Đi tìm lời giải: Ung thư tụy là ung thư gì?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Dù không phổ biến, nhưng ung thư tụy được giới chuyên gia đánh giá là “sát thủ thầm lặng” bởi mức độ nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao ở người bệnh. Đi tìm lời giải đáp chi tiết xung quanh thắc mắc ung thư tụy là ung thư gì sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này.

1. Tổng quan về ung thư tụy

1.1. Ung thư tụy là ung thư gì?

Ung thư tụy là một loại tổn thương ác tính xuất hiện ở bất kỳ thành phần nào của mô tụy. 95% trong đó xuất phát từ mô tụy ngoại tiết, bao gồm tế bào biểu mô ống mềm, tế bào mầm, tế bào “acinar”,…

Mặc dù đứng thứ 14 về số ca mắc mới mỗi năm, nhưng ung thư tụy lại có tỷ lệ tử vong cao thứ 7 (Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới WHO). Trong đó, tiên lượng sống sau 5 năm của người mắc ung thư tụy chỉ khoảng 9,3%. Con số này phần nào cho thấy ung thư tụy là một “sát thủ thầm lặng” và nguy hiểm không kém bất kỳ bệnh ung thư tiêu hóa nào.

ung thư tụy là ung thư gì

Ung thư tụy có nguy cơ tử vong cao

1.2. Nguyên nhân gây ung thư tụy

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn tới ung thư tụy, tuy nhiên không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng: yếu tố di truyền, bệnh lý nền mạn tính và tác động bên ngoài có ảnh hưởng tới cơ chế hình thành mầm mống ung thư tụy. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản:

Do di truyền

Khoảng 10 – 15% ca mắc ung thư tụy có liên quan mật thiết với yếu tố di truyền. Theo đó, người mắc hội chứng di truyền liên quan đến khả năng tăng nguy cơ ung thư tụy. Ví dụ như người bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú do di truyền (đột biến gen BRCA1, BRCA2) có nguy cơ mắc ung thư tụy theo thời gian là 3 – 5%. Bên cạnh đó, ung thư tụy cũng có tính chất gia đình.

Do mắc bệnh lý mạn tính

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng đái tháo đường và ung thư tụy có liên quan mật thiết với nhau. Cụ thể, người mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ bị ung thư tụy cao hơn so với những đối tượng khác. Đồng thời, ung thư tụy có thể dẫn tới biến chứng bị tiểu đường ở người bệnh.

Ngoài ra, viêm tụy mạn và bệnh xơ nang tụy đều là những bệnh lý nền mạn tính làm tăng nguy cơ mắc ung thư tụy mà người bệnh không nên chủ quan.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Hút thuốc lá nhiều, nghiện rượu, béo phì, ít vận động,… đều là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tụy. Bên cạnh đó, thói quen ăn quá mặn, quá nhiều chất béo cũng thuộc nhóm yếu tố cao gây ung thư. Để duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất, người dân cần chủ động duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh và tránh xa các chất kích thích có tác động tiêu cực tới sức khỏe.

ung thư tuyến tụy

Ung thư tụy có thể xảy đến với bất kỳ ai bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan

1.3. Phân biệt ung thư tụy với các bệnh lý thông thường

Ở giai đoạn sớm, ung thư tụy thường khó nhận biết bởi những dấu hiệu rất mờ nhạt, thậm chí dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở người mắc ung thư tụy.

– Đau bụng: Đây là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất ở người bị ung thư tụy. Triệu chứng này có thể bắt đầu xuất hiện trước khi phát bệnh khoảng 1 – 2 tháng, với mức độ tăng dần theo tiến triển của bệnh. Cụ thể, các cơn đau thường khởi phát ở vùng thượng vị khiến người bệnh nhầm lẫn bị viêm dạ dày. Lâu dần, cơn đau có thể lan sang hai bên hoặc ra đằng sau lưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

– Vàng da, nước tiểu sẫm màu do khối u gây tắc ống mật chính, làm dịch ở gan chảy vào trong máu gây vàng da và khiến nước tiểu sẫm màu.

– Đái tháo đường: 25% bệnh nhân mắc ung thư tụy khởi phát bệnh tiểu đường trước khi được phát hiện ung thư tụy trong khoảng thời gian 2 năm.

– Ngoài ra, một số triệu chứng như: Chán ăn, nôn, tiêu chảy, suy nhược, sụt cân nhanh chóng,… có thể xuất hiện vào giai đoạn sau, khi các triệu chứng ung thư đã tiến triển và có dấu hiệu rõ rệt.

dấu hiệu mắc bệnh ung thư tụy

Vàng da là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bị ung thư tụy

2. Các phương pháp chẩn đoán ung thư tụy

Dựa vào các dấu hiệu bất thường xuất hiện ở cơ thể, bác sĩ có thể tìm dấu ấn ung thư thông qua một số phương pháp như: Xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI,…

Sự kết hợp của các danh mục chẩn đoán trên đem lại kết quả chẩn đoán chính xác cao, đồng thời bổ trợ nhau giúp bác sĩ dễ dàng xác định mức độ tiến triển của bệnh.

Xét nghiệm máu là một trong những chỉ định đầu tiên để tìm dấu ấn ung thư. Dựa vào sự thay đổi của các định lượng trong máu, bác sĩ dễ dàng đánh giá nguy cơ mắc ung thư tụy ở người bệnh.

Để đánh giá mức độ lan rộng của khối u hay tình trạng di căn hạch, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp cắt lớp vi tính MSCT. Dựa vào hình ảnh các lát cắt rõ nét được thu lại, bác sĩ dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhằm đánh giá khả năng can thiệp để giảm thiểu mức độ tiến triển bệnh.

Những thông tin trên phần nào giúp bạn giải đáp ung thư tụy là ung thư gì. Thay vì đợi tới khi bệnh tiến triển nặng mới tới bệnh viện thì bạn nên duy trì thói quen khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để loại bỏ nguy cơ mắc bệnh. Tầm soát ung thư định kỳ được đánh giá là một trong những giải pháp tối ưu giúp bạn dễ dàng thoát “cửa tử” ung thư tụy.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital