Siêu âm thai 16 tuần là mốc quan trọng trong thai kỳ, đây là thời điểm thai nhi có sự phát triển vượt trội khiến mẹ bầu vô cùng thích thú. Cũng vào giai đoạn này, cơ thể của mẹ cũng có nhiều sự thay đổi để thích ứng với sự phát triển từng ngày của thai nhi.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết khi siêu âm thai 16 tuần tuổi
1.1 Tầm quan trọng của siêu âm thai 16 tuần
Siêu âm thai ở tuần 16 là một trong những mốc khám thai định kỳ quan trọng được bác sĩ chỉ định cho các mẹ bầu, đặc biệt là những mẹ bầu có độ tuổi từ 35 trở lên hoặc những sản phụ mà ở mốc khám thai trước có dấu hiệu bất thường.
Những mẹ bầu có tiền sử bị các bệnh như: tiểu đường thai kỳ, nhiễm virus hay sử dụng insulin trong giai đoạn mang thai cũng cần đặc biệt chú ý siêu âm ở giai đoạn này nhằm đảm bảo thai kỳ phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh việc khám tổng quát cho các mẹ bầu khi siêu âm thai thì ở giai đoạn này bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm Triple test cho mẹ. Đây là một trong những xét nghiệm giúp hỗ trợ phát hiện dị tật thai nhi.
1.2 Hình ảnh của siêu âm thai 16 tuần cho biết điều gì?
– Ở giai đoạn này, thai nhi đang hình thành và phát triển với chiều cao và cân nặng vượt trội. Các bộ phận trong cơ thể của bé cũng dần trở nên hoàn thiện.
– Da của trẻ vẫn còn nhăn nheo nhưng đã bắt đầu có một lớp mỡ được hình tích tụ dưới da. Làn da của trẻ gần như trong mờ, do vậy, lúc siêu âm, bạn có thể nhìn thấy các mạch máu của trẻ dưới làn da mỏng manh đó.
– Hình ảnh siêu âm thai ở mốc 16 tuần cho thấy đầu của thai nhi vẫn chưa hoàn toàn cân đối với các bộ phận khác của cơ thể. Các bộ phận khác của cơ thể như: tay chân bé đã bắt đầu cử động, tai đã về đúng vị trí và khuôn mặt đã biết biểu cảm khác nhau.
– Mắt của bé đã có thể cử động nhẹ nhàng sang 2 bên và trở nên nhạy cảm với ánh sáng mặc dù mắt vẫn còn nhắm.
– Khi bước vào tuần 16, nụ vị giác của trẻ bắt đầu phát triển và hoạt động, trẻ có thể nếm được vị nước ối khi chúng vào miệng. Hương vị của nước ối phụ thuộc vào chế độ ăn uống của mẹ bầu, do vậy, em bé có thể bắt đầu phát triển sở thích về mùi vị khi vẫn còn ở trong bụng mẹ.
– Những cú đạp, đá vào thành bụng của mẹ có thể xuất hiện từ tuần 16 đến tuần 20 của thai kỳ. Những cú đá này thường rất nhẹ và mẹ có thể nhầm lẫn với hiện tượng khác của đường tiêu hóa hoặc khó tiêu.
– Xương nhỏ trong tai của trẻ đã bắt đầu nằm đúng chỗ do đó nó có thể giúp bé có thể cảm nhận được âm thanh và giọng nói của mẹ. Các chuyên gia đã nghiên cứu và chứng minh rằng, trẻ nghe đi nghe lại 1 bài hát khi còn bụng mẹ sẽ nhận ra giai điệu bài hát đo khi được cất lên khi trẻ chào đời.
2. Giải đáp các thắc mắc của mẹ bầu khi siêu âm thai 16 tuần
2.1 Thai 16 tuần bụng to chưa?
Bước sang tuần 16 thì mẹ bầu sẽ tăng cân so với cân nặng ban đầu khoảng từ 2,5 -3 kg. Giai đoạn này, thai nhi đã có cân nặng nhất định và phát triển lên trông thấy. Bụng của mẹ cũng phần nào lộ rõ và lớn dần hơn về phía trước. Với những mẹ bầu mang thai lần đầu tiên thì bụng mẹ sẽ nhỏ hơn với những mẹ bầu đã trải qua một lần mang thai.
2.2 Siêu âm thai 16 tuần cho biết cân nặng và nhịp tim của thai nhi
Hình ảnh siêu âm thai tuần 16 sẽ cho thấy cân nặng của bé, lúc này cân nặng của bé sẽ khoảng 100g và dài khoảng 12cm tính từ đầu đến chân. Kích thước của trẻ trong giai đoạn này tương đương một quả bơ cỡ lớn. Nhịp tim của thai nhi đập khoảng từ 150 đến 180 lần/phút và có thể bơm được khoảng 24 lít máu mỗi ngày.
3. Một số hiện tượng mẹ bầu có thể gặp phải khi mang thai tuần 16
3.1 Hiện tượng khó thở khi mang thai
Ở tuần 16, hiện tượng khó thở diễn ra thường xuyên, tuy nhiên đây là hiện tượng được xem là bình thường và rất nhiều phụ nữ mang thai tuần 16 đều sẽ trải qua.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do sự thay đổi hormone trong cơ thể của mẹ. Các hormone này kích thích vùng trung tâm hô hấp, khiến cho tần số hơi thở của mẹ đều tăng lên. Hậu quả của việc này khiến mẹ sẽ cảm thấy khó thở khi di chuyển, thậm chí là làm những việc nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, hormone thai kỳ cũng khiến các mao mạch trong cơ thể, bao gồm đường hô hấp cũng trở nên sưng phồng, giãn các cơ bắp của phổi và khí quản từ đó khiến mẹ trở nên khó thở hơn.
Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng này là do thai trở nên to hơn, tử cung sẽ đẩy mạnh vào cơ hoành và chen chỗ với phổi, do đó, phổi của mẹ sẽ khó có thể mở rộng hoàn toàn khi hít thở.
3.2 Hiện tượng đau, mỏi lưng
Hiện tượng đau mỏi lưng cũng là tác dụng phụ của hormone thai kỳ gây ra. Để giảm hiện tượng này, mẹ nên dành thời gian tập các bài tập yoga nhẹ nhàng, hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu nhằm hạn chế các cơn đau nhức xuất hiện.
3.3 Ngực bắt đầu căng và to hơn
Thời điểm này, ngực của mẹ đã tăng size và trở nên căng tròn hơn. Đây là dấu hiệu sẵn sàng cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ sau khi bé chào đời.
3.4 Tình trạng táo bón kéo dài
Táo bón là tình trạng mà các mẹ bầu rất hay gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tử cung của mẹ bắt đầu to và chèn ép lên ruột. Để cải thiện tình trạng táo bón, mẹ nên cố gắng cải thiện chế độ ăn uống, bổ sung thêm nhiều nước trái cây và hoa quả giàu chất xơ.
Việc siêu âm thai 16 tuần sẽ cho mẹ bầu biết những thông tin hữu ích về sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Do vậy, mẹ bầu hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ để được bác sĩ theo dõi, tư vấn và đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất. Chúc mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc với những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình làm mẹ của mình.