Đầu năm 2024, số trẻ em, đặc biệt là trẻ em nước ngoài có biểu hiện bệnh lý viêm đường hô hấp đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI thăm khám tăng mạnh. Trong đó, có không ít trường hợp là anh chị em ruột trong một gia đình, như hai bé Odin Stevens và Atticus Stevens là một ví dụ điển hình
Menu xem nhanh:
1. Hai em bé nước ngoài khốn đốn vì viêm đường hô hấp
1.1. Cơ bản về bệnh lý viêm đường hô hấp
Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm cấp tính như cúm A, tay chân miệng, thủy đậu, sởi…, viêm đường hô hấp cũng là một bệnh lý phổ biến, trẻ thường mắc trong 5 năm đầu đời. Đây là bệnh lý mà khi mắc, niêm mạc đường hô hấp trẻ bị nhiễm trùng. Viêm đường hô hấp có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân, như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, dị nguyên (phấn hóa, lông động vật, khói thuốc lá…). Trong đó, nguyên nhân chính gây bệnh lý này ở trẻ là virus, như Rhinovirus, Influenza Virus, Respiratory Syncytial Virus (RSV), Adenovirus, SARS-CoV-2…
1.2. Hai em bé nước ngoài mắc nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp cùng lúc
Virus nói riêng và tất cả các nguyên nhân gây viêm đường hô hấp khác nói chung đều phát triển thuận lợi vào các khoảng giao mùa, khi mưa nắng, nóng lạnh thất thường. Bởi thế, số trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm đường hô hấp ở trẻ em nước ngoài, là anh chị em ruột trong một gia đình, được ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1 năm nay luôn ở mức cao.
Ví dụ điển hình cho tình trạng này là hai bé Odin Stevens và Atticus Stevens. Được biết, bé Odin đến Thu Cúc TCI trong tình trạng ho đờm, chảy mũi dịch xanh. Sau nội soi tai mũi họng và chụp X-quang ngực thẳng, bé được chẩn đoán viêm mũi họng cấp. Em trai Odin, bé Atticus thì đến Thu Cúc TCI trong tình trạng sốt, ho nhiều, chảy mũi dịch trong, thở khò khè và sưng nề mắt. Sau nội soi tai mũi họng, chụp X-quang ngực thẳng, test cúm A/B, test RSV, bé được chẩn đoán viêm tai giữa ứ mủ hai bên, viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp và viêm kết mạc cấp. Mệt nhiều, hai anh em quấy khóc, khiến bố mẹ mệt mỏi.
Lý giải hiện tượng này, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI chia sẻ: “Thời điểm này là thời điểm nhiều trẻ em Việt Nam “khốn đốn” vì viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, so với trẻ em Việt Nam, vốn đã có một phần nào đó sức “đề kháng” với khí hậu cực đoan tháng 1, tháng 2; thì trẻ em nước ngoài gặp khó khăn gấp bội. Chưa quen khí hậu là lý do khiến trẻ em nước ngoài dễ viêm đường hô hấp. Đây cũng chính là lý do khiến tình trạng lây nhiễm chéo viêm đường hô hấp giữa anh chị em ruột trong các gia đình nước ngoài diễn ra nhanh và mạnh.”
Viêm đường hô hấp bao gồm viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Mỗi loại viêm đường hô hấp lại có nhiều hình thái khác nhau, tùy thuộc vị trí nhiễm trùng của niêm mạc. Ví dụ như viêm đường hô hấp trên có viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản… Viêm đường hô hấp dưới có viêm khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Tình trạng nhiễm trùng từ vị trí này, nếu không được điều trị kịp thời, có thể nhanh chóng lan sang vị trí khác, khiến trẻ mắc nhiều hình thái viêm đường hô hấp cùng lúc. Như bé Atticus Stevens, cùng lúc mắc viêm mũi họng cấp và viêm phế quản cấp.
2. Điều trị cho hai bé, “giải phóng” tinh thần bố mẹ Tây
Xem xét mức độ các bệnh lý và tình trạng sức khỏe tổng thể, bác sĩ TCI chỉ định hai bé Odin và Atticus điều trị viêm tai giữa ứ mủ, viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp bằng các thuốc kháng sinh, thuốc long đờm, thuốc nhỏ mũi, men tiêu hóa. Riêng bé Atticus có viêm kết mạc cấp, còn được bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh dạng nhỏ và nước mắt nhân tạo.
Thời gian tới, khí hậu Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung còn tiếp tục cực đoan. Theo bác sĩ Mai Hoa, để dự phòng các bệnh lý viêm đường hô hấp cho trẻ, bố mẹ, đặc biệt là bố mẹ nước ngoài, nên:
– Hạn chế hoặc tốt nhất là không cho trẻ đến nơi công cộng. Nếu không thể không đến, đeo khẩu trang đầy đủ cho trẻ.
– Rửa tay cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi từ nơi công cộng trở về nhà.
– Vệ sinh mũi, vệ sinh họng cho trẻ mỗi ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%, nếu có thể.
– Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân cho trẻ.
– Bổ sung cho trẻ đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng (bao gồm tinh bột, đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất).
– Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ.
– Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cấp tính đã có vắc xin như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella… Các bệnh truyền nhiễm cấp tính này đều có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp. Dự phòng chúng hiệu quả cũng đồng nghĩa với dự phòng hiệu quả tình trạng tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Bác sĩ Mai Hoa khuyến cáo: Sự phổ biến của bệnh lý viêm đường hô hấp có thể khiến bố mẹ chủ quan. Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý rằng, bệnh lý này hoàn toàn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng trẻ. Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ viêm đường hô hấp biến chứng trên một trẻ đồng thời hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo giữa nhiều trẻ trong gia đình, khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, chảy mũi, ngạt mũi, thở khò khè, thở rít, đau ngực…; bố mẹ cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt để trẻ được chẩn đoán và dùng thuốc theo phác đồ. Tránh tự ý mua và cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh. Vì không phải trường hợp viêm đường hô hấp nào cũng cần điều trị bằng thuốc này. Sử dụng kháng sinh bừa bãi không những không giúp trẻ khỏi viêm đường hô hấp mà còn khiến trẻ kháng kháng sinh, suy gan, suy thận và mắc nhiều vấn đề vô cùng nguy hiểm khác.