Điều trị thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh là một vấn đề cột sống rất phổ biến. Tình trạng này xuất phát từ việc đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí thẳng hàng ban đầu, chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh. Bệnh thường ở dạng tiềm ẩn trong thời gian dài, triệu chứng đau biểu hiện từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ chèn ép vào dây thần kinh.

1. Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh là gì, bệnh có nguy hiểm không?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí vốn có. Điều này khiến cột sống giảm sự linh hoạt, khiến cơ thể vận động không còn được trơn tru, khả năng chịu lực cũng kém đi.

Thoát vị có thể nhẹ có thể không gây ra chèn ép các dây thần kinh. Ngược lại nhiều trường hợp đĩa đệm trượt xa khỏi vị trí có thể chèn ép dây thần kinh và gây ra triệu chứng đau, nhức, tê bì… không chỉ ở vị trí thoát vị.

Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị sai cách, tình trạng chèn ép dây thần kinh sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng. Người bệnh có nguy cơ lãnh những hậu quả đáng tiếc như rối loạn chức năng vận động, teo cơ, thậm chí mất khả năng di chuyển.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh

Các đĩa đêm lệch ra khỏi vị trí có thể gây chèn ép dây thần kinh.

2. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh

Tại mỗi vị trí đĩa đệm chèn dây thần kinh, người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau:

– Dấu hiệu thoát vị chèn dây thần kinh cổ: Các dấu hiệu đặc trưng gồm đau nhức, tê mỏi vùng vai gáy, đặc biệt là khi thực hiện các động tác ngửa, xoay, cúi cổ thường xuyên. Sau một thời gian, bệnh có thể nặng lên khiến người bệnh xuất hiện thêm tình trạng đau dọc theo đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép, thậm chí lan rộng xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay, các ngón tay.

– Dấu hiệu thoát vị chèn dây thần kinh tọa: Đặc trưng là tình trạng đau âm ỉ ở vùng hông, thắt lưng, một bên mông, chạy dọc xuống theo dây thần kinh đùi, cẳng chân đến tận bàn chân và các ngón chân.

Các cơn đau thường xuất hiện nhiều hơn khi cử động, đi lại và giảm bớt khi nghỉ ngơi (nằm, ngồi). Tình trạng đau nhức vai, lưng, thắt lưng có thể thường xuyên hơn sau mỗi lần vận động. Cũng bởi vậy, khả năng vận động của người bệnh bị giảm sút theo thời gian và mức độ nặng của bệnh. Có người bị ngứa ran tại các vị trí đau, được mô tả như có kim châm. Một số khác bị co giật cơ nhẹ, yếu cơ. Nếu không được điều trị kịp thời, những người này sẽ có nguy cơ bị teo cơ, thường là cơ nhị đầu và tam đầu, cơ kẽ xương. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bại liệt về sau do chèn ép tủy cổ.

3. Các biến chứng do thoát vị chèn ép dây thần kinh

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thoát vị đĩa đệm có thể gây các biến chứng sau:

3.1 Đau rễ thần kinh

Tổn thương đĩa đệm vùng cột sống có thể chèn ép các dây thần kinh và rễ thần kinh, làm người bệnh đau nhức khó chịu. Cơn đau lan rộng theo thời gian có thể gây trở ngại lớn trong sinh hoạt thường ngày.

3.2 Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh có thể gây rối loạn cảm giác

Những vùng da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương thường có cảm giác nóng lạnh bất thường, có thể gây mất cảm giác, tê bì tay chân. Lâu dần, người bệnh có thể bị tê liệt, tàn phế.

3.3 Teo cơ

Thoát vị đĩa đệm còn có thể gây chèn ép mạch máu. Điều này khiến lưu thông máu nuôi dưỡng các khối cơ giảm, gây teo cơ và làm giảm khả năng lao động.

3.4 Rối loạn bài tiết

Khi các rễ thần kinh liên quan đến chức năng hoạt động của bàng quang bị chèn ép bởi tình trạng thoát vị đĩa đệm, hệ bài tiết có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh sẽ đại tiểu tiện không tự chủ. Các biểu hiện bao gồm: bí tiểu, đái dầm hoặc chảy nước tiểu thụ động.

3.5 Hội chứng đau cách hồi

Đau cách hồi là hiện tượng người bệnh bị đau khi di chuyển, vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau tăng lên khi vận động nhiều, càng vận động càng đau. Nhiều người đi một đoạn lại phải dừng lại nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp được.

3.6 Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh gây thiếu máu não

Biến chứng này thường gặp ở bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Thoát vị ở cổ khiến các dây thần kinh và mạch máu xung quanh cổ bị chèn ép, làm giảm lưu thông máu đến não và gây thiếu máu não.

3.7 Lệch vẹo cột sống thắt lưng

Những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có dấu hiệu bị co cứng, lệch vẹo cột sống. Điều này khiến khả năng vận động, xoay vặn người hay cúi gập lưng của bệnh nhân không còn linh hoạt. Dây thần kinh bị chèn ép khiến cơn đau lan rộng.

Biến chứng thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh

Thiếu máu não là một trong những biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

4. Điều trị thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh

4.1 Sử dụng thuốc Tây Y

Sử dụng các loại thuốc Tây có thể giúp cho người bệnh giảm đau nhanh chóng. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh này gồm các loại thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc giãn cơ, các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID).

Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ ảnh hưởng của bệnh, tình hình thực tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối phác đồ để đạt hiệu quả điều trị cao.

4.2 Vật lý trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng vật lý trị liệu để giúp người bệnh điều chỉnh lại các đốt sống để giúp giảm tình trạng chèn ép, đưa chúng trở lại vị trí ban đầu.

Chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán mức độ chèn ép dây thần kinh ở các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm giúp bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

4.3 Phương pháp ngoại khoa

Việc điều trị thoát vị đĩa đệm bằng các phương pháp điều trị nội khoa nếu không hiệu quả, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật, mục đích là cắt bỏ đi phần nhân nhầy thoát vị ra bên ngoài hoặc thay đĩa đệm nhân tạo.

Vì quá trình phẫu thuật thường có rủi ro nhất định nên đây thường là phương pháp cuối cùng được áp dụng khi tất cả các phương án điều trị khác đều không thành công.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, trong quá trình điều trị người bệnh cùng cần hết sức lưu ý tránh việc vận động nhiều và nặng; bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp như các loại thực phẩm giàu canxi, chất xơ, protein, omega – 3,…; tập luyện thể thao, nghỉ ngơi, thư giãn để giúp tránh tổn thương và làm giảm chèn ép dây thần kinh hiệu quả.

Tóm lại, thoát vị đĩa đệm gây chèn ép các dây thần kinh là một tình trạng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt mà còn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy cần nhận diện và điều trị sớm. Nếu thấy các triệu chứng đau nhức vùng lưng, vùng cổ, bạn nên thăm khám sớm chuyên khoa Cơ xươn khớp để được chẩn đoán nguyên nhân và kiểm soát các bệnh lý kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital