Thuật ngữ xét nghiệm âm tính và xét nghiệm dương tính có lẽ đã không quá xa lạ với người thăm khám bệnh. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu chính xác và thường có sự nhầm lẫn giữa âm tính và dương tính. Vậy thực tế, những kết quả xét nghiệm này là gì? Âm tính thì mới có bệnh hay dương tính thì mới có bệnh?
Menu xem nhanh:
1. Những vấn đề xoay quanh xét nghiệm kết quả âm tính
1.1. Xét nghiệm âm tính là gì?
Thực chất “Âm tính” là một thuật ngữ thường được sử dụng trong y khoa hiện đại, nhằm mục đích chỉ ra kết quả của một xét nghiệm nào đó mà người bệnh vừa thực hiện. Nếu xét nghiệm cho ra kết quả âm tính có nghĩa là người xét nghiệm không mắc bệnh tại thời điểm làm xét nghiệm. Ngược lại, nếu kết quả là dương tính thì khả năng mắc bệnh là rất lớn.
Ngoài ra, âm tính còn được hiểu là việc không phát hiện ra các yếu tố gây nên tình trạng bệnh. Còn dương tính là sự cảnh báo nguy cơ bị mắc bệnh, bị phơi nhiễm bệnh hoặc đã mắc bệnh.
Tuy nhiên các khái niệm trên thường được dùng để chỉ kết quả xét nghiệm mang tính chất định tính. Bởi vì trong một số trường hợp ý nghĩa âm hay dương tính còn phụ thuộc vào loại xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện. Ví dụ khi bạn thực hiện xét nghiệm xem là mình có thai hay không, nếu kết quả dương tính nghĩa là bạn đã có thai, ngoại trừ một số trường hợp ngoài ý muốn.
1.2. Làm rõ quan niệm sai lầm về xét nghiệm âm tính và dương tính
Rất nhiều người đã nhầm lẫn kết quả xét nghiệm dương tính là “tích cực”, còn kết quả âm tính là “tiêu cực”. Tuy nhiên, sự thực là hoàn toàn ngược lại. Cụ thể:
– Kết quả âm tính: là không phát hiện thấy chất gây bệnh hay yếu tố nguy cơ với thể trạng sức khỏe hiện tại của người đi thăm khám (dấu hiệu cần tìm là không có hoặc rất thấp dưới ngưỡng quy định).
– Kết quả dương tính: là có nguy cơ bị mắc bệnh, đã tiếp xúc hay bị phơi nhiễm nguồn gây bệnh trong quá khứ (tìm thấy dấu hiệu hoặc vượt quá ngưỡng đã quy định).
Ví dụ: Một người đi xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B mà nhận được kết quả là Âm tính thì người đó hoàn toàn không có bệnh, ngược lại nếu kết quả xét nghiệm Dương tính tức là người đó đã mắc bệnh. Tương tự, đối với một số bệnh khác như: tiểu đường, đau dạ dày, vô sinh, HBsAg, HIV cũng vậy. Do đó, sau khi hiểu được 2 thuật ngữ này, bạn hoàn toàn có thể tự đọc được kết quả xét nghiệm của mình.
2. Tìm hiểu về kết quả âm tính giả và dương tính giả
Khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm mới, nhất là với những xét nghiệm định tính và bán định lượng, người quản lý Phòng xét nghiệm thường sẽ quan tâm đến các chỉ số như: Độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp xét nghiệm. Trong đó, có hai khái niệm cần biết là Dương tính giả và âm tính giả.
2.1. Thế nào là âm tính giả và dương tính giả
Độ nhạy của xét nghiệm đó là tỷ lệ của những trường hợp thực sự có bệnh và có kết quả xét nghiệm là dương tính trong toàn bộ trường hợp mắc bệnh. Công thức để tính độ nhạy cụ thể như sau:
Độ nhạy = Số dương tính thật/ (số dương tính thật + số âm tính giả)
Độ đặc hiệu của xét nghiệm là tỷ lệ các trường hợp thực sự không mắc bệnh và có kết quả xét nghiệm là âm tính trong toàn bộ các trường hợp không bị bệnh. Độ đặc hiệu được tính theo công thức cụ thể như sau:
Độ đặc hiệu = Số trường hợp âm tính thật/ (số trường hợp âm tính thật + số trường hợp dương tính giả)
Khi đề cập đến độ nhạy và độ đặc hiệu thì 2 vấn đề được quan tâm đó chính là kết quả dương tính giả và âm tính giả:
– Dương tính giả là kết quả xét nghiệm Dương tính trong khi đó người đi kiểm tra thực sự không mắc bệnh.
– Âm tính giả là xét nghiệm kết quả Âm tính trong khi đó người đi kiểm tra thực sự đang mắc bệnh.
Như vậy, âm tính giả hay dương tính giả là tình trạng kết quả xét nghiệm thu được không chính xác với tình trạng bệnh của người đi thăm khám.
2.2. Làm thế nào phát hiện trường hợp dương tính giả và âm tính giả?
Trong quá trình thăm khám, một số nguyên tắc cần tuân thủ để phát hiện kết quả xét nghiệm dương tính giả hoặc âm tính giả như sau:
– Kiểm tra/đối chiếu với tiền sử bệnh lý, triệu chứng lâm sàng của người bệnh để xem có phù hợp không khi đã có kết quả xét nghiệm (bác sĩ thực hiện biện luận kết quả xét nghiệm).
– Nếu không phù hợp sẽ nhiều khả năng cho ra đó là kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.
– Khi thấy triệu chứng lâm sàng/tiền sử bệnh lý không phù hợp với kết quả xét nghiệm, bác sĩ cần phải trao đổi với khoa xét nghiệm để tiến hành kiểm tra lại kết quả, phân tích nguyên nhân và nếu cần sẽ thực hiện xét nghiệm lại. Ví dụ: Nếu không chắc chắn với kết quả xét nghiệm HIV, bác sĩ có thể chỉ định bạn kiểm tra lại sau khoảng 1-3 tháng để cho ra kết quả chính xác.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về kết quả trong xét nghiệm máu. Bạn nên lưu ý rằng, để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của mình thì cần phải tiến hành kết hợp nhiều phương pháp thăm khám với nhau, bên cạn thực hiện xét nghiệm máu. Hiện nay, tại nhiều bệnh viện uy tín đã xây dựng nên các gói khám sức khỏe và tầm soát ung thư để hỗ trợ người dân được thăm khám một cách chi tiết và toàn diện nhất. Vì vậy, hãy lựa chọn cho mình cơ sở y tế uy tín và chất lượng để thăm khám bạn nhé!