Đầy hơi trướng bụng là tình trạng lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa. Thủ phạm có thể là do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, chẳng hạn như ăn quá nhiều chất béo, tăng đột ngột lượng chất xơ, căng thẳng hoặc hút thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các vấn đề về sức khỏe, có thể là nguyên nhân gây ra đầy hơi, trong đó thường gặp nhất là nhiễm trùng trong đường tiêu hóa hoặc hội chứng ruột kích thích. Gừng – một loại thảo dược tự nhiên có thể giúp giảm bớt đầy hơi, khó chịu. Tốt nhất người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng gừng để trị đầy hơi.
Tổng quan về gừng
Gừng là loại thực vật thân rễ có nguồn gốc nhiệt đới, được sử dụng trong ẩm thực và y dược hàng ngàn năm nay. Gừng có chứa một số thành phần hoạt tính, bao gồm các hợp chất cay như gingerols và shogaols. Trong lịch sử, gừng đã được sử dụng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như người Hy Lạp cổ đại dùng gừng để ngăn chặn các vấn đề về tiêu hóa. Gừng cũng được sử dụng để giảm bớt đầy hơi trong những ngày “đèn đỏ”.
Lợi ích của gừng
Theo James A. Duke, tác giả của cuốn sách “The Green Pharmacy Guide to Healing Foods”, gừng đặc biệt hiệu quả giúp tống hơi, giảm bớt khí. Thảo dược này làm dịu hoạt động đường ruột và thải khí từ đường tiêu hóa. Gừng cũng làm loãng máu và cải thiện lưu thông, nhờ đó tiếp tục giúp làm giảm đầy hơi. Gingerols trong gừng cũng là thuốc giảm đau hiệu quả – rất có ích với trường hợp đầy hơi kèm theo đau bụng.
Liều lượng sử dụng
Để giảm bớt đầy hơi, người lớn có thể dùng 2 – 4 gam gừng tươi hoặc 0.23 – 1 gam gừng bột hàng ngày, theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế Đại học Maryland. Đối với tinh dầu gừng, liều khuyến cáo cho người lớn là 30-90 giọt hoặc 1,5-3,0 ml mỗi ngày. Cũng có thể cho vài lát gừng tươi với trà để dễ uống hơn.
Lưu ý
Bởi vì gừng có thể làm loãng máu, do đó tuyệt đối không sử dụng nếu đang điều trị bằng các thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc aspirin nếu không có chỉ định của bác sĩ. Những người có sỏi mật cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng gừng để điều trị đầy hơi. Trong trường hợp hiếm hoi, gừng có thể gây tiêu chảy nhẹ, ợ nóng nhẹ, kích ứng miệng hoặc khó chịu dạ dày.
Với các trường hợp đầy hơi do xuất phát từ bệnh lý và đã thử áp dụng nhiều biện pháp tự nhiên tại nhà nhưng không hiệu quả, tốt nhất vẫn nên tới bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có thắc mắc cần giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 1900 55 88 92 hoặc hotline: 0936 388 288.