Điều trị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối là hiện tượng thường xảy ra đối với nhiều chị em phụ nữ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu hoặc do quá trình vệ sinh cá nhân chưa đúng cách. Vậy ngứa vùng kín trong giai đoạn này có nguy hiểm không, phương pháp điều trị như thế nào phù hợp nhất?

1. Những nguyên nhân gây ra hiện tượng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối

Ngứa vùng kín khi mang thai vào tháng cuối không phải là hiện tượng hiếm gặp đối với chị em phụ nữ, hầu như ít nhất một lần bất cứ ai khi mang thai đều phải trải qua cảm giác ngứa, khó chịu này. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ở phụ nữ mang thai thường như sau:

– Viêm nang lông: Từ giai đoạn mang thai tháng thứ 4 trở đi, bà bầu có nguy cơ cao bị bệnh viêm nang lông vùng kín. Nguyên nhân bắt nguồn từ hiện tượng tăng tiết mồ hôi hoặc thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách. Ngoài ngứa có thể kèm thêm các vấn đề nổi mụn đỏ hoặc mụn mủ xung quanh chân lông, đau rát vùng da, vùng kín ẩm ướt do các nốt mụn bị vỡ, tiết dịch.

Viêm âm đạo: Đây chính là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra triệu chứng ngứa vùng kín ở bà bầu trong tháng cuối thai kỳ do vi khuẩn, nấm mốc hoặc ký sinh trùng tấn công vào da và gây ra hiện tượng viêm nhiễm, ngứa vùng kín. Bà bầu có thể thấy ngứa, khó chịu bất cứ lúc nào. Bên ngoài vùng kín thấy bị sưng đỏ, nổi các mụn nhỏ li ti, ra nhiều khí hư hơn và khí hư còn kèm theo mùi hôi khó chịu.

– Bệnh viêm đường tiết niệu ở vùng kín: Vi khuẩn E.Coli chính là thủ phạm chính gây viêm đường tiết niệu ở bà bầu và sẽ làm ảnh hưởng đến cả vùng kín khiến bà bầu bị ngứa ngáy, đau rát khó chịu.

– Bệnh rận mu: Ký sinh trùng Pthirus pubis là thủ phạm chính gây ra cảm giác ngứa vùng kín cho mẹ bầu, rận mu có khả năng lây truyền thông qua đường tình dục. Rận mu sống ký sinh trên các sợi lông hoặc đào phía hầm dưới da hút máu người để sống. Chất thải do chúng tiết ra sẽ có thể gây nên kích ứng, phồng rộp và ngứa da ở vùng kín.

– Bệnh truyền nhiễm qua quan hệ tình dục: Bà bầu cũng có nguy cơ mắc những bệnh như lậu, giang mai hay Chlamydia thông qua đường tình dục do mắc từ trước đó hoặc mới bị lây nhiễm từ bạn tình của mình.

Bệnh trĩ: Hầu hết các mẹ bầu đều rất dễ mắc trĩ, nếu như bị trĩ nặng sẽ có tình trạng búi trĩ sưng to lên và lộ ra ngoài gây đau đớn, chảy máu khi đi vệ sinh, đồng thời vùng âm đạo cũng tiết ra nhiều chất nhầy khiến cho hậu môn và vùng kín bị ngứa.

Bệnh trĩ khi mang thai tháng cuối

Bệnh trĩ khi mang thai tháng cuối là một trong nhiều nguyên nhân gây ngứa vùng kín

2. Bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối có gây nên nguy hiểm không?

Có không ít mẹ bầu thờ ơ với việc ngứa vùng kín khi mang thai, vì những cảm giác mà hiện tượng này mang lại đôi khi chỉ là sự ngứa ngáy đi kèm đôi chút khó chịu. Chỉ khi bệnh trở nên nặng nề làm cho quá trình đi vệ sinh xuất hiện cảm giác đau, khí hư thay đổi có mùi thì mẹ mới cần sự can thiệp của bác sĩ. Tuy nhiên, ngứa vùng kín khi mang thai vào tháng cuối ít nhiều cũng có những ảnh hưởng không chỉ đối với mẹ bầu và còn cả thai nhi.

2.1 Ảnh hưởng đối với mẹ bầu

Đối với mẹ bầu, khi bị ngứa vùng kín sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen sinh hoạt hằng ngày, gặp những bất tiện trong sinh hoạt, nhất là vào giai đoạn tháng cuối sắp đón con chào đời thì cơ thể mẹ luôn phải đối mặt với nhiều sự khó chịu khác nữa. Vì vậy, khi bị viêm nhiễm gây ngứa vùng kín vào giai đoạn nhạy cảm này sẽ thực sự vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, cơ quan sinh dục cũng dễ bị tổn thương, tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển và tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác.

2.2 Ảnh hưởng đối với thai nhi

Phụ nữ mang thai khi bị ngứa vùng kín lâu sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi trong bụng như:

–  Tình trạng ngứa ngáy ở vùng kín sẽ khiến mẹ luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt trong cơ thể, ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ, sự mệt mỏi chán ăn là điều không tránh khỏi. Từ đó, em bé có nguy cơ dẫn đến hiện tượng suy dinh dưỡng rất cao.

–  Mẹ bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối do bệnh phụ khoa gây nên sẽ khiến trẻ rất dễ bị mắc các chứng bệnh viêm nhiễm liên quan đến da, đường hô hấp, mắt… do vi khuẩn gây bệnh lây từ mẹ sang bé khi sinh thường.

– Trường hợp mẹ bầu tự ý sử dụng thuốc điều trị ngứa vùng kín trong quá trình mang thai mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ có thể gặp phải tác dụng phụ như: ảnh hưởng đến sự phát triển của tim, xương và não bộ của thai nhi.

Do vậy, khi bị ngứa vùng kín các mẹ bầu tuyệt đối không phép được xem nhẹ vì lúc này cơ thể mẹ vô cùng nhạy cảm, việc vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín sẽ có những tác động tiêu cực không chỉ đến cơ thể mẹ mà còn gây ảnh hưởng sức khỏe của thai nhi.

Ảnh hưởng đến thai nhi khi mẹ bị ngứa vùng kín

Thai nhi có khả năng viêm nhiễm các bệnh về da, mắt khi mẹ bị ngứa vùng kín và sinh thường

3. Điều trị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối

3.1 Vệ sinh vùng kín khoa học

Vệ sinh vùng kín là việc mẹ luôn phải làm hàng ngày, tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng biết phương thức thực hiện đúng cách. Dưới đây là cách vệ sinh vùng kín đúng chuẩn các mẹ bầu nên tham khảo:

– Tiến hành vệ sinh vùng kín ít nhất 2 lần/ngày, chú ý đến nguồn nước sử dụng cần phải đảm bảo sự sạch sẽ, tránh các nguồn nước bị ô nhiễm.

– Tuyệt đối không được phép thụt rửa âm đạo khi mang thai.

–  Sau khi mẹ bầu đi vệ sinh hoặc quan hệ tình dục cần phải chú ý đến việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ.

– Tìm hiểu kỹ các thành phần có trong sữa tắm và dung dịch vệ sinh trước khi sử dụng, tránh những thành phần xuất hiện có khả năng gây kích ứng cao.

3.2 Tiến hành điều trị bằng thuốc

Đối với những trường hợp các mẹ bầu bị mắc các bệnh phụ khoa sẽ cần phải điều trị bằng thuốc. Bác sĩ chuyên khoa Sản căn cứ vào tình trạng bệnh mẹ đang gặp phải mà chỉ định loại thuốc phù hợp để đảm bảo sự an toàn với thai nhi. Những loại thuốc mẹ có thể có khả năng được chỉ định sử dụng đó là kem, viên đạn đặt vào âm đạo như thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh hay là thuốc giảm ngứa… Những thuốc dạng viên uống hiếm khi được chỉ định vì tác dụng toàn thân của thuốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với thai nhi.

Điều trị ngứa vùng kín bằng thuốc

Có thể điều trị ngứa vung kín bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ

Các mẹ bầu lưu ý không phép được chủ quan với tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai vào tháng cuối và tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, thuốc bôi, đặt âm đạo khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Bởi điều này có khả năng dẫn đến nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non tăng cao. Nếu như có bất kì dấu hiệu bất thường nào liên quan đến ngứa vùng kín, hay liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital