Giải đáp: Chụp cộng hưởng từ có hại không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại mang tới kết quả chính xác cao. Do đó, kỹ thuật này đã và đang được ứng dụng tại nhiều bệnh viện lớn để thăm khám cho người bệnh hiện nay. Vậy chụp cộng hưởng từ có hại không và cần lư ý điều gì nếu cần thực hiện?

1. Vai trò của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật sử dụng máy cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh lát cắt của bộ phận trên cơ thể, quá đó giúp bác sĩ đánh giá bệnh lý mà không cần thực hiện can thiệp xâm lấn. Phương pháp này thường được sử dụng để theo dõi mức độ đáp ứng với việc điều trị bệnh và hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý như:

– Các bệnh liên quan tới bộ phận gan, thận, tim,…

– Bệnh lý ở tủy sống và não

– Các dị dạng trong cơ thể

– Kiểm tra khối u, nang bất thường ở trên các cơ quan khác nhau trong cơ thể

– Chẩn đoán vùng chấn thương

– Đánh giá cơn đau vùng chậu ở nữ giới

– Bệnh lý liên quan đến xương khớp như bị đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm,…

chụp MRI đóng vai trò quan trọng

Hình ảnh chụp MRI giúp bác sĩ chẩn đoán được nhiều bệnh lý

2. Làm rõ chụp cộng hưởng từ có hại không và cần lưu ý gì

2.1. Trả lời: Chụp cộng hưởng từ có hại không?

Chụp cộng hưởng từ có hại không là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi muốn thực hiện phương pháp này. Thực tế, chụp MRI là phương pháp được đánh giá tương đối an toàn, chính xác và không gây xâm lấn. Thực tế cho thấy, kỹ thuật này đang dần thay thế cho nhiều phương pháp thăm khám có sử dụng thiết bị xâm nhập cơ thể. Thông thường, chụp MRI có thể giúp phát hiện được các bất thường ẩn sau lớp xương mà không cần phải sử dụng tới tia X (như chụp X-quang hay chụp CT scan) nên không cần phải lo lắng về các tác dụng phụ.

Phương pháp chụp cộng hưởng từ cũng được chứng minh là không gây hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu vẫn cần thận trọng, chỉ nên chụp MRI khi thực sự cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ.

Tuy không gây nguy hại cho cơ thể nhưng từ trường cao của máy chụp MRI có thể gây ảnh hưởng tới thiết bị cấy ghép bằng kim loại nằm ở bên trong cơ thể. Do từ trường phát ra của máy rất mạnh vì vậy có thể phá hỏng máy khử rung hoặc máy tạo nhịp nhân tạo ở tim; di chuyển kẹp mạch máu ở não gây tình trạng xuất huyết não; di chuyển dị vật kim loại tại mắt gây tình trạng rách võng mạc và mù mắt,…

Bên cạnh đó, có một số trường hợp bệnh nhân cần tiêm thuốc tương phản lúc chụp MRI cũng có thể gặp phải triệu chứng dị ứng như: cảm thấy chóng mặt, tê rần chân tay, đau đầu, buồn nôn và nôn, nổi mẩn ngứa,… Các tác dụng phụ này thường diễn ra nhẹ và mất hẳn nếu sử dụng thuốc chống dị ứng.

chụp cộng hưởng từ có hại không

Chụp cộng hưởng từ được xem là phương pháp an toàn cho người bệnh

2.2. Một số lưu ý giúp đảm bảo an toàn khi chụp MRI

Những người được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI nên chú ý tới các vấn đề sau để giúp đảm bảo an toàn và thu được các kết quả chẩn đoán chính xác như:

– Tháo những vật dụng bằng kim loại có ở trên cơ thể như trang sức,  răng giả, đồng hồ, thẻ ATM, chìa khóa từ,…

– Phối hợp với đội ngũ nhân viên y tế sử dụng các dụng cụ chuyên dụng giúp kiểm tra dị vật, thiết bị kim loại trong cơ thể. Người có dị vật bằng kim trọng nằm trong mắt, tim, não, phổi,… thì không nên chụp MRI. Nếu có dị vật kim loại ở các vị trí khác, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để quyết định có nên tiến hành chụp MRI hay không.

– Hình xăm trên cơ thể hoặc các loại mỹ phẩm trang điểm cho môi, mắt,… có ánh kim thường chứa một ít kim loại bên trong nên vùng da tại vị trí đó có thể bị nóng lên khi chụp MRI. Các dấu hiệu này thường diễn ra nhẹ và thoáng qua. Tuy nhiên, người bệnh cũng chú ý nên hạn chế trang điểm khi chụp cộng hưởng từ.

– Nhịn đói khoảng 4 – 6 tiếng trước khi chụp MRI nếu cần kiểm tra bệnh lý trên gan, mật.

– Với trường hợp bệnh nhân cần tiêm thuốc tương phản, cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử có từng dị ứng thuốc hay không bởi thuốc có thể gây ra một số triệu chứng dị ứng.

– Các trường hợp cần tiêm thuốc tương phản vào tĩnh mạch ở vùng cổ tay/cẳng tay, bệnh nhân có thể cảm thấy hơi đắng ở lưỡi hoặc toàn thân ấm lên. Đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường và thường sẽ tự hết sau khoảng 2 đến 5 phút.

– Bệnh nhân cần nằm yên và không cử động trong quá trình chụp cộng hưởng từ.

kỹ thuật chụp cộng hưởng từ

Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi chụp MRI

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI hiện là một trong những địa chỉ y tế có thiết bị máy móc chụp cộng hưởng từ hiện đại giúp phục vụ quy trình khám chữa bệnh. Bệnh nhân thực hiện chụp MRI tại TCI sẽ được các nhân viên y tế hướng dẫn rõ ràng thao tác, quy trình chụp, vấn đề đảm bảo an toàn tốt nhất nhằm cho ra hình ảnh chẩn đoán tốt mà không gây hại tới người bệnh.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi chụp cộng hưởng từ có hại không và các vấn đề cần lưu ý nhằm đảm bảo an toàn lúc chụp. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ và lựa chọn địa chỉ y tế uy tín để thực hiện kỹ thuật này một cách an toàn và có kết quả chính xác nhất nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital