mắt sau này.

Theo các bác sĩ, khi mắt bị u bã đậu, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhờ đó tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí cho người bệnh.

2.2 U bã đậu có nên mổ không?

U bã đậu có trường hợp có thể tự hết, tuy nhiên rất hiếm. Người bệnh nên được thăm khám và chẩn đoán sớm để có phương án điều trị phù hợp. Tùy vào kích thước cụ thể của khối u, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. VD: Đốt điện, laser hay phẫu thuật,…

Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp hiệu quả và phổ biến nhất để điều trị u bã đậu.

Theo lời khuyên của bác sĩ, u bã đậu nên được xử lý cắt bỏ càng sớm càng tốt. Đặc biệt là khi chưa xảy ra bội nhiễm và có kích thước còn nhỏ (khoảng 1 – 2cm). Tránh để kéo dài đến khi bị nhiễm khuẩn, chảy mủ, viêm loét mới bắt đầu điều trị. Lúc này, việc điều trị vừa phức tạp, vừa tốn thời gian. Hơn thế nữa, nguy cơ để lại sẹo xấu là rất cao.

3. Phòng ngừa u bã đậu

u bã đậu ở mí mắt

Theo lời khuyên của bác sĩ, u bã đậu nên được xử lý cắt bỏ từ sớm khi chưa bội nhiễm và kích thước còn nhỏ

Nhìn chung, dù không phải là u ác tính nhưng u bã đậu trên mí mắt vẫn gây ra nhiều khó chịu khi bị bệnh. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh là biện pháp cần thiết để bảo vệ đôi mắt của bạn. Các phương pháp dưới đây không chỉ giúp bạn ngăn ngừa bệnh hiệu quả mà còn phục vụ tốt hơn trong quá trình điều trị đấy:

– Luôn chú ý giữ cho da sạch sẽ và khô thoáng
– Nếu da nhiều dầu, bạn bên lau rửa và vệ sinh sạch sẽ thường xuyên để tránh gây bít tắc da
– Tắm rửa hàng ngày để giữ cho lỗ chân lông khô thoáng và hạn chế tích tụ bã nhờn.
– Ưu tiên sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm, sữa rửa mặt có công dụng làm da khô thoáng
– Tham khảo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để ngăn chặn sự phát triển của khối u nang
– …..

Như vậy, trên đây là những chia sẻ của Thu Cúc TCI về bệnh u bã đậu ở mí mắt. Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã biết cách xử lý nếu mắt không may bị u bã đậu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận tư vấn và được giải đáp kỹ hơn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital