Tuyến cận giáp là một tuyến quan trọng ở trong cơ thể con người. Chỉ số hormone của tuyến cận giáp bị sai lệch là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh như sỏi thận, loãng xương, tăng huyết áp,… Do đó, việc thực hiện phương pháp xét nghiệm PTH đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện sự sai lệch của các chỉ số hormon ấy.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về tuyến cận giáp
Tuyến cận giáp nằm ở vị trí ngay sau tuyến giáp, với kích thước nhỏ, chỉ khoảng 6*3*2 mm. Cơ thể con người chúng ta có 4 tuyến cận giáp. Ở người trưởng thành, tuyến này gồm 2 loại là tế bào ưa oxy và tế bào chính. Tế bào chính là thành phần cấu tạo chủ yếu nên tuyến cận giáp, với chức năng chính là giúp bài tiết ra parahormon.
Hormon của tuyến cận giáp (còn gọi là PTH) có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người. Hormon này giúp điều hòa nồng độ ion Canxi và ion Phosphate ở trong huyết tương. Dưới tác dụng của hormon PTH, nồng độ ion canxi sẽ tăng lên và nồng độ ion phosphate sẽ giảm đi.
Hormon PTH tác dụng trực tiếp lên các bộ phận như xương, thận và ruột. Chúng giúp làm tăng mức giải phóng canxi từ xương vào máu bằng việc tác động trực tiếp lên sự biệt hóa và hoạt động của tế bào xương. Cùng với đó, hormon PTH sẽ làm giảm bài xuất ion calci ở thận, đồng thời tăng tái hấp thu ion calci và magie ở ống thận nhất là ở vùng ống lượn xa và ống góp.
Hormon hoạt động làm giảm sự tái hấp thu ion phosphate ở ống lượn gần và tăng đào thải chất ion phosphate ra nước tiểu. Những rối loạn thường gặp ở tuyến cận giáp đó là nhược năng tuyến cận giáp (lúc tuyến cận giáp không bài tiết đủ PTH, dẫn đến rối loạn trong cơ thể), ưu năng tuyến cận giáp.
2. Xét nghiệm kiểm tra nồng độ PTH và những điều cần biết
2.1. Xét nghiệm PTH là gì?
Hormon tuyến cận giáp PTH là loại hormon có tác dụng làm tăng nồng độ canxi máu được các tuyến cận giáp sản xuất. PTH có vai trò giúp duy trì nồng độ canxi và phospho của cơ thể.
Xét nghiệm kiểm tra nồng độ PTH là việc tiến hành đo chỉ số hormon, xác định nồng độ canxi có trong máu để giúp chẩn đoán tình trạng rối loạn của chức năng cận tuyến giáp. Loại xét nghiệm này thường được chỉ định đối với các bệnh nhân có nồng độ canxi trong máu bất thường, theo dõi tình trạng bệnh lí có thể có tác động tới nồng độ canxi trong máu như suy thận mạn tính.
2.2. Xét nghiệm kiểm tra nồng độ PTH để làm gì?
Xét nghiệm kiểm tra nồng độ PTH nhằm xác định nồng độ canxi của cơ thể, giúp phát hiện các triệu chứng như:
– Triệu chứng có quá nhiều canxi ở trong máu. Biểu hiện thường gặp là đau bụng, buồn nôn, khát, mệt mỏi.
– Triệu chứng có quá ít canxi ở trong máu. Biểu hiện thường gặp như đau bụng, chuột rút, ngứa ran ngón tay.
– Kiểm tra lượng canxi trong máu có trở lại bình thường hay chưa.
– Tìm nguyên nhân dẫn đến lượng canxi có quá nhiều hoặc quá ít ở trong máu.
Lưu ý: Nồng độ canxi trong máu quá nhiều là dấu hiệu cảnh báo tình trạng cường thân giáp, do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, sản xuất ra nhiều PTH. Cơ thể chứa quá nhiều canxi cũng có thể dẫn đến bệnh sỏi thận, rối loạn nhịp tim hoặc những bất thường khác ở não. Ngược lại, nếu lượng canxi quá ít, tuyến cận giáp hoạt động kém, sản xuất ít PTH thì có thể dẫn đến bệnh suy tuyến cận giáp. Ngoài ra, thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, co thắt cơ bắp, rối loạn nhịp tim, tetany,…
Ngoài ra, xét nghiệm kiểm tra nồng độ PTH còn có tác dụng quan trọng trong việc:
– Giúp phân biệt rối loạn của tuyến cận giáp và các rối loạn liên quan.
– Giám sát việc tiến hành điều trị các vấn đề liên quan đến tuyến cận giáp.
– Theo dõi tình trạng của các căn bệnh mạn tính.
– Xác định nguyên nhân gây nên tình trạng lượng photpho trong máu thấp.
– Xác định nguyên nhân khiến tình trạng loãng xương không đáp ứng điều trị.
– Đánh giá chức năng hoạt động của tuyến cận giáp.
2.3. Các yếu tố có thể thay đổi kết quả xét nghiệm PTH
– Khi bệnh nhân uống sữa có thể khiến việc xét nghiệm sẽ cho ra kết quả giả vàkhông được chuẩn xác. Vì vậy, trước khi xét nghiệm, bạn không nên uống sữa.
– Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có nồng độ PTH khác người bình thường.
– Người có lượng lipid máu tăng, sử dụng chất đồng vị phóng xạ cũng có ảnh hưởng ít nhiều đối với nồng độ PTH.
– Người sử dụng một số loại thuốc làm tăng nồng độ PTH và giảm nồng độ PTH.
3. Những điều cần chuẩn bị trước khi xét nghiệm PTH
– Sự chảy máu nhẹ, tụ máu dưới da, đầu lâng lâng,… là một vài rủi ro mà bạn có thể gặp khi thực hiện xét nghiệm này. Nếu gặp phải những biểu hiện trên, bạn cần thông báo cho đội ngũ nhân viên y tế để có được lời khuyên chuẩn xác.
– Bạn cần được tiến hành lấy máu để thực hiệnxét nghiệm này. Vì vậy, bạn cần nhịn ăn từ 8h đến 10h trước khi lấy máu. Đặc biệt, nồng độ PTH sẽ có sự thay đổi trong ngày và vào các thời điểm khác nhau thì nồng độ đó cũng có sự chênh lệch.
– Nếu có tiền sử về bệnh máu khó đông, tiền sử thường bị ngất xỉu hay gặp bất kì triệu chứng gì, bạn cũng cần thông báo cụ thể cho bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm. Máu khi xét nghiệm sẽ được lấy từ tĩnh mạch, ở khuỷu tay bên trong hoặc trong mu bàn tay.
Như vậy, xét nghiệm PTH nhằm xác định nồng độ canxi trong máu, là cơ sở để điều trị các bệnh liên quan đến tuyến cận giáp. Khi nhận thấy cơ thể của mình có những dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm đến một cơ sở y tế uy tín, chất lượng và thực hiện thăm khám tổng quát để có kết luận chính xác nhất.