Hội chứng ống cổ tay: Tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị

Hội chứng cổ tay gây ra những ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. Theo một thống kê tại Mỹ vào năm 2005 có tới 16.440 người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng từ căn bệnh này. Việc được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời hội chứng ống cổ tay là rất quan trọng.

1. Cơ chế sinh bệnh ở hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi có các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Ống cổ tay như một đường hầm nhỏ, bề rộng khoảng 2,5cm có thần kinh giữa cùng gân cơ gấp của các ngón tay đi qua.

Ống cổ tay được cấu tạo mặt nền và hai bên thành là các xương cổ tay, mái là dây chằng ngang tạo thành một cấu trúc hầu như không thể co giãn được. Vì vậy, khi có sự tăng thể tích của các gân cơ gấp (có thể bị viêm) hoặc ở các tư thế duỗi cổ tay quá mức được lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một lực chèn ép lên dây thần kinh giữa và gây tổn thương. Dây thần kinh giữa là một dây thần kinh quan trọng ở bàn tay. Khi bị tổn thương, các chức năng của dây thần kinh giữa sẽ bị hạn chế và biểu hiện ra các triệu chứng hội chứng ống cổ tay.

Cơ chế gây ra hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép và tổn thương.

2. Nguyên nhân và biểu hiện hội chứng ống cổ tay

2.1. Nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ống cổ tay

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng cổ tay, thường gặp là:

– Do vận động cổ tay nhiều, liên tục, quá độ

– Do chấn động rung do các dụng cụ cầm tay

– Bị thoát vị bao hoạt dịch khớp vùng cổ tay

– Do các tổn thương ở cổ tay như viêm – xơ hóa các dây chằng cổ tay, viêm khớp, viêm đơn dây/đa dây thần kinh, viêm dây chằng, gãy xương,…

– Do các bệnh lý đi kèm như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, béo phì, suy thận, nhiễm độc rượu thể mạn tính,…

Bên cạnh đó còn có những yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn tới hội chứng ống cổ tay gồm có:

– Tính di truyền;

– Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn gấp 3 lần so với ở nam giới;

– Mang thai: Những thay đổi về nội tiết trong thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh;

– Một số công việc phải dùng đến cổ tay liên tục, lặp đi lặp lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường như thợ thủ công, công nhân, lái xe, nhạc công,…

2.2. Biểu hiện ở người bệnh gặp hội chứng cổ tay

Hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh với những biểu hiện cụ thể sau đây:

– Cảm giác các ngón tay bị sưng phồng mơ hồ;

– Tê bì tay, bị ngứa ran, nóng rát và đau. Cảm giác này thường xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón tay giữa và 1 phần ngón áp út. Triệu chứng này đôi khi có thể lan lên cả phần cẳng tay và cánh tay;

– Ở các trường hợp bệnh nặng hơn sẽ có tình trạng tay yếu, đau cơ, bị chuột rút và có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các động tác tay bình thường hằng ngày như cầm nắm đồ vật, cài khuy quần áo, sử dụng điện thoại, đọc sách, lái xe,…

– Đánh rơi đồ vật do có cảm giác bàn tay tê liệt hoặc mất đi nhận thức về vị trí của tay trong không gian. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Triệu chứng bệnh có xu hướng tiến triển âm thầm. Lúc đầu các biểu hiện chỉ mang tính thoáng qua nên dễ khiến người bệnh bỏ qua. Vì vậy, bạn cần theo dõi và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở cổ tay để chủ động thăm khám sớm, thực hiện chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Biểu hiện hội chứng ống cổ tay

Biểu hiện bệnh là những cơn đau, tê bì ở tay và làm ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động hằng ngày.

3. Chẩn đoán xác định bệnh

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay phần lớn sẽ dựa vào khám lâm sàng. Bác sĩ có thể thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng nhằm tăng giá trị chẩn đoán như siêu âm cổ tay, chụp X quang, đo dẫn truyền điện thần kinh,…

Chẩn đoán xác định bệnh sẽ dựa trên các tiêu chuẩn bao gồm:

– Có ít nhất một trong các triệu chứng cơ năng như đau xương ống cổ tay, tê bì tay, dị cảm bàn tay, giảm hoặc bị mất cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối, yếu vùng cổ và bàn tay.

– Có ít nhất một triệu chứng thực thể dựa theo kết quả nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan dương tính.

– Có ít nhất 1 trong 2 chỉ số hiệu tiềm vận động cùng cảm giác thần kinh giữa với thần kinh trụ cao hơn so với chỉ số bình thường.

Ngoài chẩn đoán xác định bệnh, kết quả chẩn đoán còn cho biết về hội chứng cổ tay phát triển ở giai đoạn nào, tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh và loại trừ các bệnh lý khác ở cổ tay cũng gây ra những triệu chứng tương tự.

4. Chỉ định thực hiện điều trị

Dựa theo kết quả chẩn đoán, giai đoạn bệnh, nguyên nhân gây ra hội chứng cổ tay mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:

– Điều trị nội khoa bằng thuốc: Được chỉ định ở giai đoạn đầu của bệnh. Các loại thuốc được chỉ định thường là thuốc kháng viêm NSAIDs hoặc tiêm corticoid. Đồng thời thực hiện hạn chế vận động gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức để giảm áp lực bên trong ống cổ tay.

– Dùng nẹp cổ tay: Biện pháp này sẽ tránh được những cử động lặp đi lặp lại nhiều lần ở cổ tay, thường được áp dụng với những người bị hội chứng cổ tay do đặc thù công việc phải sử dụng đến tay nhiều.

Dùng nẹp khi bị hội chứng ống cổ tay

Người bệnh có thể dùng nẹp để tránh những cử động tay lặp đi lặp lại.

– Điều trị phẫu thuật: Được chỉ định ở giai đoạn nặng của bệnh, có các dấu hiệu của rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã thực hiện điều trị nội khoa nhiều tháng nhưng bệnh không được thuyên giảm.

Hội chứng cổ tay rất hay gặp trong thực tế lâm sàng nhất là ở những đối tượng có nghề nghiệp phải dùng nhiều đến hoạt động bàn tay. Nhận biết sớm các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, thực hiện chẩn đoán đúng và kịp thời điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh đối phó tốt với hội chứng này, không để bệnh làm cản trở tới cuộc sống cũng như công việc.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital