Giác mạc mắt có vai trò quan trọng đối với thị lực của con người. Các bệnh lý ở giác mạc thường không hiếm gặp và có thể điều trị dễ dàng ở giai đoạn đầu. Mặc dù vậy, khi không được điều trị đúng cách và kéo dài, bệnh có thể gây biến chứng, nghiêm trọng nhất là dẫn đến mù lòa, thậm chí gây tử vong cho người bệnh. Cùng điểm qua 3 bệnh lý giác mạc phổ biến và cách điều trị tại bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm giác mạc mắt
1.1 Định nghĩa và triệu chứng
Viêm giác mạc mắt là khi giác mạc bị tổn thương do tác động từ bên ngoài và bị nhiễm trùng, gây phản ứng viêm. Đây là một bệnh lý về mắt rất nguy hiểm vì có thể để lại cho người bệnh những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, thủng nhãn cầu, lồi mắt cua, thậm chí là mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
Có 2 phân loại bệnh là viêm loét giác mạc (còn gọi là viêm nông) và viêm giác mạc nhu mô (còn gọi là viêm giác mạc mắt sâu).
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm giác mạc mắt gồm:
– Đau nhức âm ỉ tại mắt, đau tăng lên khi có các yếu tố kích thích như ánh sáng hoặc hoạt động mắt. Hiện tượng này khiến người bệnh luôn nhắm nghiền mắt vì sợ ánh sáng chói vào.
– Chảy nước mắt nhiều, giàn giụa mỗi khi chớp, mở mắt.
– Thị lực suy giảm nhiều so với trước khi xuất hiện triệu chứng đau mắt. Đây là một biểu hiện giúp chẩn đoán phân biệt viêm giác mạc với viêm kết mạc.
– Diễn biến và biến chứng bệnh gây nên có thể kể đến: hình thành sẹo làm giảm thị lực; viêm loét sâu gây hoại tử hết lớp nhu mô, viêm mủ nội nhãn…
1.2 Nguyên nhân gây viêm giác mạc mắt
Nguyên nhân chính gây viêm giác mạc mắt là sự tấn công của vi khuẩn (như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, cầu khuẩn lậu…) và virus (như virus adeno gây viêm kết mạc cấp, dẫn đến tổn thương giác mạc; virus herpes…). Bên cạnh đó, nấm cũng là một nguyên nhân nhưng ít gặp hơn, việc điều trị đôi khi còn khó khăn và dễ gây biến chứng nguy hiểm hơn so với viêm giác mạc mắt do vi khuẩn, virus.
Có nhiều yếu tố tác động để vi khuẩn, virus có cơ hội gây nên bệnh lý này như:
– Chấn thương, tai nạn gây rách, xước giác mạc.
– Dị vật tác động (lông xiêu, lông quặm, bụi bẩn,…) là cầu nối mở đường cho vi sinh vật xâm nhập vào tổ chức giác mạc, gây tổn thương, dẫn đến viêm giác mạc mắt, nặng hơn có thể hoại tử mô.
Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể gặp viêm giác mạc mắt do hở mi, sẹo, do liệt thần kinh, do rối loạn chuyển hóa, miễn dịch dị ứng hoặc do suy dinh dưỡng khô mắt, thiểu tiết nước mắt…
1.3 Điều trị bệnh và một số lưu ý
Do có khả năng để lại các hậu quả nặng nề nên việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm giác mạc mắt rất quan trọng, giúp hạn chế tổn thương vĩnh viễn và nguy cơ suy giảm thị lực.
Thông thường, các bác sĩ nhãn khoa sẽ điều trị viêm giác mạc bằng thuốc. Đối với những trường hợp nặng điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị khác nhau như: phủ kết mạc, ghép màng ối, ghép giác mạc…, bác sĩ sẽ dựa theo tình trạng của mỗi bệnh nhân mà lựa chọn phương pháp phù hợp. Để tìm cho mình giải pháp điều trị chính xác và hiệu quả, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa, bệnh viện uy tín ngay khi có các biểu hiện bệnh.
Khi điều trị viêm giác mạc và chăm sóc mắt tại nhà, người bệnh cần chú ý:
– Không nên băng, bịt kín mắt vì sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh tại mắt phát triển mạnh hơn.
– Nên đeo kính mát khi đi ra ngoài để giúp bảo vệ mắt tránh những kích thích từ môi trường như ánh sáng mạnh, bụi bẩn.
– Tuyệt đối không đeo kính áp tròng và hạn chế trang điểm trong quá trình điều trị.
– Tránh dụi mắt hay để những vật thể bên ngoài có tác động đến mắt.
2. Xước giác mạc
2.1 Định nghĩa và triệu chứng
Bị trầy xước giác mạc hay còn gọi là trợt biểu mô giác mạc là vết trầy xuất hiện tại lớp ngoài cùng (biểu mô) của giác mạc do dị vật gây ra, việc này gây tổn thương giác mạc và khiến thị lực bị ảnh hưởng.
Giác mạc có cấu tạo bao gồm 5 lớp, từ ngoài vào trong là: biểu mô, màng Bowman, nhu mô, màng Descemet, nội mô.
Biểu mô là lớp bề mặt vô cùng quan trọng của giác mạc có chức năng cung cấp bề mặt tối ưu để lớp phim nước mắt có thể trải đều phía trên, giúp bảo vệ và cung cấp chất dinh dưỡng, tạo độ ẩm cho toàn bộ giác mạc.
Khi bị trợt biểu mô/xước giác mạc, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sau đây:
– Mắt đỏ, đau và nhạy cảm hơn với ánh sáng.
– Thị lực bị nhòe tạm thời.
– Cộm và cay mắt, chảy nước mắt nhiều, nhất là khi chớp mắt.
– Khó mở mắt.
– Có thể xảy ra viêm nếu vẫn còn dị vật mắc kẹt, từ đó gây giảm thị lực.
Vì thế, khi bị dị vật dính vào mắt, nếu không thể lấy dị vật hoặc bị cộm, đau mắt sau khi đã loại bỏ dị vật, nhìn mờ và chảy nhiều nước mắt, người bệnh cần chỉ động đi khám ngay ở các Bệnh viện, phòng khám mắt uy tín để được kiểm tra và có giải pháp khắc phục
2.2 Nguyên nhân gây xước giác mạc mắt
Xước giác mạc có thể xảy ra với bất kì ai do nhiều nguyên nhân phổ biến, trong đó gồm:
– Vô tình chọc tay vào mắt
– Dụi mắt mạnh khi bị vật thể lạ bay vào mắt
– Chấn thương hoặc tai nạn
– Tiếp xúc quá nhiều với khói thuốc lá khiến giác mạc khô, yếu và dễ tổn thương
– Đeo kính sát tròng trong thời gian dài khiến mắt bị khô, dễ trợt biểu mô. Ngoài ra việc vệ sinh kính không tốt khiến cho bụi bẩn bám vào kính và tiếp xúc với mắt khi sử dụng.
Đặc biệt cần lưu ý rằng dù vết xước giác mạc rất nhỏ nhưng hoàn toàn có thể khiến cho mắt bị nhiễm trùng nếu như tác nhân gây nên là các vật bẩn, tích tụ vi khuẩn như móng tay, cành cây,…
2.3 Điều trị
Vì khi giác mạc bị xước, một số loại vi khuẩn và nấm có thể xâm nhập qua vết xước, gây ra các tổn thương nghiêm trọng rất nhanh trong vòng 24 giờ, thậm chí có thể dẫn đến mất thị lực, mù lòa.
Chính vì vậy, ngay khi nghi ngờ hoặc xác định bị xước giác mạc, người bệnh cần có phương án xử trí thích hợp và nhanh chóng đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
– Xước giác mạc do dụi mắt, bụi nhỏ: tuyệt đối không dui mắt thêm, nhỏ nước muối sinh lý đẫm để rửa trôi bụi bẩn và làm sạch mắt, nhắm nhẹ mắt, nếu có thể thì nhờ người đưa đến cơ sở y tế.
– Xước giác mạc do chấn thương đụng dập: thường đi kèm với tổn thương quanh mắt như tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt; chảy máu trong mắt; tổn thương các tổ chức của mắt như: võng mạc, thể thủy tinh, thần kinh thị…, người bệnh cần sử dụng băng che mắt hờ rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt ngay để được khám và điều trị.
– Mắt bị chấn thương xuyên thủng: nguy cơ cao gây rách giác mạc và chảy máu nhiều. Điều cần làm là phải cầm máu ngay, có thể sử dụng thuốc kháng sinh chloramphenicol nhỏ mắt và băng mắt lại, sau đó đến ngay cơ sở y tế, chuyên khoa mắt để được khâu và điều trị vết thương.
3. Rách giác mạc
3.1 Định nghĩa và triệu chứng
Rách giác mạc là một trong những tổn thương nặng đối với mắt. Nếu như xước giác mạc chỉ là tổn thương nhỏ thì rách giác mạc gần như là một chấn thương đối với mắt, gây ảnh hưởng hơn hẳn tới sức khỏe mắt và thị lực của người bệnh.
Khi bị rách giác mạc, hầu hết người bệnh sẽ có triệu chứng tương tự như xước giác mạc nhưng mức độ nghiêm trọng và khó chịu, đau đớn tăng hơn nhiều lần. Ban đầu dị vật lớn bám vào giác mạc, người bệnh thường cảm thấy cộm bên trong mắt, khó mở mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ tạm thời, đồng thời có thể xảy ra xung huyết tại mắt. Nếu không loại bỏ kịp thời, dị vật đã gây rách giác mạc, người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng nặng nề hơn như: đỏ mắt, đau rát nhiều ở mắt, thậm chí cay mắt tới mức không mở được mắt, nhất là khi ở nơi nhiều ánh sáng.
Giác mạc bị rách nếu không được sơ cứu và điều trị tốt có thể dẫn đến hậu quả xấu cho thị lực bệnh nhân. Vì việc rách giác mạc là một tổn thương lớn nên việc xác định vị trí vết rách giác mạc, mức độ, nguyên nhân, vật thể gây rách giác mạc… khiến việc nhận định và điều trị vết thương rách giác mạc trở nên khó khăn.
3.2 Nguyên nhân gây rách giác mạc mắt
Hầu như nguyên nhân gây nên rách giác mạc đều tương tự như xước giác mạc mắt, tuy nhiên mức độ thường mạnh và sâu hơn, bao gồm các tác động của:
– Móng tay, bút hay cọ trang điểm, tập giấy vô tình quẹt phải mắt
– Bị bụi bẩn, cát, mùn cưa, tro hoặc một số vật lạ dính vào trong mắt.
– Dụi mắt quá mạnh, nhất là khi dính dị vật
– Hóa chất mạnh hoặc các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày rơi vào, khiến mắt tổn thương.
– Mang kính áp tròng không đúng cách hoặc đeo trong một thời gian quá dài hoặc kính áp tròng bẩn.
– Không mang kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động có nguy cơ chấn thương cao.
– Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá gây khô và khiến giác mạc yếu đi.
3.3 Điều trị bệnh và một số lưu ý
– Đối với chấn thương đụng dập gây bầm quanh mắt hoặc xuất huyết trong mắt và rách giác mạc người bệnh không can thiệp gì thêm mà chỉ cần sử dụng băng che mắt nhẹ lại và đến ngay cơ sở y tế, chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị.
– Đối với chấn thương xuyên thủng gây rách giác mạc nặng kèm theo chảy máu nhiều. Người bệnh cần cầm máu ngay, nếu có thể thì sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh chloramphenicol hoặc tra thuốc mỡ kháng sinh và băng nhẹ mắt lại, sau đó đến ngay cơ sở y tế để khâu và điều trị.
Thường thì vết rách giác mạc khi được khâu và chăm sóc tốt sẽ lành sau khoảng một tháng. Nhưng nếu vết rách giác mạc đã lành nhưng mắt bệnh nhân còn đỏ thì có thể do còn nhiều tổn thương nội nhãn khác chưa hồi phục.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải tiếp tục theo dõi điều trị để kịp thời xử lý những biến chứng có thể xảy ra ngay cả khi giác mạc sau đã ổn định lành sẹo vì vẫn có nguy cơ gây loạn dưỡng giác mạc và làm thị lực giảm trầm trọng sau này nếu chẳng may bị viêm.
Trên đây là 3 bệnh lý về giác mạc mắt vô cùng phổ biến và có thể gặp bất cứ lúc nào trong đời sống. Hy vọng những thông tin này sẽ phần nào giúp bạn có thêm kiến thức để phát hiện và xử trí khi gặp phải các tình trạng này.