Trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu có rất nhiều nỗi trăn trở và băn khoăn về tình hình phát triển của con yêu trong bụng. Do đó, rất nhiều mẹ bầu nôn nóng và muốn đi siêu âm thai nhiều lần để được nhìn thấy con thường xuyên hơn. Vì vậy, vấn đề hàng đầu mà các mẹ bầu quan tâm là: “Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?”.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về phương pháp siêu âm thai nhi
Siêu âm thai nhi là phương pháp chẩn đoán y khoa dùng sóng âm để thu lại hình ảnh thai nhi, các cơ quan sinh sản nằm trong khung xương chậu của mẹ bầu và nhau thai. Đây là phương pháp kiểm tra phổ biến và được tất cả các mẹ bầu thực hiện trong thời gian mang thai.
Siêu âm thai nhi được thực hiện định kỳ theo các giai đoạn trong thai kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ với những mục đích như sau:
– Kiểm tra và xác định sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
– Xác định vị trí của thai nhi trong thai kỳ.
– Kiểm tra và phát hiện các dị tật bẩm sinh ở thai nhi (nếu có).
– Kiểm tra vị trí nằm của thai nhi là bình thường hay ngược.
2. Giải đáp thắc mắc của mẹ bầu: Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Như đã nói ở trên, siêu âm thai nhi là vô cùng phổ biến và một số mẹ bầu tò mò về tình trạng của con hoặc lo sợ xảy ra biến chứng thai kỳ nên đã lạm dụng phương pháp siêu âm một cách không khoa học. Một số mẹ bầu mới mang thai tới tuần 20 nhưng đã đi siêu âm tới 14 – 15 lần. Điều này diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam, ngay cả khi sức khỏe của hai mẹ con hoàn toàn bình thường.
Theo các chuyên gia y tế, trên thực tế chưa có một cơ sở nào chứng minh rằng, siêu âm thai gây hại cho mẹ và bé. Tuy nhiên, việc lạm dụng siêu âm thai nhiều lần và thường xuyên là không nên.
Bởi vì nó có thể gây hại có tâm lý của mẹ bầu khi phải hồi hộp kiểm tra sức khỏe nhiều lần. Đồng thời, nó còn gây lãng phí cả về tiền bạc lẫn thời gian của mẹ bầu.
Tuy nhiên, nếu thực hiện siêu âm thai ở mức độ vừa phải trong các giai đoạn thai kỳ quan trọng thì sóng âm hoàn toàn không gây hại cho mẹ và bé. Tốt hơn hết, mẹ bầu nên tuân thủ theo đúng lịch siêu âm định kỳ để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
3. Các phương pháp siêu âm thai phổ biến hiện nay
Hiện nay, các mẹ bầu có thể thực hiện những phương pháp siêu âm thai như sau:
3.1. Siêu âm 2D thường quy
Siêu âm 2D giúp bác sĩ quan sát được mức độ phản hồi của các cấu trúc thai nhi mạnh yếu khác nhau. Từ đó, các bác sĩ sẽ phân biệt được các cơ quan thận, gan, ruột và các bộ phận khác của thai nhi.
3.2. Kỹ thuật siêu âm Doppler màu
Siêu âm Doppler màu là kỹ thuật được sử dụng để phát hiện các dòng chảy và hướng dòng chảy. Do đó, đây là phương pháp siêu âm được sử dụng để khảo sát mạch máu và tim thai.
Nhờ kỹ thuật siêu âm Doppler màu, bác sĩ có thể đo lường được các thay đổi nhỏ về tần số của sóng âm trên mạch máu. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện ra một số bất thường ở thai nhi như hẹp tim thai, chậm phát triển, tiền sản giật,…
3.3. Siêu âm 3D, 4D, 5D
Với phương pháp siêu âm này, bác sĩ sẽ dùng đầu dò và phần mềm được thiết kế đặc biệt để tái tạo hình ảnh 3D, 4D, 5D của thai nhi. Độ chính xác của phương pháp này sẽ cao hơn so với siêu âm 2D và Doppler màu. Chúng giúp khảo sát được cấu trúc tim thai, gương mặt thai nhi,…
3.4. Siêu âm tim thai nhi
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng sóng siêu âm để đánh giá chức năng cũng như giải phẫu tim của thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được những dị tật bẩm sinh ở tim thai (nếu có).
3.5. Siêu âm đầu dò qua âm đạo
Đây là phương pháp dùng đầu dò qua âm đạo để thu lại hình ảnh của thai nhi. Phương pháp siêu âm này thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ để kiểm tra xem phôi thai đã vào tử cung hay chưa, cũng như có tim thai hay chưa.
Như vậy, bài viết của chúng tôi trên đây đã giải đáp thắc mắc của mẹ bầu: “Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?”. Nhìn chung, việc siêu âm thai nhi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ là rất tốt. Tuy nhiên, mẹ bầu không được lạm dụng phương pháp siêu âm thai để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.