Khám tiền hôn nhân cho nam giới là một dịch vụ kiểm tra sức khỏe mà nhiều người vẫn còn phân vân về tính cần thiết của nó. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có hiểu rõ hơn về chủ đề này.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về khám sức khỏe tiền hôn nhân
Khám tiền hôn nhân cho nam hay nữ giới đều có thể gọi chung là khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là dịch vụ tổng hợp các kiểm tra, xét nghiệm giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và khả năng sinh sản cho các cặp đôi. Quá trình kiểm tra sức khỏe này giúp các cặp đôi có chuẩn bị tốt về sức khỏe để bước vào cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Đồng thời, các cặp đôi cũng được bác sĩ tư vấn để có đời sống sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ càng hoàn hảo hơn nếu cặp đôi chào đón những đứa con khỏe mạnh. Và việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ là cơ hội để bạn được tư vấn kiến thức về thai sản khi chuẩn bị mang thai. Quá trình thăm khám với các xét nghiệm chuyên môn còn giúp các bạn kịp thời phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm, tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý về sức khỏe sinh sản.
1.1. Khám tiền hôn nhân cho nam giới có thực sự cần thiết?
Trên thực tế, người phụ nữ thường thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân. Lý do bởi khi bước vào một cuộc hôn nhân, những người phụ nữ luôn xác định sẵn sàng tâm lý trở thành người mẹ. Do đó, họ rất chủ động trong việc tìm hiểu và tham gia các kiểm tra để đảm bảo sức khỏe cho đứa con tương lai.
Mặt khác, các danh mục khám tiền hôn nhân cho nam có thể chỉ ra những bệnh lý về sức khỏe tình dục hay khả năng sinh sản của họ. Điều này có thể khiến nam giới cảm thấy mặc cảm, xấu hổ vì họ luôn muốn thể hiện “bản lĩnh đàn ông” đối với người bạn đời.
Tuy nhiên, nếu không biết được tình trạng sức khỏe của bản thân, bạn không thể lường trước các rủi ro có thể xảy ra sau khi lập gia đình: vô sinh, mắc bệnh truyền nhiễm, con sinh ra bị dị tật… Khi đó, cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi sự ảnh hưởng từ phía gia đình, xã hội và thậm chí chính tình cảm của cả hai cũng có thể bị sứt mẻ. Vì thế, việc nam giới khám sức khỏe tiền hôn nhân hoàn toàn cần thiết và là cách thể hiện trách nhiệm với người bạn đời của mình.
1.2.Thời điểm nên thực hiện khám tiền hôn nhân cho nam?
Thực tế, không ít các cặp đôi thường chỉ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khi chuẩn bị kết hôn. Bởi đa số chúng ta sẽ ưu tiên các công việc chuẩn bị cho đám cưới nên thường không quan tâm khám sức khỏe tiền hôn nhân sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu là 3 – 6 tháng trước khi kết hôn.
Trong quá trình này, nếu phát hiện ra những bệnh lý ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng, bạn sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể đi khám tiền hôn nhân ngay cả khi chưa có ý định lập gia đình để sàng lọc các vấn đề sức khỏe sinh sản.
- Khám tiền hôn nhân là cách thể hiện trách nhiệm với người bạn đời
2. Những danh mục trong khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam?
Thông thường, một gói khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ bao gồm khám tổng quát và khám sức khỏe sinh sản.
2.1 Khám sức khỏe tổng thể
Mặc dù mục tiêu của nhiều người khi thực hiện khám tiền hôn nhân chủ yếu là kiểm tra sức khỏe sinh sản, nhưng trên thực tế thì khám sức khỏe tổng quát cũng là một hạng mục quan trọng không nên bỏ qua. Bởi nếu cơ thể gặp phải bất kỳ vấn đề hay bệnh lý nào thì đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát trong khám tiền hôn nhân sẽ có khám sức khỏe chung với các danh mục tương đồng như khi khám sức khỏe xin việc. Ngoài ra, sẽ có thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để sàng lọc bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Một số danh mục kiểm tra sức khỏe tổng thể:
- Kiểm tra sức khỏe chung: Đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, siêu âm ổ bụng, X-quang, điện tâm đồ… Bên cạnh đó, sẽ có một số xét nghiệm được chỉ định để kiểm tra đường huyết, công thức máu, phân tích nước tiểu, kiểm tra chức năng gan, thận…
- Kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: HIV, lậu, giang mai, sùi mào gà, nấm…
- Xem xét tiền sử bệnh: Các bệnh đã mắc trước đây, đã có những phẫu thuật nào, môi trường làm việc, các tai nạn, thương tích…
- Khai thác bệnh sử gia đình: Các bệnh lý mà người trong gia đình đã mắc phải và các bệnh đó có tính di truyền hay không?
- Sàng lọc di truyền: Phát hiện các gene bệnh để dự phòng bệnh lý, dị tật bẩm sinh ở trẻ. Đặc biệt, nếu trong gia đình bạn có người đã mắc những bệnh như tâm thần, dị tật, chậm phát triển, bệnh di truyền… thì nhất định phải kiểm tra gene, nhiễm sắc thể.
- Danh mục khám tổng quát đảm bảo bạn có sức khỏe thể lực tốt
2.2. Khám sức khỏe sinh sản
Đây là xét nghiệm sàng lọc trước hôn nhân quan trọng nhất mà các cặp đôi cần thực hiện. Các danh mục khám nhằm phát hiện bất thường trong cơ quan sinh sản của bạn. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết những yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân ở giai đoạn này sẽ có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Đối với nam giới, tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo…
3. Một số lưu ý khi tham gia khám tiền hôn nhân
Cũng giống như khi khám sức khỏe thông thường, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng có một số lưu ý quan trọng nhằm đảm bảo kết quả chính xác khi tham gia thăm khám.
- Nên khám vào buổi sáng và nhịn ăn tối thiểu 4 – 6 tiếng để lấy máu xét nghiệm.
- Điền đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục… theo quy định tại bệnh viện. Các dữ liệu này sẽ là cơ sở để bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản cho người khám bệnh.
- Không quan hệ tình dục trước khi khám sức khỏe ít nhất 3 ngày.
- Thẳng thắn trao đổi với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe của bản thân. Đây có thể là vấn đề khá nhạy cảm với bạn nhưng để có kết quả chính xác nhất, bạn cần thẳng thắn chia sẻ với bác sĩ.
- Trao đổi thẳng thắn các vấn đề của bản thân sẽ giúp chẩn đoán chính xác hơn
Các bệnh viện có khoa Phụ sản đều có thể tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân. Vì thế, các cặp đôi đang chuẩn bị kết hôn nên sắp xếp thời gian đi thăm khám sớm nhằm kiểm tra sức khỏe và kịp thời điều trị bệnh.