Khám thai tuần 20 là một mốc khám quan trọng trong suốt hành trình thai kỳ của mẹ bầu. Qua lần khám thai này, mẹ sẽ biết được sự phát triển của em bé trong bụng ra sao, một số dị tật thai nhi mẹ cần lưu ý là gì. Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần thực hiện khám thai tuần 20?
Mang thai là một hành trình tuyệt diệu nhất đối với phụ nữ trong quá trình mang thai. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Ban đầu là cảm giác chờ đợi que thử thai lên 2 vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình đang mang trong mình một mầm sống. Bên cạnh niềm vui hạnh phúc đó, mẹ cũng phải đối mặt với một số phiền toái, mệt mỏi, ốm nghén,…
Tuần 20 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong thai kỳ của mẹ. Vì thế việc mẹ nắm được những thay đổi về cơ thể, sinh lý và những thứ mẹ nên chuẩn bị là vô cùng quan trọng.
Siêu âm thai tuần 20 sẽ giúp bác sĩ thăm khám được những chỉ số liên quan tới em bé: tử cung, lượng ối, nhau thai….Ngoài ra, siêu âm tuần 20 cũng giúp mẹ nắm được khả năng em bé có bị mắc một số loại bệnh dị tật bẩm sinh hay không. Từ đó, mẹ và gia đình có sự chuẩn bị tinh thần và phương án xử lý kịp thời.
2. Kiểm tra sự phát triển của em bé khi khám thai tuần 20
20 tuần tuổi thai tương đương với khoảng 4 tháng 2 tuần. Ở tuần 20, cân nặng trung bình của bé sẽ rơi vào khoảng 300gram, xấp xỉ với một quả chuối. Chiều dài trung bình của bé sẽ rơi vào khoảng 16 – 17cm. Kể từ thời điểm này, chiều dài cơ thể của bé được xác định từ đỉnh đầu xuống ngón chân. Dù vẫn còn rất nhiều thời gian để hoàn thiện nhưng ở giai đoạn này, sự phát triển của bé đã tương đối hoàn chỉnh.
2.1. Khám thai tuần 20 – Kiểm tra được nhịp tim thai
Ở mốc tuần này, khi thăm khám thai, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tim thai để xem nhịp tim thai của em bé có trong mức độ bình thường không. Thông thường, tim thai của em bé sẽ dao động trong khoảng 110 – 160 nhịp/phút. Do vậy, nếu nhịp tim thai của em bé giảm hoặc tăng quá nhiều so với con số này sẽ xảy ra tình trạng: tim thai giảm sớm, tim thai giảm muộn, bất định, kéo dài.
2.2. Kiểm tra sự hoàn thiện cơ thể của em bé
Tuần thai thứ 20, cơ thể của bé đã có những sự phát triển đáng kinh ngạc và tiến dần đến quá trình hoàn thiện. Do vậy, ở tuần này, bác sĩ khi khám thai sẽ giúp mẹ kiểm tra được sự hoàn thiện cơ thể của em bé, bao gồm: chiều dài, cân nặng, các đặc điểm cấu trúc da, bàn tay, bàn chân,…
Ngoài ra, thông qua hình thức siêu âm, bác sĩ có thể ước lượng được một số chỉ số phát triển cơ thể: chu vi đầu, độ dài xương đùi, số lượng các chi ngón tay, ngón chân.
Bên cạnh đó, một số bộ phận quan trọng như: tim, não, phổi,…cũng thuộc các phạm trù thăm khám của bác sĩ. Nếu phát hiện thấy các bất thường nào, bác sĩ sẽ kịp thời đưa ra lời khuyên và phương hướng xử lý cho mẹ.
2.3. Khám thai tuần 20 – Kiểm tra nhau thai, dây rốn
Nhau thai ảnh hưởng rất quan trọng đến tiên lượng mẹ sẽ sinh thường hay sinh mổ. Do đó, việc siêu âm thai tuần 20 cũng giúp mẹ nắm được tình trạng bám của nhau thai: nhau thai bám thấp, nhau tiền đạo,..
Ngoài ra, qua buổi siêu âm, các bác sĩ cũng xác định được vị trí của dây rốn, kiểm tra xem em bé có bị dây rốn quấn cổ hay không. Máu vận chuyển qua dây rốn có bình ổn không cũng là một chỉ số quan trọng sẽ quan sát được ở tuần thai thứ 20.
2.4. Tầm soát dị tật thai nhi ở tuần thai thứ 20
Thông qua siêu âm, mẹ bầu cũng có thể biết được con có mắc các bệnh lý dị tật hay không. Một số loại bệnh có thể phát hiện được qua siêu âm tuần 20 như:
– Có khe hở môi, hở hàm ếch.
– Cột sống không thẳng hàng.
– Bất thường về tim: buồng tim, van tim, tĩnh mạch, động mạch tim,…
– Bất thường về thận: thắt thận 2 bên
– Một số bất thường khác: nứt bụng, thoát vị cơ hoành,…
…
3. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào ở lần khám thai tuần 20?
Vào tuần 20, các bác sĩ có thể xác định số đo vòng bụng của mẹ. Số đo vòng bụng này được tính từ chiều dài xương mu tới đỉnh tử cung của mẹ, và được tính theo số tuần mang thai cộng hoặc trừ đi 2cm. Mẹ bầu có số đo vòng bụng cao hoặc thấp hơn số đo trung bình sẽ có thể đang có dấu hiệu bị mắc một số bệnh lý như: tiểu đường thai kỳ, vấn đề về tăng trưởng hay bị sụt cân. Lúc này mẹ cần trao đổi lại với bác sĩ để kịp thời có biện pháp điều chỉnh.
Cân nặng của mẹ bầu tính theo chỉ số khối cơ thể sẽ tăng vào khoảng 11 – 15kg. Mẹ có chỉ số cao hơn mức BMI trung bình khi mang thai chỉ được phép tăng từ 6 – 11kg. Mẹ có chỉ số thấp hơn mức trung bình sẽ cần tăng từ 12 – 18kg.
Khi mang thai, một số thay đổi cơ thể sẽ trở nên rõ ràng hơn. Mẹ có thể sẽ bị phù nề, ợ nóng, chuột rút,…
Khí hư cũng không ngừng gia tăng cho tới thời điểm mẹ sinh con xong. Mặc dù đó chỉ là phản ứng bình thường để đảm bảo cơ thể hoàn toàn sạch khuẩn tuy nhiên mẹ bầu vẫn cần thăm khám bác sĩ nếu dịch có màu vàng, xanh hoặc bốc mùi khó chịu.
Khi em bé đã bắt đầu chiếm lĩnh hệ tiêu hóa của mẹ, thì các triệu chứng ợ nóng hoặc bội thực sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Mẹ nên để ý đến khẩu phần ăn hàng ngày, tránh xa các loại thực phẩm chua, nhiều axit.
4. Một số lưu ý mẹ cần biết khi đi khám thai tuần 20
Mẹ cần đi thăm khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ, bởi qua mỗi tuần thai, em bé sẽ có những sự phát triển và hoàn thiện cơ thể khác nhau. Do đó, việc thăm khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ tầm soát được những bệnh lý và có cách điều chỉnh kịp thời.
Siêu âm không làm ảnh hưởng tới sức khỏe hay sự phát triển của em bé. Do vậy, mẹ có thể hoàn toàn yên tâm đi siêu âm thai ở những mốc tuần quan trọng.
Mặc dù siêu âm có thể giúp quan sát được một số dị tật hình thái của thai nhi, tuy nhiên tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định mẹ nên thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Mẹ nên lựa chọn cơ sở thăm khám uy tín để đảm bảo buổi khám thai của mình đem lại hiệu quả tốt nhất mà không làm ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ của hai mẹ con.
Trên đây là những thông tin quan trọng mẹ cần biết về khám thai mốc tuần 20. Nếu mẹ có bất cứ câu hỏi nào cần giải đáp, hãy liên hệ ngay với Thu Cúc TCI để được tư vấn nhé!