Giải đáp: Chắp mắt có tự khỏi không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Chắp mắt là tình trạng có cục u lớn nổi lên ở mi mắt. Phần lớn chắp không quá nguy hiểm, tuy nhiên lại gây ra nhiều khó chịu và mất thẩm mỹ cho người bệnh. Vậy chắp xảy ra do đâu và chắp mắt có tự khỏi không? Để giúp bạn đọc có câu trả lời, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này của Thu Cúc TCI nhé!

1. Chắp mắt là gì?

Chắp mắt xảy ra xuất phát từ việc tuyến của sụn mi bị bít tắc. Điều này khiến chất bã ứ đọng, xâm nhập vào các mô lân cận và gây ra viêm hạt mạn tính.

Người bị chắp sẽ có cục u bất thường nổi lên ở trên mí mắt. Ban đầu, kích thước của cục này thường nhỏ, mềm và hơi sưng đỏ. Sau khoảng vài ngày sẽ trở nên cứng hơn nhưng phần lớn không gây đau.

Chắp mắt có tự khỏi không

Chắp mắt xảy ra xuất phát từ việc tuyến của sụn mi bị bít tắc

Một số biểu hiện thường gặp ở mắt bị chắp có thể kể đến như:

– Sưng nhưng không đau ở vùng mí mắt trong khoảng 1 tuần (hoặc lâu hơn)
– Sưng kết mạc (lớp màng bao phủ ở bề mặt mắt và mặt trong mí mắt)
– Cộm, khó chịu ở mắt
– Nhìn mờ hoặc đôi khi hình ảnh bị méo mó
– Xuất hiện các vùng màu đỏ/xám bên trong mí mắt
– Chắp có thể xuất hiện ở cả bên ngoài và bên trong mí mắt (lật mí lên sẽ nhìn thấy)

Bất kỳ ai cũng đều có khả năng bị chắp mắt. Tuy nhiên, các trường hợp chắp thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn so với trẻ em (phần lớn là trong độ tuổi 30 – 50). Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chắp mắt: Người đã từng bị chắp hoặc lẹo trước đây; Người bị viêm bờ mi; Người gặp các vấn đề về da (mụn, viêm da,…).

2. Phân biệt chắp và lẹo

Khác với mụt lẹo (thường xuất hiện ở mép mí mắt, gây sưng đau), chắp thường nằm xa mép mí và có kích thước to hơn, đồng thời không gây ra đau đớn.

Dù vậy, đôi khi chắp vẫn bắt đầu bằng việc nổi cục trên mí giống như mụt lẹo. Nếu lẹo ở mi không lành và xẹp hẳn thì vị trí sưng có thể bị tắc và dẫn đến chắp. Vì vậy, cách điều trị chắp cũng tương tự như cách điều trị lẹo.

Phân biệt nguyên nhân:

– Lẹo mắt: Xảy ra do một loại tụ cầu hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi
– Chắp mắt: Xảy ra do có sự tắc nghẽn tuyến nhờn ở mi mắt

Phân biệt triệu chứng:

– Lẹo mắt: Giai đoạn đầu, mi mắt sẽ hơi sưng, đỏ, ngứa và đau. Bệnh nhân chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng, có cảm giác như dị vật ở trong mắt. Chỗ đau nổi lên một khối rắn to chừng hạt gạo (thường ở ngay bờ mi) và dính chặt vào da mi. Sau khoảng 3 – 4 ngày lẹo sẽ mưng mủ và vỡ ra. Đặc điểm của lẹo là rất dễ tái phát và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.
– Chắp mắt: Biểu hiện là một khối tròn nhỏ, nằm xa bờ tự do của mi hơn so với lẹo. Bệnh nhân có các triệu chứng đi kèm như sưng, đỏ, khó chịu ở mắt. Kích thước của chắp thường lớn hơn so với lẹo, tuy nhiên lại ít gây đau hơn (thậm chí không đau). Sau vài ngày, khối tròn sẽ xẹp xuống và hình thành một khối màu đỏ – xám dưới kết mạc.

chắp mắt có tự khỏi không

Chắp thường nằm xa mép mí và có kích thước to hơn mụt lẹo

3. Chắp mắt có tự khỏi không?

Phần lớn các trường hợp chắp mắt thường sưng trong khoảng 2 – 8 tuần, sau đó có thể tự khỏi. Rất ít các trường hợp chắp kéo dài lâu hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình bệnh nhanh lành, người bệnh có thể áp dụng đồng thời nhiều phương pháp điều trị khác nhau.

Cách điều trị phù hợp sẽ cần phụ thuộc vào độ nghiêm trọng và mức độ tổn thương của mắt. Trong đó, một số phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

– Chườm nóng: Dùng khăn mềm, sạch hoặc bông dùng một lần ngâm trong nước ấm, sau đó đặt lên mi mắt trong khoảng 10 phút. Mỗi ngày thực hiện 3 – 5 lần sẽ giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn tuyến dầu, cải thiện chắp mắt một cách đáng kể.
– Dùng thuốc: Người bệnh có thể dùng thuốc (dạng nhỏ/dạng tra mỡ/dạng uống) để làm giảm viêm, giảm sưng ở mắt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định và liều lượng mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không lạm dụng hoặc sử dụng một cách bừa bãi để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm steroid vào chỗ sưng để cải thiện tình trạng cho người bệnh.
– Chích, nạo: Nếu vị trí sưng kéo dài hơn 2 – 8 tuần mà không tan, người bệnh nên tới khám tại các cơ sở y tế. Tùy theo tình trạng, bác sĩ có thể sẽ can thiệp và chích nạo thật sạch tại vị trí chắp. Từ đó làm sạch các chất nhầy, mủ ở bên trong, giúp cải thiện tình trạng viêm cho người bệnh. Đồng thời tránh trường hợp bệnh tái phát nhiều lần.

Ngoài ra, trong thời gian điều trị mắt bị chắp, người bệnh nên chú ý:

– Không trang điểm (đặc biệt là phần mí mắt) cho đến khi chắp khỏi hẳn
– Hạn chế việc đưa tay lên mắt (nếu cần, hãy rửa tay thật sạch trước khi chạm tay vào mắt)
– Tuyệt đối không tự ý nặn chắp tại nhà nếu không muốn xảy ra biến chứng
– Không dùng chung vật dụng cá nhân (đặc biệt là khăn mặt) với người khác
– Chỉ sử dụng các loại thuốc đảm bảo và còn hạn sử dụng, không dùng thuốc đã mở nắp lâu ngày.
– …..

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp bị chắp mắt rất hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu người bệnh chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một khi các cục u này bị nhiễm trùng có thể lây lan ra các khu vực xung quanh. Khiến mắt cảm thấy đau nhức dữ dội và dẫn đến sốt. Trong trường hợp này, người bệnh nên đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

chắp mắt có tự khỏi không

Phần lớn các trường hợp bị chắp mắt thường sẽ tự khỏi nếu người bệnh biết điều trị đúng cách

Như vậy, trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi “Chắp mắt có tự khỏi không?” mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin cần thiết mà bạn đang tìm kiếm. Để được tư vấn kỹ hơn các vấn đề liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital