Khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm đái tháo đường

Theo báo điện tử Dantri: [Bệnh đái tháo đường đang trở thành “vấn nạn” của thời đại, với mức độ gia tăng là 200% trong 10 năm gần đây. Điều đáng lo ngại hơn khi phần lớn bệnh nhân đái tháo đường đều không biết mình có bệnh cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, xuất hiện biến chứng bệnh mắt, thần kinh, thận, bệnh mạch vành,… xem thêm].

Đái tháo đường ở Việt Nam vẫn được liệt kê vào nhóm những bệnh “giết người thầm lặng” bởi đái tháo đường có thể ủ bệnh trong cơ thể từ 5-10 năm, thậm chí 12 năm sau mới phát bệnh, và lúc này bệnh đã gây các biến chứng nguy hiểm về mắt như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc; gây suy thận; những biến chứng tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành,…Trong đó nhóm những bệnh lý tim mạchlà nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Do đó, cần phát hiện sớm đái tháo đường và kịp thời điều trị ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đái tháo đường đang trở thành “vấn nạn” của thời đại, với mức độ gia tăng là 200% trong 10 năm gần đây.

Người thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường

Phát hiện sớm đái tháo đường giúp đẩy lùi biến chứng

Biến chứng bệnh đái tháo đường là không thể tránh khỏi, tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện sớm và điềutrị thì có thể làm chậm tiến triển nguy hiểm của bệnh đồng thời hạn chế tối đa mức độ nguy hiểm của biến chứng bao gồm cả biến chứng cấp tính và mạn tính, đối với những biến chứng cấp tính như hạ hoặc tăng đường máu. Và những biến chứng mạn tính về chuyển hóa, bệnh lý về thần kinh, bệnh lý cầu thận, lở loét bàn chân, bệnh lý mạch vành,…
Các biểu hiện chung của bệnh đái tháo đường là mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên do, chán ăn, ăn không thấy ngon… dấu hiệu bệnh thường rất chung chung và khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với những dấu hiệu của sức khỏe do tác động của thời tiết. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường còn có biểu hiện mệt mỏi, ngứa, tê bì ở tay, chân, nhìn mờ, da khô,…

kham-suc-khoe-dinh-ki-de-phat-hien-som-dai-thao-duong 1

Phát hiện và điều trị sớm đái tháo đường giúp đẩy lùi biến chứng

Những người thừa cân béo phì, người hút thuốc lá, người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ đối mặt với bệnh lý này cao hơn người bình thường.
“Bố tôi mắc béo phì nhiều năm nay, tuy nhiên gia đình chỉ nghĩ do ông cụ về hưu nên ít vận động mới thành ra như vậy chứ không nghĩ ông cụ bị đái tháo đường, cho tới khi cụ bị nhồi máu cơ tim và được đưa đi cấp cứu cả gia đình tôi mới tá hỏa là bố bị đái tháo đường và biến chứng gây hẹp động mạch vành, thế mà trước giờ luôn chủ quan, không những không điều trị mà ăn uống cũng không kiêng khem, hiện tại sức khỏe của bố tôi đã khá hơn do cấp cứu kịp thời, tuy nhiên sau lần này sức khỏe của bố cũng giảm đi nhiều.” (Chị Hòa –Phủ Lý, Hà Nam chia sẻ).

Điều trị đái tháo đường như thế nào?

Điều trị đái tháo đường đòi hỏi tính kiên trì của người bệnh, đồng thời cần kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống, tập luyện hàng ngày.
– Thuốc điều trị đái tháo đường là nhóm thuốc hạ đường huyết.
– Chế độ ăn uống tốt cho người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo các yếu tố: đủ năng lượng cho mọi hoạt động; cần cân đối về thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn. Hạn chế các loại chất béo bão hòa có trong mỡ động vật và các loại chất béo đã qua chế biến, ưu tiên dùng các loại đạm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là cá. Đồng thời, cần bổ sung chất xơ có trong rau củ quả giúp làm giảm đường, làm chậm quá trình hấp thu đường, tuy nhiên, cần phải tránh các loại trái cây ngọt như nho, xoài, na, nhãn… hạn chế bia rượu bởi bia vì rượu ức chế hình thành glycogen ở gan và có thể làm hạ đường huyết, đặc biệt những bệnh nhân có biến chứng thần kinh càng không được uống rượu để tránh biến chứng này nặng hơn.

kham-suc-khoe-dinh-ki-de-phat-hien-som-dai-thao-duong 2

Điều trị đái tháo đường cần phối hợp giữa điều trị thuốc với chế độ dinh dưỡng và tập luyện

-Ngoài điều trị thuốc, chế độ dinh dưỡng thì việc tập luyện thể dục thể thao cũng rất cần thiết, luyện tập giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, giảm lượng đường trong máu, giảm trọng lượng cơ thể, do đó tập luyện thể dục sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường làm giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh.Tuy nhiên, lựa chọn thời gian mức độ tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Người bệnh đái tháo đường cần khám gì?

Người bệnh đái tháo đường cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sau:
-Xét nghiệm máu lúc đói để đánh giá chính xác nồng độ glucose trong máu giúp phát hiện rối loạn chuyển hóa glucose. Đây là xét nghiệm đảm bảo theo dõi và điều trị đái tháo đường;
-Kiểm tra chỉ số HbA1c, chỉ số này cho phép nhận định nồng độ glucose trong máu trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng trước, đánh giá hiệu quả điều trị cũng như giúp kiểm soát lượng đường.

kham-suc-khoe-dinh-ki-de-phat-hien-som-dai-thao-duong 3

Bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi sức khỏe định kỳ

-Thực hiện nghiệm pháp tăng đường huyết, đây là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nhất bạn có bị đái tháo đường hay không.
Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường cũng cần đo huyết áp, đảm bảo phát hiện và điều trị sớm bệnh huyết áp tăng hoặc rối loạn mỡ máu. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 lần người bình thường, do đó cần tầm soát sớm bệnh lý tim mạch.
Bệnh nhân đái tháo đường cần kiên trì phối hợp với bác sĩ điều trị, thực hiện khám bệnh định kỳ đảm bảo không để đường máu rơi vào vùng nguy hiểm (quá cao hoặc thấp quá).

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital