Xét nghiệm beta HCG là một trong những xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện việc mang thai cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi ở giai đoạn đầu. Cùng tìm hiểu thật kỹ về những vấn đề liên quan đến chỉ số beta HCG qua bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của xét nghiệm HCG
Xét nghiệm beta HCG là loại xét nghiệm dùng để kiểm tra nồng độ beta HCG có trong máu hoặc nước tiểu. HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là loại hormone thai kỳ, được tiết ra từ các tế bào trong bánh nhau có vai trò kích thích quá trình phát triển của thai nhi, hỗ trợ sản sinh hormone sinh dục giúp hình thành giới tính của thai nhi.
Đây là mối quan tâm đặc biệt của chị em phụ nữ và bác sĩ sản khoa. Bởi chỉ số này có vai trò chính trong việc chẩn đoán có thai sớm, nồng độ beta HCG có xu hướng tăng rất nhanh sau khi trứng thụ tinh,. Chu kỳ tăng của lượng hormone này thường tăng gấp đôi sau 2-3 ngày và đạt cực đại vào tuần thứ 8 – 10, sau đó giảm và ổn định trong suốt quá trình thai kỳ.
Như đã nói, vai trò quan trọng nhất của xét nghiệm này là xác định có thai từ rất sớm, thậm chí từ khi các chị em chưa phát hiện dấu hiệu chậm kinh. Khi nồng độ beta HCG tăng cao trên ngưỡng sinh lý bình thường, có thể kết luận rằng người phụ nữ đã có thai. Ngoài ra, xét nghiệm này còn có nhiều vai trò quan trọng khác như:
– Kiểm tra tình trạng của thai như là thai đôi, đa thai, thai ngoài tử cung,… Ở giai đoạn sớm, khi nồng độ beta HCG tăng rất cao so với độ tuổi thai thì có thể nghi ngờ đa thai. Tuy nhiên trường hợp này cần tiến hành siêu âm thêm mới có thể khẳng định chính xác.
– Dự đoán độ tuổi của thai nhi hoặc phát hiện thai lưu.
– Kiểm soát hội chứng Down của thai nhi và các bệnh lý liên quan đến tế bào nuôi ở nhau thai hoặc tử cung, buồng trứng của phụ nữ.
Ngoài ra, xét nghiệm này còn được áp dụng để kiểm tra ung thư tinh hoàn ở nam giới. Bởi vì, hormone HCG có thể tồn tại trong các khối u có nguồn gốc từ trứng, tinh trùng hoặc tế bào mầm.
2. Thực hiện xét nghiệm chỉ số beta HCG bằng cách nào?
Chỉ số beta HCG được xác định thông qua hai loại xét nghiệm:
2.1 Xét nghiệm máu
Bệnh nhân được tiến hành lấy máu để mang xét nghiệm. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể các chỉ số HCG ở giấy kết quả có ý nghĩa gì. Dựa vào chỉ số này có thể khẳng định đang có thai hay không. Cụ thể:
– Dưới 5 mIU/ml: âm tính – không có thai
– Trên 25 mIU/ml: dương tính – đã có thai.
– Nằm trong 5 – 25 mIU/ml: chưa thể kết luận có thai hay không có thai. Vì vậy, bạn cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác và theo dõi chỉ số beta HCG trong những ngày tiếp theo.
2.2 Xét nghiệm nước tiểu
Thực chất đây là xét nghiệm sử dụng que thử thai có chứa chất phản ứng với beta HCG. Mẫu nước tiểu nên được lấy vào buổi sáng để cho kết quả chính xác hơn, vì đây là thời điểm nồng độ HCG đạt mức cao nhất trong ngày.
3. Cách đọc kết quả xét nghiệm beta HCG
3.1 Chỉ số bình thường
Với nồng độ hCG trong máu:
– Nam giới và phụ nữ không mang thai: <5 mIU/ml
– Phụ nữ mang thai: 50-117,000 mIU/ml; chỉ số này sẽ thay đổi theo từng tuần mang thai.
Lưu ý: Đây là khoảng tham chiếu chỉ có giá trị tham khảo vì chỉ số này thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm.
3.2 Chỉ số cao
Phụ nữ đang có thai nếu nhận được kết quả với chỉ số beta HCG rất cao sẽ có ý nghĩa phụ nữ đang mang đa thai hoặc có dấu hiệu thai trứng, hội chứng Down,..
Đối với nam giới hoặc phụ nữ không mang thai, chỉ số beta HCG cao có thể là dấu hiệu của việc tồn tại các khối u ung thư dạ dày, gan, phổi, ruột già hoặc khối u có nguồn gốc từ tinh trùng hoặc tế bào trứng, ví dụ như u buồng trứng hoặc tinh hoàn.
3.3 Chỉ số thấp
Với những trường hợp đang mang thai, nồng độ beta HCG thấp có thể là đang mang thai ngoài tử cung hoặc thai chết lưu, một vài trường hợp có nhiều khả năng sẩy thai.
4. Một vài lưu ý khi tiến hành xét nghiệm
4.1 Thời gian xét nghiệm beta HCG
Nồng độ beta HCG có thể được thực hiện sớm nhất là sau khi quan hệ từ 7 đến 10 ngày. Lúc này, nếu thụ thai thành công thì nồng độ beta HCG tăng rất cao. Tuy nhiên,nếu muốn chắc chắn 100% thì phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm này sau khi bị chậm kinh.
Trong quá trình mang thai, có thể làm xét nghiệm này nhiều lần ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Việc này sẽ giúp mẹ kiểm soát được tình trạng thai kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ có hướng giải quyết sớm, tránh những tình huống không đáng có cho thai nhi.
4.2 Làm gì trước khi xét nghiệm
– Nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng để đảm bảo độ chính xác của kết quả. Đồng thời việc xét nghiệm này không yêu cầu bắt buộc người bệnh phải nhịn ăn sáng.
– Trước khi xét nghiệm trong vòng 12 tiếng không nên uống sữa, nước chè hoặc các loại nước có cồn, có ga. Những chất trong loại nước này sẽ có khả năng làm sai lệch chỉ số beta HCG trong máu.
4.3 Xét nghiệm beta HCG có chính xác hoàn toàn?
Theo các bác sĩ sản khoa, xét nghiệm này có độ chính xác khá cao, tỷ lệ lên đến 97%. Tuy nhiên không phải mọi xét nghiệm beta HCG đều có kết quả hoàn toàn chính xác bởi có một số yếu tố có khả năng làm ảnh hưởng kết quả xét nghiệm như:
– Xét nghiệm trong thời gian quá sớm: khi hàm lượng beta HCG còn quá ít sẽ dẫn đến kết quả âm tính giả.
– Mẫu xét nghiệm không đạt yêu cầu cũng có khả năng làm sai lệch chỉ số.
– Sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng có thể làm thay đổi hàm lượng beta HCG trong cơ thể.
Do vậy, nếu có bất kỳ nghi ngờ về kết quả xét nghiệm, bạn hoàn toàn có thể tiến hành làm xét nghiệm lại trong vài ngày tới. Đồng thời, bạn cũng có thể đề nghị siêu âm hoặc làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra sức khỏe chính xác nhất.