Những điều quan trọng cần biết trước, trong và sau khi tiêm chủng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, giúp cơ thể phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ gây ra tử vong. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ thông tin chi tiết tới bạn những điều cần biết trước – trong – sau khi tiêm chủng, để bạn có thể nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong hành trình bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

1. Thông tin về vắc xin và tiêm chủng

Vắc xin là các chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Vắc xin thường có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, tuy nhiên đã được bào chế đảm bảo độ an toàn đối với cơ thể. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể, các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh nhưng chúng giúp kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể nếu trong tương lai tiếp xúc với các virus: bại liệt, sởi, viêm não, viêm gan A, viêm gan B,… góp phần hạn chế những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi các bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ gây ra tử vong

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi các bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ gây ra tử vong

2. Những điều cần biết trước, trong và sau khi tiêm vắc xin

2.1. Trước khi tiêm

Cần lưu ý xem bản thân có nằm trong các trường hợp cần tạm hoãn việc tiêm chủng hoặc chống chỉ định với tiêm chủng không.

2.1.1.Các trường hợp tạm hoãn việc tiêm chủng

– Trẻ em/người lớn có tình trạng suy chức năng các cơ quan như: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy tim, hôn mê…. Chỉ tiêm chủng khi sức khỏe của người bệnh ổn định.

– Trẻ em/người lớn mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Hoãn tiêm chủng cho tới khi sức khỏe của trẻ ổn định.

– Trẻ em/người lớn đang bị sốt >= 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt =< 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).

Hoãn tiêm chủng với trẻ em/người lớn đang bị sốt >= 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt =< 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách) 

Hoãn tiêm chủng với trẻ em/người lớn đang bị sốt >= 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt =< 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách)

– Trẻ em/người lớn mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.

– Trẻ em/người lớn đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednisone ≥2mg/kg/ngày), đang hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.

– Trẻ em/người lớn  mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).

– Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin đối với từng loại vắc xin.

2.1.2. Những trường hợp chống chỉ định tiêm chủng

– Trẻ em/người lớn có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau khi tiêm chủng vắc xin có cùng thành phần, sốt cao >39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở,…

– Các trường hợp có tiền sử phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm 1 liều vắc xin ở lần tiêm trước đó.

– Những người bị suy giảm miễn dịch (mắc HIV/AIDS, mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh), chống chỉ định tiêm các loại vắc xin sống giảm độc lực.

– Vắc xin phòng bệnh Lao không tiêm cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tốt.

– Những người đang có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận,…).

– Các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin đối với từng loại vắc xin.

2.2. Quá trình tiêm

Để đảm bảo an toàn, người đi tiêm chủng cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi mũi tiêm. Nếu là lần đi tiêm đầu tiên thì hãy đề nghị nhân viên y tế cấp cho bạn một cuốn sổ tiêm và ghi lại những mũi tiêm đã tiêm trong lần này.

Người đi tiêm chủng cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi mũi tiêm

Người đi tiêm chủng cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi mũi tiêm

Cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của người tiêm chủng.

Với người lớn, cần cung cấp thông tin về:

– Các bệnh đã mắc.

– Những thuốc đang dùng.

– Những vắc xin đã tiêm trong vòng 4 tuần trở lại đây và những phản ứng, dị ứng đã gặp phải trong những lần tiêm chủng trước.

– Phụ nữ cần cung cấp thêm thông tin về việc mình có đang mang thai hay không, hay thời gian dự định có thai.

Với trẻ em, bố mẹ cũng cần thông tin cho bác sĩ về:

– Trẻ đã đủ cân nặng chưa (trên 2kg đối với trẻ sơ sinh)?

– Trẻ có ăn/bú, uống, ngủ, chơi bình thường không?

– Có đang dùng thuốc, hay có đang sử dụng phương pháp điều trị bệnh nào không?

– Có tiêm vắc xin nào trong vòng 4 tuần gần đây không?

– Có tiền sử dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, dị ứng vắc xin không?

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ cần cung cấp cho bác sĩ chi tiết thông tin về tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm của bé

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ cần cung cấp cho bác sĩ chi tiết thông tin về tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm của bé

Ngoài ra, người tiêm chủng có thể đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin sẽ tiêm chủng lần này, những tác dụng phụ, phản ứng có thể gặp phải và hướng dẫn theo dõi sau tiêm.

2.3. Sau khi tiêm

Sau khi tiêm, người tiêm chủng cần biết và lưu ý một số điều sau.

2.3.1.Tiêm vắc xin có thể xảy ra phản ứng phụ

Tiêm chủng vắc xin là phương pháp giúp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, tuy nhiên sau khi tiêm có thể sẽ xảy ra một số phản ứng phụ. Hầu hết các phản ứng phụ thường nhẹ và tự khỏi trong khoảng 1 đến 2 ngày như: đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ dưới 38,5 độ C,…

Đối với trẻ em, bé có thể sẽ quấy khóc, bạn có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và theo dõi trẻ 72 giờ sau tiêm. Nếu trẻ sốt >38,5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện nặng (quấy khóc nhiều và kéo dài, bú ít, tím tái, khó thở,…) phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tiêm vắc xin có thể xảy ra phản ứng phụ nhanh (sốc phản vệ) gặp ngay sau tiêm (tỉ lệ 1/1.000.000). Vì vậy, sau khi tiêm nên lưu lại tại phòng tiêm 30 phút để đề phòng phản ứng xảy ra và tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm 24 giờ.

Sau khi tiêm nên lưu lại tại phòng tiêm 30 phút để đề phòng phản ứng xảy ra và tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm 24 giờ

Sau khi tiêm nên lưu lại tại phòng tiêm 30 phút để đề phòng phản ứng xảy ra và tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm 24 giờ

2.3.2. Một số lưu ý khác sau khi tiêm vắc xin

– Tuyệt đối không bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên trên hoặc xung quanh vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây,…  vì có thể làm vết tiêm bị nhiễm trùng. Có thể dùng đá/ miếng vải lạnh đắp lên vết tiêm để giảm đau.

– Giữ vùng tiêm khô thoáng, sạch sẽ.

– Không nên đi xa/ đi du lịch vài ngày sau tiêm, vì một số phản ứng có thể xuất hiện muộn dẫn đến không được can thiệp y tế kịp thời.

– Với trẻ em, khi bế trẻ cần tránh chạm vào vết tiêm.

– Không cho trẻ dùng aspirin, không dùng các thuốc ho và hạ sốt khác vì có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.

Trên đây là những lưu ý khi tiêm chủng, hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong hành trình tiêm vắc xin bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về tiêm chủng vắc xin, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
    Đăng ký nhận tư vấn
    Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
    Connect Zalo TCI Hospital