Tình trạng giác mạc khô là hệ quả của sự rối loạn màng phim nước mắt vốn được cấu tạo từ 3 lớp mỡ, nước và nhầy. Bệnh lý này khá phổ biến trong xã hội ngày nay, đặc biệt ở đối tượng dân văn phòng thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít người mắc bệnh mà hoàn toàn không nhận thức được tình trạng của bản thân cũng như thông tin về bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lý khô giác mạc
1.1. Định nghĩa
Trong cấu tạo mắt có tuyến lệ là nơi sản xuất nước mắt giúp bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Mắt có cơ chế tự nháy thường xuyên và với mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu giúp bôi trơn bề mặt, giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi dị vật và giữ bề mặt giác mạc, kết mạc sạch sẽ. Tình trạng giác mạc khô hay còn gọi là bệnh khô mắt là hậu quả của sự mất cân bằng lượng nước mắt bao gồm:
– Lượng nước mắt được tiết ra không đủ.
Lượng nước mắt tiết ra từ tuyến lệ sẽ giảm theo độ tuổi, các bệnh về mắt hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra trong điều kiện khí hậu hanh khô cũng làm nước mắt bốc hơi nhanh, dẫn đến khô mắt.
– Chất lượng nước mắt kém.
Màng phim nước mắt vốn được cấu tạo từ 3 lớp mỡ, nước và nhầy. Trong đó, mỗi lớp đảm nhiệm một chức năng bảo vệ, nuôi dưỡng bề mặt giác mạc như lớp mỡ phẳng giúp hạn chế sự bốc hơi của nước và lớp nhầy dàn phẳng nước mắt trên bề mặt. Do đó, nếu nước mắt bốc hơi quá nhanh hay không được dàn phẳng sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt.
Nhìn chung, bệnh lý khô mắt không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây ra triệu chứng mắt mỏi, đỏ rát, chảy nhiều ghèn trắng ở hốc mắt làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu để lâu không chữa trị, bệnh có thể chuyển sang mạn tính và dần gây suy giảm thị lực.
1.2. Nguyên nhân
Một số yếu tố dẫn đến tình trạng khô mắt có thể kể đến như:
– Độ tuổi: Tình trạng khô mắt là một phần của quá trình lão hóa, phần lớn những người sau 65 tuổi sẽ nhận thấy sự xuất hiện của một vài triệu chứng bệnh.
– Giới tính: Nữ giới dễ bị khô mắt hơn nam giới do thay đổi hormone hậu mang thai, ảnh hưởng của thuốc tránh thai và thời kì mãn kinh.
– Một số loại thuốc: Thuốc kháng histamine, thuốc chống tăng huyết áp, chống viêm và giảm đau có thể làm giảm số lượng nước mắt.
– Một số bệnh lý toàn thân hoặc bệnh về mắt: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, tuyến giáp, đái tháo đường, viêm nhiễm mi mắt,… có nguy cơ xuất hiện tình trạng khô mắt.
– Môi trường sống: Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, máy tính, gió trời hoặc thời tiết hanh khô khiến nước mắt bốc hơi nhanh.
– Yếu tố khác: Bao gồm sử dụng kính trong thời gian dài hoặc thực hiện phẫu thuật tại mắt.
1.3. Dấu hiệu nhận biết
Một số dấu hiệu thường thấy của bệnh lý khô mắt bao gồm:
– Nhìn mờ sau khi chớp mắt.
– Mắt bỏng rát, khô, mỏi, cộm.
– Chảy nước mắt thường xuyên.
– Ra ghèn trắng ở hốc mắt.
– Kết mạc khô và mắt bóng với nhiều nếp gấp ở khô mắt giảm tiết.
– Nước mắt kết thành bọt bám vào mi ở khô mắt bay hơi.
Các triệu chứng trên có thể thuyên giảm trong môi trường có độ ẩm cao. Tình trạng khô mắt lâu ngày không can thiệp điều trị có thể dẫn tới biến chứng gồm suy giảm thị lực nặng, nhiễm trùng, sẹo và thủng giác mạc.
2. Giác mạc khô: Cách đề phòng và chẩn đoán bệnh
2.1. Phòng ngừa giác mạc khô
Để đề phòng và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý trên, bạn cần lưu ý:
– Chớp mắt thường xuyên khi đọc sách hay sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài. Hãy tập cho bản thân thói quen chớp mắt chậm và đều (khoảng 12 đến 18 lần mỗi phút) để nước mắt dàn đều, làm ẩm giác mạc.
– Khi sử dụng máy tính cần để mắt cao hơn trung tâm màn hình 10 – 20cm, khoảng cách tối thiểu giữa mắt và màn hình khoảng 50cm.
– Ghi nhớ quy tắc 20 – 20 – 20: Theo quy tắc này, cứ mỗi 20 phút làm việc liên tục với máy tính hãy để mắt nghỉ 20 giây và nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).
– Tăng độ ẩm không khí ở môi trường xung quanh.
– Hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, gió hoặc ánh sáng gắt. Khi ra ngoài hãy sử dụng kính bảo hộ mắt khỏi các tác nhân xấu ngoài môi trường và tránh để gió quạt, máy sấy, điều hòa,… phả trực tiếp vào mắt.
– Không thức khuya, hãy ngủ đủ 8 tiếng và uống đủ 2 lít nước một ngày để mắt luôn trong trạng thái tốt nhất.
– Sử dụng nước mắt nhân tạo và tăng cường hấp thụ các vitamin tự nhiên từ hoa quả để giảm thiểu triệu chứng khô mắt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn chính xác nhất.
– Thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để phát hiện sớm những bất thường và kịp thời điều trị.
2.2. Các phương pháp chẩn đoán giác mạc khô
Để chẩn đoán tình trạng khô giác mạc cần phải dựa vào kết quả khám mắt toàn diện cùng các xét nghiệm xác định số lượng và chất lượng màng phim nước mắt gồm:
– Kiểm tra bệnh sử của người bệnh về các triệu chứng gặp phải, các bệnh lý liên quan, quá trình sử dụng thuốc đặc biệt là các loại thuốc nhỏ mắt trước đây cũng như các yếu tố bên lề như môi trường sống, thói quen sinh hoạt.
– Kiểm tra ngoài nhãn cầu phát hiện các bất thường khi mi mắt hoạt động như mi lật ra ngoài, mi hở khi nhắm mắt và tần số chớp mắt.
– Sử dụng kính hiển vi và đèn khe chuyên dụng với độ phóng 10 – 16 lần để đánh giá tổn thương của mi mắt và kết giác mạc.
– Thực hiện các phương pháp kiểm tra được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa mắt để đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt, xác định tình trạng khô mắt cũng như đưa ra lời khuyên và phác đồ điều trị.
Nhìn chung, tình trạng khô giác mạc hay khô mắt là bệnh lý khá phổ biến hiện nay và thường không quá nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được thăm khám và chữa trị.
Trên đây là những thông tin chung về tình trạng giác mạc khô như yếu tố gây bệnh, dấu hiệu nhận biết, cùng biện pháp đề phòng và chẩn đoán bệnh. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhanh nhất.