Gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không, những lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Xuân Thành

Bác sĩ Nội Khoa

Đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ, chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng. Có nhiều ý kiến cho rằng bị gan nhiễm mỡ thì không nên ăn trứng. Điều này có đúng? Bị bệnh gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không và ăn bao nhiêu là đủ, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ

Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng như tiêu hóa, lọc máu thải độc tố, chuyển hóa, đồng thời dự trữ máu và các chất dinh dưỡng cần thiết. Thông thường mỡ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng gan. Khi tỷ lệ này từ 5% trở lên có nghĩa bạn đã mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Bệnh này khiến cho khả năng thải độc của gan suy giảm, các chất độc tích tụ gây hại cho gan. Điều này cũng tạo cơ hội cho các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể, làm ảnh hưởng tới gan cùng các bộ phận khác trong cơ thể. Áp lực lên gan quá lớn có thể khiến gan suy kiệt và dẫn đến tử vong.

Khi lượng mỡ trong cơ thể vượt quá 30%, nguy cơ mắc xơ gan của người bệnh là rất cao, đặc biệt nếu vẫn tiếp tục sử dụng rượu bia, chất kích thích, thực phẩm có hại và không tập luyện giảm cân, giảm mỡ. Thậm chí gan nhiễm mỡ có thể tiến tiến triển thành ung thư gan gây nguy hiểm và tử vong nhanh chóng.

Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể được cải thiện bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Việc này giúp hạn chế tối đa khả năng xảy ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh lý gan mật đặc trưng bởi tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều trong gan.

2. Giải đáp: Gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không?

2.1 Tìm hiểu thành phần dinh dưỡng trong trứng để biết người bị gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không?

Trứng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Có thể kể đến như trứng luộc, trứng rán, bánh bông lan, cà phê trứng, trà sữa kem trứng,…

Thành phần dinh dưỡng trung bình trong 1 quả trứng lớn thường gồm:

– Calo: 72

– Tổng chất béo: 4,8 g (gồm 1,6 g bão hòa, 1 g không bão hòa đa, 1,8 g không bão hòa đơn)

– Carbohydrate: 4 g

– Chất đạm: 6,3 g

– Natri: 71 mg

– Kali: 69 mg

– Cholesterol: 186 mg

– Vitamin A: 160mcg 5,4% giá trị hàng ngày (DV)

– Canxi: 24,1mg, 2,2% DV

– Sắt: 4,9% DV

Một quả trứng bao gồm lòng đỏ và lòng trắng với những thành phần dinh dưỡng khác nhau:

+ Lòng đỏ: Cung cấp khoảng 55 calo, ít protein, giàu các vitamin A, B6, B12 và D, kẽm, canxi, folate và omega-3, cholesterol, axit béo thiết yếu…

+ Lòng trắng: Cung cấp khoảng 17 calo, không chứa chất béo, cung cấp canxi, chất đạm, axit amin, niacin, kali, riboflavin, magie tốt cho sức khỏe tổng thể.

Trứng gà là nguồn cung cấp protein có giá trị cao. Cụ thể chúng cung cấp những acid amin thiết yếu, nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe (bao gồm chất béo không bão hòa đơn và đa), các khoáng chất (sắt, phốt pho, magie,…) và các vitamin (B12, acid folic, D,…). Ngoài ra loại trứng này cũng chứa ít calo, rất thích hợp cho vào chế độ ăn kiêng ít béo và giàu protein.

2.2 Người bị gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không?

Ở người bình thường, ăn trứng với lượng vừa phải và tần suất hợp lý sẽ cung cấp nhiều dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể. Đặc biệt, chất béo Lecithin có trong trứng tham gia vào thành phần các tế bào và dịch thể ở não, giúp dung hòa và ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách, đào thải.

Nhiều người lo ngại rằng hàm lượng cholesterol, đạm và lipid cao trong trứng có thể làm bệnh gan nhiễm mỡ thêm trầm trọng nên hạn chế ăn trứng tối đa. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy không phải thực phẩm nào giàu cholesterol cũng làm tăng cholesterol trong máu. Thêm vào đó, cơ thể có cơ chế cân bằng. Cụ thể gan tạo ra cholesterol mỗi ngày. Khi bạn nạp cholesterol thông qua ăn uống, gan sẽ tự động sản xuất ít cholesterol hơn để cân bằng.

Thực tế có đến 70% số người ăn trứng mỗi ngày mà không bị tăng cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol. Khoảng 30% còn lại có tăng nhưng không đáng kể.

Vì vậy, người bệnh gan nhiễm mỡ không cần kiêng trứng hoàn toàn. Tuy nhiên việc ăn trứng quá nhiều và liên tục cũng có thể làm tăng lượng đạm và lipid trong gan. Điều này làm tăng gánh nặng, khiến gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, người bệnh nên ăn với tần suất và số lượng phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ để bảo vệ gan.

Bị gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng không?

Người bị gan nhiễm mỡ không cần kiêng trứng hoàn toàn nhưng nên ăn ở mức đô vừa phải

2.3 Nên ăn trứng với lượng bao nhiêu để kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ?

Theo các chuyên gia, những bệnh nhân gặp các vấn đề về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ hay men gan cao không nên ăn trứng thường xuyên. Chỉ nên ăn trung bình 1-3 quả trứng/tuần. Nên ăn trứng luộc thay vì ăn trứng chiên hay rán. Đặc biệt không nên ăn trứng sống hoặc chưa nấu chín để tránh nguy cơ mắc bệnh hoặc nhiễm trùng do thực phẩm.

Nếu bị gan nhiễm mỡ và men gan cao song song, đặc biệt là những người bị gan nhiễm mỡ độ 3 thì tốt nhất nên lựa chọn các nguồn đạm lành mạnh hơn. Ngoài ra, nên cân đối việc ăn trứng với các thực phẩm giàu cholesterol khác và kết hợp tập luyện.

3. Người bị gan nhiễm mỡ cần chú ý kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc ăn một lượng trứng vừa phải, người mắc bệnh gan nhiễm mỡ cần lưu ý một số điều sau để kiểm soát bệnh tốt hơn:

3.1 Giảm tiêu thụ mỡ động vật và chất béo

Chất béo và mỡ động vật được bài tiết ra ngoài ở gan. Việc sử dụng quá nhiều những chất này sẽ tạo áp lực cho hoạt động của gan, gây tích tụ mỡ tại đây và sinh ra gan nhiễm mỡ.

3.2 Thịt đỏ

Thịt đỏ là thực phẩm chứa rất nhiều protein. Ăn quá nhiều thịt đỏ cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, tạo mỡ thừa và khiến bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng trầm trọng. Vì vậy, người mắc gan nhiễm mỡ cần chú ý ăn ít loại thịt này.

Những thực phẩm người bệnh gan nhiễm mỡ nên kiêng

Nếu bị gan nhiễm mỡ và đang điều trị, bạn nên tránh ăn thịt đỏ, nội tạng động vật

3.3 Nội tạng động vật

Nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol có thể gây tích tụ mỡ trong gan và suy giảm chức năng gan.

3.4 Trái cây chứa hàm lượng đường cao

Trái cây là thực phẩm được khuyến cáo bổ sung cho người bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên tiêu thụ các loại trái cây chứa hàm lượng đường cao sẽ gây ra rất nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì và làm trầm trọng hơn tình trạng gan nhiễm mỡ,… Bởi vậy, nên hạn chế các loại trái cây này để giảm gánh nặng cho gan và kiểm soát bệnh.

3.5 Gia vị cay nóng

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế sử dụng các gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hồ tiêu, gừng,… Những loại thực phẩm này khiến gan suy giảm chức năng, không thể bài tiết chất béo, khiến bệnh ngày càng nặng.

3.6 Đồ uống có cồn

Việc phải đào thải chất độc có trong các loại đồ uống có cồn sẽ gây quá tải cho gan, khiến gan thêm tổn thương, khó phục hồi. Để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt, người bệnh nên dừng sử dụng các loại đồ uống này.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “gan nhiễm mỡ có nên ăn trứng?” và ăn bao nhiêu là đủ. Khi phát hiện mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bạn nên chủ động điều trị theo phác đồ, tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa gan mật và chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn dành cho mình để sớm cải thiện bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital