Giải đáp: có nên nhổ răng khôn không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Vì sao khi mọc răng khôn, nhiều người thường băn khoăn có nên nhổ răng khôn không? Trên thực tế việc nhổ hay giữ chiếc răng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về giải phẫu và sự ảnh hưởng của răng tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu rõ hơn các trường hợp nên nhổ răng khôn thông qua bài viết dưới đây.

1. Quá trình mọc răng khôn và các dạng mọc răng khôn thường gặp

Đau nhức hàm do mọc răng khôn là tình trạng thường gặp khi răng khôn mọc lệch

Đau nhức hàm do mọc răng khôn là tình trạng thường gặp khi răng khôn mọc lệch

Tên gọi “khôn” của chiếc răng hàm số 8 mọc cuối cùng xuất phát từ thời điểm mà chúng mọc: mọc vào độ tuổi trưởng thành, khôn lớn của con người, đồng nghĩa với việc chúng mọc khi mà các răng còn lại gần như đã phát triển hoàn thiện. Chính bởi thế mà răng khôn mọc thường phát sinh nhiều vấn đề bất lợi cho cung hàm. Cụ thể khi mọc răng khôn, các tình huống có thể xảy ra là: răng có đủ chỗ để mọc; răng bị thiếu chỗ mọc gây nên tình trạng chen chúc, răng khôn mọc bị lợi trùm,…

Khi mọc răng khôn, phụ thuộc vào thế mọc của răng mà được phân loại thành răng khôn mọc thẳng và răng khôn mọc lệch. Trong đó răng khôn mọc lệch có nhiều loại như: răng mọc lệch trong, lệch ngoài, răng mọc ngang, mọc ngầm, răng khôn bị lợi trùm,…Việc có nên nhổ răng khôn không sẽ phụ  thuộc vào tình trạng mọc của răng, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của nó. Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn các răng khôn đều phải nhổ bỏ.

Theo các nghiên cứu đã công bố, bên cạnh yếu tố mọc muộn của răng khôn thì sự thay đổi trong ăn uống của con người cũng là một trong những nguyên nhân kích thích sự tiêu giảm phát triển của hàm, dẫn đến góp phần làm răng khôn mọc lệch. Cụ thể con người ngày càng chuộng đồ ăn mềm, ít sử dụng hàm nhai hơn,.. dẫn đến xương hàm không phát triển quá nhiều. Tuy nhiên, xu hướng này là khó tránh khỏi, dẫn đến giải pháp đưa ra sẽ tác động trực tiếp tới răng khôn khi chúng gây nên những bất lợi cho cơ thể.

2. Có nên nhổ răng khôn không?

Có nên nhổ răng khôn không còn phụ thuộc vào từng tình trạng mọc răng khôn cụ thể

Có nên nhổ răng khôn không còn phụ thuộc vào từng tình trạng mọc răng khôn cụ thể

Như đã đề cập trước đó, không phải trường hợp nào cũng cần nhổ răng khôn. Phần lớn răng mọc lệch cần được nhổ bỏ, và một số nhỏ răng khôn mọc thẳng đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc sẽ được giữ lại, cụ thể:

2.1. Các trường hợp cần nhổ bỏ răng khôn

– Răng khôn mọc lệch, mọc ngang, mọc ngầm gây nên tình trạng sưng viêm, chèn ép các răng xung quanh, đặc biệt là các răng hàm số 7, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng.

Dấu hiệu thường thấy của các dạng răng khôn mọc lệch chính là cảm giác đau nhức vùng lợi, lợi tấy đỏ. Người mọc răng sẽ không chỉ đau tại vị trí mọc răng khôn mà còn có cảm giác nhức vùng chân răng số 7. Một số trường hợp răng chưa trồi lên nhưng xuất hiện tình trạng viêm nhiễm, áp xe và sốt. Lúc này, bạn nên tới các địa chỉ nha khoa uy tín để kiểm tra và can thiệp kịp thời.

– Răng khôn thuận lợi mọc thẳng, không chèn ép các răng xung quanh nhưng lại không có răng đối khớp. Thông thường, răng ở hai hàm đều có xu hướng mọc đồng thời để có răng đối khớp tạo nên một hàm ăn nhai hoàn chỉnh. Tuy nhiên rất nhiều bạn mọc răng khôn hàm dưới rất thẳng, hoàn toàn bình thường nhưng hàm trên răng vẫn chưa mọc hoặc ngược lại. Điều này vô hình chung gây ra một lực tác động rất mạnh đến vùng lợi đối diện răng khôn, gây ra tổn thương, viêm nhiễm, viêm lợi tái phát nhiều lần.

– Răng khôn mọc thẳng nhưng có cấu trúc nhiều ổ, khe lỗ. Với cấu trúc răng phức tạp, tạo điều kiện để thức ăn tồn đọng sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Các trường hợp này bác sĩ đánh giá nhiều nguy cơ với răng miệng thì sẽ đề nghị nhổ bỏ.

– Ngoài ra, các trường hợp răng khôn mọc thẳng nhưng bị lợi trùm, răng khôn vừa mọc đã mắc bệnh răng miệng,… đều sẽ được chỉ định nhổ bỏ để an toàn cho cả hàm răng.

2.2. Các trường hợp răng khôn không cần thiết nhổ

Bên cạnh các trường hợp răng khôn nhổ bỏ nêu trên thì khoảng 20% người mọc răng khôn không cần nhổ bỏ. Đó là các trường hợp răng khôn mọc thẳng và đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Răng khôn không mắc các bệnh răng miệng khi mọc.

– Răng khôn có cấu trúc bình thường, không tạo khe kẽ dắt thức ăn.

– Răng khôn có răng đối khớp ở hàm đối diện.

Đối với các răng khôn được giữ lại, răng sẽ đảm nhiệm chức năng ăn nhai tương tự với một răng hàm hình thường, phát huy hiệu quả vai trò nghiền thức ăn.

Khách hàng nhổ răng khôn tại Khoa Răng hàm mặt - Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI

Khách hàng nhổ răng khôn tại Khoa Răng hàm mặt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI

3. Chăm sóc răng miệng sau nhổ răng khôn

Với trường hợp răng khôn không cần nhổ, bạn cần lưu ý vệ sinh răng miệng đầy đủ mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh răng miệng không chỉ cho răng khôn mà còn cho toàn hàm răng. Đối với các trường hợp răng khôn nhổ răng, thì sau khi nhổ răng cần đặc biệt lưu ý về vấn đề chăm sóc răng miệng sau đây:

– Trong 24h, tuyệt đối không được khạc nhổ, súc miệng mạnh vào vị trí vừa mới nhổ răng để huyệt ổ có thể đông máu và tạo điều kiện nhanh lành vết thương.

– Trong vài ngày đầu, các cơn đau răng sẽ xuất hiện. Nếu không sử dụng thuốc giảm đau thì bạn có thể chườm đá lạnh để giảm đau răng.

– Những ngày đầu sau nhổ răng, hãy lựa chọn các loại đồ ăn, thức uống đảm bảo lỏng, mềm, nguội, và cần tránh ăn nhai trực tiếp vào chỗ nhổ răng. Kiêng các đồ cay, nóng, rượu  bia hay các chất kích thích vì các loại thực phẩm này đều không tốt cho quá trình lành thương.

– Thực hiện vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng trong những ngày đầu, tránh chỗ nhổ răng. Sau từ 1 đến 2 tuần khi quan sát thấy lợi hồng liền lại bạn có thể duy trì đánh răng và ăn uống trở lại bình thường, vẫn cần lưu ý tránh đồ khô,dai và động tác nhai trực tiếp vào vị trí đang lành thương.

– Nếu sau nhổ răng 3 ngày mà tình trạng sưng đau vẫn không giảm, thậm chí vết sưng tấy to hơn và có thể xuất hiện mủ, cơ thể bị sốt thì cần nhanh chóng tới địa chỉ nhổ răng để thăm khám và điều trị kịp thời.

Với những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã trả lời được có nên nhổ răng khôn hay không? Do không phải ai cũng có thể tự quan sát răng khôn mọc như thế nào nên lời khuyên tốt nhất cho bạn là khi mọc răng khôn kèm theo những cơn đau nhức, hãy tới nha khoa để thăm khám. Bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp: quan sát chụp X Quang,… để chẩn đoán cho bạn có nên nhổ răng khôn không, đồng thời giúp bạn đưa ra giải pháp phù hợp để hạn chế ảnh hưởng nhất. Đặc biệt với các trường hợp chị em đang mang thai mà bị mọc răng khôn, đừng chậm trễ gặp bác sĩ để khắc phục sớm để tránh ảnh hưởng tới thai kỳ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital