Hướng dẫn chăm sóc răng sau khi lấy cao răng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Lấy cao răng là kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ mảng bám hình thành và hóa cứng trên thân răng. Cao răng sau khi được loại bỏ sẽ giúp răng chắc khỏe hơn, ngăn ngừa các tác nhân tấn công gây ra các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu… Vậy làm cách nào để chăm sóc răng sau khi lấy cao răng đúng cách, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây.

1. Cao răng hình thành do đâu?

Cao răng, vôi răng là khái niệm dùng để chỉ những mảng bám tích tụ và bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ có trong nước bọt. Cao răng có thể là những mảnh vụn thức ăn thừa, cũng có thể là do các chất khoáng trong miệng tạo thành.

Có hai loại cao răng hình thành ở người là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường có màu trắng đục, nhạt màu còn cao răng huyết thanh thường có màu nâu đỏ do chảy máu nướu ngấm vào. Qua thời gian, cao răng trở nên cứng, bám chắc hơn vào bề mặt thân răng hoặc dưới mép lợi.

Nếu không loại bỏ kịp thời, cao răng sẽ trở thành tác nhân gây ra các bệnh lý nha khoa nguy hiểm như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng. Cao răng tích tụ lâu ngày gây tụt lợi, làm lộ chân răng, khiến răng dễ bị lung lay. Cao răng còn là một trong những nguyên do hàng đầu gây nên tình trạng hôi miệng ở nhiều người.

Cao răng là mảng bám tích tụ bị vôi hóa ở thân răng và dưới mép lợi, gây mất thẩm mỹ và khiến răng dễ mắc bệnh lý

Cao răng là mảng bám tích tụ bị vôi hóa ở thân răng và dưới mép lợi, gây mất thẩm mỹ và khiến răng dễ mắc bệnh lý

Loại bỏ cao răng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ mang lại nhiều lợi ích trong việc giúp môi trường khoang miệng trở nên lành mạnh, ngăn ngừa bệnh lý và hôi miệng do cao răng gây ra.

Theo các tổ chức về nha khoa, mỗi người cần lấy cao răng định kỳ trong khoảng từ 3-6 tháng/lần. Cần tránh để cao răng tích tụ nhiều mới tới nha khoa loại bỏ bởi cao răng chính là môi trường lý tưởng để vi khuẩn có hại phát triển. Ngoài ra, nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao để đảm bảo quá trình lấy cao răng diễn ra an toàn, nhanh chóng, hiệu quả.

2. Chăm sóc răng sau khi lấy cao răng cần lưu ý gì?

2.1. Vệ sinh răng miệng sau khi lấy cao răng đúng cách

Sau khi lấy cao răng, răng thường rất nhạy cảm nên cần xây dựng một chế độ vệ sinh răng miệng khoa học để hạn chế tối đa tổn thương cho răng và nướu. Theo các bác sĩ nha khoa, vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi lấy cao cần lưu ý tới:

– Đánh răng nhẹ nhàng, đều đặn từ 2-3 lần/ngày.

– Sử dụng bàn chải có lông chải mềm, mảnh để vệ sinh răng miệng.

– Chải răng từ trên xuống dưới hoặc theo hình tròn để làm sạch cả kẽ răng.

– Không đánh răng quá 2 phút để tránh làm mòn men răng.

– Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng, ngoài ra cũng có thể sử dụng tăm nước với chức năng tương tự như chỉ nha khoa.

– Súc miệng kỹ khi kết thúc quá trình chải răng và sau khi ăn bằng nước muối sinh lý.

Chăm sóc răng sau khi lấy cao bằng việc chải răng nhẹ nhàng với bản chải lông mềm để làm sạch răng mỗi ngày

Chăm sóc răng sau khi lấy cao bằng việc chải răng nhẹ nhàng với bản chải lông mềm để làm sạch răng mỗi ngày

Ngoài ra, sau khi vệ sinh răng miệng, bạn cùng cần làm sạch bàn chải, máy tăm nước… và để chúng ở những nơi khô ráo, sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe hàm răng. Đừng quên thay bàn chải thường xuyên hoặc ngay khi phát hiện lông bàn chải bị xơ, mòn, gây xước nướu và chảy máu chân răng.

2.2. Sinh hoạt với chế độ lành mạnh

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng, chế độ sinh hoạt hằng ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe hàm răng. Do đó, sau khi lấy cao răng, mọi người nên tuân thủ kế hoạch sinh hoạt khoa học với:

– Ăn những thực phẩm đa dạng các nhóm chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

– Tăng cường thực phẩm tươi xanh như rau củ, trái cây bởi chất xơ có khả năng củng cố sự chắc khỏe của hàm răng.

– Sử dụng sữa tươi hoặc sữa chua… để cân bằng môi trường vi sinh vật, tăng số lượng lợi khuẩn trong khoang miệng.

– Uống đủ nước, có thể uống thêm các loại nước trái cây, sinh tố trái cây để cung cấp vitamin cho cơ thể.

– Nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya hoặc vận động quá sức.

Tăng cường thực phẩm tươi xanh như rau củ, trái cây bởi chất xơ có khả năng củng cố sự chắc khỏe của hàm răng

Tăng cường thực phẩm tươi xanh như rau củ, trái cây bởi chất xơ có khả năng củng cố sự chắc khỏe của hàm răng

3. Những điều nên tránh sau khi lấy cao răng

Để răng được chắc khỏe, tránh tình trạng răng ê buốt đặc biệt là sau khi lấy cao răng thì mọi người cần lưu ý:

– Không hút thuốc lá: Thuốc lá có chứa nicotin, có thể làm răng bị ố vàng, xỉn màu và dễ bào mòn men răng.

– Hạn chế tẩy trắng răng: Men răng và nướu chưa ổn định sau khi lấy cao răng nên có thể dễ bị ê buốt, kích ứng nướu khi tẩy trắng.

– Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường vì chúng là tác nhân chính gây tình trạng sâu răng, viêm nha chu…

– Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa tính axit cao, rượu bia, đồ uống chứa cồn… để tránh làm hỏng men răng.

– Loại bỏ thói quen xấu như cắn móng tay, cắn nắp chai, nghiến răng khi ngủ để tránh làm sứt mẻ răng.

Nhìn chung, cao răng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe răng miệng và là tác nhân chính gây ra nhiều bệnh lý nên cần phải loại bỏ kịp thời. Sau khi lấy cao răng, cần chú ý tới việc vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe hàm răng, tránh gây nên cảm giác ê buốt, khó chịu. Đồng thời, khi phát hiện các biểu hiện bất thường như chảy máu chân răng, viêm lợi sau khi lấy cao, bạn nên tới ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital