Với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp đẻ mổ ngày càng được các mẹ bầu lựa chọn để làm giảm các cơn đau chuyển dạ, giúp em bé ra ngoài một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, phương pháp đẻ mổ thực hiện thế nào? Chăm sóc sau mổ đẻ thế nào là điều mà mẹ cần đặc biệt chú ý.
Menu xem nhanh:
Đẻ mổ thực hiện thế nào?
Trước khi đẻ mổ, sản phụ được làm sạch vùng bụng nơi thực hiện các vết mổ để phòng viêm nhiễm. Mẹ bầu cũng được gây tê hoặc gây mê (tùy trường hợp). Sau đó, mẹ được gắn ống truyền nước biển giúp cơ thể không bị mất nước, một ống thông vào niệu đạo để thoát nước tiểu. Bác sĩ rạch một đoạn ngang nhỏ ở bụng, vùng dưới rốn, tiếp theo là rạch đến các lớp mô; tới tử cung, bác sĩ tạo một vết cắt, tìm vị trí của em bé, lấy em bé ra ngoài.
Thao tác này diễn ra khá nhanh chóng, chỉ trong khoảng 5 phút, nhau thai được lấy ra, mẹ được tiêm oxytocin để giúp tử cung co lại và hạn chế mất máu. Sau đó bác sĩ sẽ khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da cho mẹ.
Chăm sóc sau đẻ mổ
Những cơn đau và vết sẹo sau khi mổ
Trước khi sinh mổ, mẹ được dùng thuốc tê nên thường sẽ không có cảm giác gì. nhưng sau khi thuốc hết tác dụng, cơn đau sẽ hoành hành khiến mẹ cảm thấy khó chịu đau nhức. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà cơn đau có thể kéo dài ngắn khác nhau, có người sau vài tuần nhưng có người cơn đau dài hàng tháng.\
Đi lại sau khi mổ đẻ
Sau sinh mổ mẹ thường đau đến mức không muốn cử động, tuy nhiên, sau sinh mổ 24 tiếng, sản phụ nên vận động tập đi lại nhẹ nhàng để giúp sản dịch thoát ra dễ dàng, đồng thời tránh nguy cơ dính ruột.
Ăn uống sau sinh
Không nên quá kiêng khem, việc kiêng khem quá mức khiến mẹ gặp các vấn đề về thiếu dinh dưỡng, cơ thể yếu, các vấn đề về tiêu hóa, chất lượng sữa của bé giảm sút. Tốt nhất là mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, hãy chia nhỏ bữa ăn tránh các món ăn cay nóng, thực phẩm tanh vì có thể khiến vết thương chậm lành.
Vấn đề đi vệ sinh sau khi sinh mổ
Không nên vì đau mà nhịn đi vệ sinh gây chứng bí tiểu, táo bón, nhiễm trùng đường tiết niệu rất nguy hiểm. Thời gian đầu, có thể nhờ người thân dìu đi, nếu không thể đi được vệ sinh, hãy thông báo cho bác sĩ.
Vệ sinh thân thể
Nhiều mẹ vì nghe theo những kinh nghiệm dân gian mà kiêng tắm đến 1 tháng. Đây là một sai lầm. Việc tắm rửa vệ sinh sau khi sinh rất quan trọng, giúp mẹ cảm thấy sạch sẽ thoải mái và chống nhiễm trùng vết mổ. Chỉ cần mẹ chú ý tắm ở phòng tắm kín gió, không ngâm người trong bồn để tránh viêm nhiễm. Sau sinh, vấn đề vệ sinh vùng kín cũng cần được mẹ chú ý quan tâm. Sản dịch chảy ra ngoài thời gian đầu sau sinh, thời gian ra sản dịch tùy từng người có người 2 tuần, 3 tuần, nhưng cũng có người kéo dài đến 45 ngày, cần thay băng và vệ sinh vùng kín hàng ngày. Những ngày đầu sau sinh, thành phần máu trong sản dịch chiếm số lượng nhiều nên nó sẽ có màu đỏ tươi, nhưng sau đó, lượng sản dịch ra sẽ ít dần đi, mỏng hơn và chỉ còn màu hồng nhạt, rồi màu trắng hoặc hơi vàng. Sản dịch sẽ giảm dần trước khi ngừng hẳn. Mẹ cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh hàng ngày. Nếu thấy tình trạng sản dịch bất thường, có máu tươi sau một thời gian dài ra sản dịch, sản dịch nặng mùi… nên đến khám ngay tại cơ sở y tế.